Ngôi nhà hoa giấy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nằm yên bình trên con dốc nhỏ trong lòng thành Huế là một ngôi nhà của những bông hoa giấy xinh xắn, những vật dụng cũ được tái chế gọn ghẽ nhưng lại có sức hấp dẫn kỳ lạ. Ðó là Lavin Home - nơi an yên mang ước mơ tuổi trẻ của cô gái Lê Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1993) và những cộng sự đặc biệt, để được thổi hồn vào giấy, lưu giữ vẻ đẹp của các loài hoa.
Lê Thị Thanh Nhàn (bên phải) cùng làm hoa giấy với cộng sự là người khuyết tật.
Lê Thị Thanh Nhàn (bên phải) cùng làm hoa giấy với cộng sự là người khuyết tật.
Khoảnh vườn sáng tạo
Chúng tôi đến Huế trong những ngày oi ả. Nắng bao trùm con đường, ngõ phố dù thu đã đến bên hiên nhà. Nhưng khi đến Lavin Home, tôi cảm giác được sự mát mẻ, trong lành vừa đậm chất Huế, vừa rộn ràng nên thơ dưới những thanh âm yên bình của khu vườn nhỏ bé đầy sắc xanh. Khi gặp Nhàn, bà chủ của ngôi nhà hoa giữa lòng phố thị lại càng cảm thấy sự gần gũi, nhẹ nhàng và tinh khiết trong giấc mơ muốn làm điều có ích cho cuộc đời.
Nhàn vốn là sinh viên ngoại ngữ. Tốt nghiệp và làm quản lý cho một số nhà hàng, doanh nghiệp trong các lĩnh vực du lịch, văn hóa truyền thống; cho nên cơ hội tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài giúp cô có thêm nhiều trải nghiệm, vốn sống. Thoạt nhìn, nhiều người dễ dàng nhận thấy ở Nhàn một hình ảnh cô gái trẻ hiện đại, năng động trong công việc. Thế nhưng không hẳn vậy, trong cô lại có một đời sống nội tâm nhẹ nhàng, yên ả với tình yêu đặc biệt đối với những loài hoa ngay từ thời thơ bé: "Mình cứ thấy hoa là đứng ngẩn ngơ ngắm mãi, quên hết việc khác. Nhất là cứ như bị thôi miên trước khoảnh khắc đẹp nhất của mỗi bông hoa: Lúc hoa nở", Nhàn kể. Từ đó, thôi thúc cô tìm cách để lưu giữ vẻ đẹp của hoa và thậm chí, đưa cả vườn hoa thanh xuân vào tận góc nhà.
Nhàn bắt đầu tự tìm hiểu học làm hoa giấy. Sau nhiều năm trau dồi kinh nghiệm, khi đã có những sản phẩm chỉn chu được khách hàng đón nhận, Nhàn quyết định nghỉ việc để tìm kiếm những trải nghiệm lâu dài hơn với hoa giấy. Năm 2018, ước mơ sau bao nhiêu năm ấp ủ thành hiện thực khi cô gái gốc Huế tìm được ngôi nhà cũ nằm trong kiệt (ngõ) nhỏ trên đường Lê Ngô Cát (phường Thủy Xuân). Nhàn kể: "Ngay khi nhìn thấy ngôi nhà, mình đã có cảm giác rất gần gũi và quyết định chọn nó. Dù nhìn sự lộn xộn, cũ kỹ ở nơi này lúc đó thật sự là choáng". Nhàn cùng người thân trong gia đình, bạn bè nhanh chóng bắt tay vào việc cải tạo ngôi nhà và cảnh quan chung quanh. Dần dần trở thành một Lavin Home như ngày nay: "La chính là viết tắt của Lavender (oải hương) - loại hoa mà mình thích nhất, đến cả khi ngủ cũng hay mơ về "em nó". Vin là Vintage (cổ điển) - phong cách mà mình muốn hoa giấy hướng đến", Nhàn cho biết. Lavin Home nhận đặt hoa theo yêu cầu nhưng vẫn mong muốn mang một nét riêng biệt, tạo cái mới. Mầu sắc của Lavin thường là những mầu trầm, phai, cho nên đó là lý do chữ Lavin luôn được trình bày bằng mầu tím Huế trong bảng chỉ dẫn.
