Ngôi làng "bước ra từ bóng tối" - Kỳ 2: Gian nan hành trình xuống núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những tưởng lời hứa của dân làng Cheng Leng với Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang sẽ được thực hiện một cách suôn sẻ nhưng không ngờ đó lại là cả một quá trình đầy gian nan, từ cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội bộ từng hộ đến cộng đồng làng trước khi dời đi. Ngay cả dân làng Hek, ngôi làng tiếp nhận nhóm cư dân trên thì tư tưởng cũng không dễ đả thông. Nếu không kiên trì vận động, không có quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở thì có thể cuộc di cư xuống núi này đã không thành.

 

Mâu thuẫn trước… “giờ G”


Đứng bên căn nhà dựng lại ở làng Hek, anh Nay Bhing (36 tuổi) mới thấy quyết định đồng thuận dời làng của mình là đúng. Anh phấn khởi chia sẻ: “Ở trên núi thiếu nhiều thứ lắm. Giờ về làng Hek, bà con có nước sinh hoạt, đường sá tiện lợi, con cái được học hành. Cuộc sống nơi đây vui vẻ, đoàn kết, có lễ hội gì ai cũng tham gia không phân biệt người làng này làng kia”.

Trước đó, dù được chính quyền xã tin tưởng giao nhiệm vụ vận động dân làng Cheng Leng xuống núi nhưng bản thân anh Bhing cũng còn chưa hết tâm tư, đôi lúc vẫn băn khoăn về cuộc sống tại nơi ở mới. Nghe già làng Rmah Xoan nói khi xuống làng Hek, mỗi hộ được cấp 600 m2 đất ở, được chính quyền hỗ trợ thủ tục làm hộ khẩu, khai sinh, chứng minh nhân dân, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách cho con cái đi học nên anh Bhing đồng ý ngay. Nhưng không ngờ, trong buổi họp làng tối hôm ấy, có nhiều ý kiến nằm ngoài suy nghĩ của anh. Lời ông Ksor Vong cứ văng vẳng bên tai: “Đang sống yên lành thì sao phải dời làng? Người dân làng Hek liệu có cho chúng ta chuyển về ở chung không? Người Jrai và người Bahnar có cách cúng Yàng khác nhau, phong tục tập quán khác nhau không thể hòa hợp, không thể sinh hoạt cùng nhà rông được. Rồi chuyện đất sản xuất, đất ở thế nào?”. Nếu không được chính quyền tạo điều kiện xuống núi, tận mắt chứng kiến thực tế nơi ở mới đã được quy hoạch đường sá khang trang, điện sáng đến từng hộ, nước sinh hoạt đầy đủ... thì có lẽ anh Bhing đã lung lay trước những câu hỏi của ông Ksor Vong.

 Người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cùng chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện di dời, sắp xếp lại khu dân cư theo quy hoạch. Ảnh: TRẦN DUNG
Người dân làng Hek (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) cùng chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể thực hiện di dời, sắp xếp lại khu dân cư theo quy hoạch. Ảnh: TRẦN DUNG



Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai nhớ lại: Sau chuyến thăm của Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể của huyện tiến hành khảo sát, lập kế hoạch di dời làng Cheng Leng. Mọi chuyện tưởng thuận lợi, nhưng khi bắt tay thực hiện thì nảy sinh nhiều yếu tố phức tạp. Một cuộc đấu tranh tư tưởng quyết liệt và cam go đã diễn ra. Lớp người trẻ muốn dời làng để con cái được học hành, nhưng người lớn tuổi thì không nghĩ vậy. Họ đồng ý để lớp trẻ rời đi, còn mình thì quyết ở lại. “Lúc thì chúng tôi tập trung vận động lớp thanh niên có tư tưởng tiến bộ, lúc quay hướng qua số người già “thà chết không về”. Bởi bố mẹ không về thì lớp trẻ cũng không chịu về. Rồi phân tích những băn khoăn của người dân về nơi ở mới. Mặc dù đã được giải thích nhiều lần nhưng một số hộ vẫn còn lưỡng lự, chưa rõ ý định đi hay ở. Tôi có đến 6 đêm ngủ lại trên núi để vận động bởi lúc này người dân mới có mặt đầy đủ ở nhà, còn các đoàn thể của xã thì không thể đếm hết số lần lên núi tuyên truyền, vận động”-ông Toàn kể.

Cùng với vận động dân làng Cheng Leng, chính quyền xã Chư A Thai còn phải đứng ra thuyết phục người dân làng Hek đồng thuận. Ban đầu là “đả thông tư tưởng” cho hệ thống chính trị của làng rồi vận động, giải thích cho số hộ dân chưa đồng thuận; vận động các hộ có diện tích đất rộng san sẻ đất ở cho nhóm dân trên núi xuống. “Khi hệ thống chính trị của làng thông hiểu, người dân đồng cảm với cuộc sống khó khăn hiện tại của các hộ dân Cheng Leng, họ đã sẵn sàng nhường đất, lên núi giúp đỡ bà con di dời nhà cửa về sinh sống cùng làng”-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai cho hay.

“Gánh” nhà xuống núi

Sau khi thống nhất việc di dời các hộ dân Cheng Leng về làng Hek-nơi trước đây họ từng sinh sống, UBND huyện Phú Thiện đã xây dựng phương án thực hiện. Huyện cũng trích ngân sách hơn 800 triệu đồng mua đất tại làng Hek, san ủi mặt bằng, đầu tư hệ thống điện, nước… để chuẩn bị cho cuộc dời làng. Việc di dời nhà cửa xuống núi gặp rất nhiều khó khăn vì quãng đường từ núi Cheng Leng đến làng Hek dài hơn 5 km, địa hình rất cách trở. Thế nhưng, bằng tình cảm và trách nhiệm với nhân dân, 50 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 991 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cùng các đơn vị khác đã dồn sức hoàn thành phần việc trên, đảm bảo tiến độ đề ra, khẩn trương giúp bà con làm nhà tại nơi ở mới.

 Những đứa trẻ làng Cheng Leng đã chuyển về làng Hek sinh sống trên đường. Ảnh: M.N
Những đứa trẻ làng Cheng Leng đã chuyển về làng Hek sinh sống trên đường. Ảnh: M.N


Ông Đỗ Ngọc Thành-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Thiện: Thực hiện đề án di dời nhà cửa, sắp xếp lại dân cư, khâu quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận và cùng tham gia. Quá trình tuyên truyền gặp không ít khó khăn, phải sử dụng rất nhiều hình thức, biện pháp khác nhau từ tuyên truyền, vận động chung, đối thoại riêng từng hộ, rồi phát huy vai trò già làng, người uy tín cùng tham gia. Nhờ thế, chủ trương được cán bộ, đảng viên, người dân đồng thuận và tham gia thực hiện.

Trung tá Nguyễn Thành Dũng-Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn Bộ binh 991-cho biết: Cả đơn vị chia làm 2 nhóm, một nhóm vượt núi dỡ nhà, đem vật dụng xuống; nhóm khác ở lại làng Hek cùng người dân tham gia dựng làng. Người đào hố, người dựng cột, ai nấy đều nỗ lực. Dân làng Hek cũng xắn tay vào phụ giúp. Khung cảnh khẩn trương, sôi động như một đại công trường. Vất vả nhất là nhóm leo núi. Mỗi ngày