Hoa giấy Lavin với slogan: Bring soul to paper (thổi hồn vào mảnh giấy), ấy thế cho nên mỗi bông hoa làm ra không chỉ đạt đến độ giống hoa thật mà ở đó, Lavin còn mong muốn cái tâm của mình được thổi vào hoa, khiến những mảnh giấy vô tri trở nên sống động.
Nếu ở Huế, làng nghề Thanh Tiên làm hoa giấy từ những nguyên liệu truyền thống thì ở Lavin Home, Nhàn và những cộng sự lại chọn loại giấy nhún, có xuất xứ từ I-ta-li-a để dễ dàng diễn tấu, tạo hình các chi tiết trên hoa giấy, tranh hoa giấy... Muốn làm nên hoa giấy Lavin, người làm cần hiểu rõ tính chất của từng loài hoa, sau đó chọn mầu sắc, cách thể hiện giấy phù hợp, nhằm vừa giữ được vẻ đẹp tự nhiên của hoa, vừa thể hiện được cả yếu tố tinh tế của bàn tay con người. Ngoài hoa giấy, Nhàn và các cộng sự còn làm cả những vật dụng hữu ích được tái chế như bình hoa từ chai thủy tinh... Những sản phẩm này được chế tác thủ công, tỉ mỉ và bày bán ngay tại Lavin Home để dùng làm quà lưu niệm, tặng phẩm.
Ðến với ngôi nhà hoa giấy, các vị khách còn được trải nghiệm tủ sách miễn phí, tự tay vào bếp pha cho mình những tách trà với đủ loại hương hoa đậm vị Huế. Thưởng trà, đọc sách, học làm hoa dưới khoảnh vườn sáng tạo yên bình ở Lavin Home thật thú vị khó tả. Bạn Lai (sống ở TP Huế), bạn học của Nhàn kể: "Sau nhiều năm làm việc xa nhà, khi trở lại Lavin Home, mình như tìm được về nơi bình yên xưa cũ. Ở đây, cô bạn học ngày trước tưởng vẫn còn trẻ, còn mộng mơ nhưng giờ thật sự đã trưởng thành, biến ước mơ của bản thân thành hiện thực. Hiện tại, Nhàn còn gieo mầm ước mơ của mình đến với cộng đồng". Ðó là câu chuyện về những cộng sự đặc biệt bên cạnh Nhàn và những hoạt động cộng đồng mà Lavin Home đã và đang hằng ngày thực hiện nhằm lan tỏa, sẻ chia yêu thương.
Gieo mầm ước mơ
Những cộng sự đến với Nhàn, hầu hết đều là những bạn trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, đó là người khuyết tật. Hai bạn mắc căn bệnh xương thủy tinh, các bạn còn lại đều không thể nghe, nói. Các bạn phải trao đổi cùng nhau hoàn toàn bằng ngôn ngữ ký hiệu. Trần Thị Mỹ Phượng (sinh năm 1996, quê Quảng Trị) là một trong số đó. Phượng sống ở Huế đã được chín năm, trước khi gặp Nhàn và quyết định đến với Lavin Home, cuộc sống của cô gái thiếu may mắn luôn gặp khó khăn. "Mình đã từng làm rất nhiều công việc nhưng thật sự buồn chán vì thu nhập thấp, việc giao tiếp với đồng nghiệp, bạn bè hạn chế cũng cản trở rất lớn. May mắn là mình gặp được chị Nhàn và gắn bó với Lavin Home đến bây giờ", Phượng kể lại qua ngôn ngữ ký hiệu từ đôi bàn tay và cử chỉ khuôn mặt.
Hiện Phượng đang thuê trọ gần Lavin Home. Hằng tháng, cô gái trẻ này được nghỉ các chủ nhật, thường thì sẽ cộng dồn phép để có thể về quê trong một đợt nghỉ vài ngày. "Với mức lương từ 2,5 đến ba triệu đồng/tháng, em có thể trang trải đủ chi phí sinh hoạt và còn tiết kiệm được để gửi về nhà, dù không nhiều", Phượng kể. So với công việc trước đây của một người khuyết tật như Phượng, cao nhất cũng chỉ được một đến 1,5 triệu đồng/tháng, thật sự vất vả. Nhàn chia sẻ: "Ở đây, các bạn xương thủy tinh thì mình sẽ đến tận nhà, hướng dẫn các bạn làm rồi mang sản phẩm đến bán tại Lavin Home. Các bạn khuyết tật khác thì có thể tự đến, vừa làm vừa học, lại vừa tham gia nhiều hoạt động cộng đồng". Ở Lavin Home, Phượng thấy như được về nhà với những thân thuộc đặc biệt: "Ngày trước, làm việc gì cũng chẳng thể giao tiếp với người chung quanh. Nhưng ở Lavin Home, bên những người bạn có thể giao tiếp cùng giúp nhau trong công việc, tâm trạng vui vẻ hơn nhiều. Lúc rảnh rỗi, chị Nhàn còn giúp mình trở thành cô giáo dạy ngôn ngữ ký hiệu, thấy bản thân thật sự có ích".
Lavin Home thường xuyên tổ chức các workshop cộng đồng để dạy cắm hoa, trao đổi về hoa giấy và giới thiệu các loại hoa đến khách tham quan. Bên cạnh đó, Nhàn và các bạn khuyết tật còn tổ chức những buổi giao lưu, dạy học ngôn ngữ ký hiệu. Bạn Nguyễn Thùy Trang, sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ Huế cho biết: "Các bạn ở đây dù không nói được, nhưng tất cả các cảm xúc, niềm vui khi gặp bọn mình đều thể hiện rõ qua cử chỉ, nét mặt và nhất là qua ngôn ngữ ký hiệu. Học ngôn ngữ ký hiệu tưởng khó nhưng lại dễ nếu bạn thật sự muốn kết bạn với những con người đáng yêu tại Lavin Home". Nhàn kể: "Sau mỗi buổi giao lưu cộng đồng hay mỗi ngày làm việc, bọn mình đều ngồi lại với nhau để chia sẻ những gì vừa cùng nhau trải qua. Các bạn có góp ý gì sẽ được ghi nhận và chúng mình cùng nhau khắc phục để luôn tạo không khí thoải mái, giúp các bạn cởi mở hơn, làm việc cũng sẽ tốt hơn".
Chính từ những cách làm đó mà giờ đây, Nhàn cùng các cộng sự đang dần đưa Lavin Home trở thành một điểm đến hấp dẫn không chỉ với cư dân Huế mà còn cả khách du lịch và những tình nguyện viên. Lavin Home hiện đã hoàn thành và đưa vào hoạt động hai phòng nghỉ homestay ngay trong khuôn viên ngôi nhà. Mục đích chính của hai phòng nghỉ này là dành cho những vị khách, những tình nguyện viên đam mê về hoa giấy, thích thú bởi không gian yên bình ở Lavin Home và muốn ở lại trải nghiệm học làm hoa, trải nghiệm một cuộc sống an yên trong lòng cố đô Huế; có thể có nơi dừng chân, ngơi nghỉ và cảm nhận. Nhàn chia sẻ: "Những ý tưởng ở Lavin Home đều hướng đến sự bình yên, thoải mái nhất cho khách đến chơi nhà. Bọn mình đặt ra mức phí vừa phải cho các sản phẩm đủ để tạo thu nhập lâu dài cho các bạn khuyết tật, vừa phát triển ngôi nhà hoa giấy của chúng mình một cách bền vững".
Những ngày dịch Covid-19 vừa qua cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề kinh tế ở Lavin Home. Cô chủ nhỏ Thanh Nhàn có lúc đã phải ứng tiền vốn để trả lương cho các bạn khuyết tật để cùng san sẻ nỗi lo. Và tất cả những người tâm huyết với Lavin Home đều rất sẵn lòng chia sẻ với khó khăn chung và luôn tin tưởng vào một ngày mai tốt đẹp hơn sẽ đến. Dì Lộc, mẹ của Nhàn, nói: "Tôi đã từng rất lo lắng khi Nhàn quyết định bỏ việc để theo đuổi ước mơ. Thế nhưng trước những gì hấn (Nhàn) làm được thì nay gia đình rất ủng hộ. Tôi thường xuyên đến đây hỗ trợ dọn dẹp, nấu ăn cho bọn trẻ, cũng là chia sẻ gánh vác một phần giúp con gái".
Thật đáng trân trọng khi giữa một cuộc sống nhộn nhịp, xô bồ; những người trẻ như Lê Thị Thanh Nhàn cùng nhóm bạn đặc biệt vẫn tìm cho mình được một chốn bình yên xưa cũ như Lavin Home, bỏ quên những muộn phiền mà vẫn theo đuổi được ước mơ tốt đẹp. Họ như những bông hoa giấy sẽ đẹp mãi theo tháng năm.
Bài và ảnh: PHONG CHƯƠNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.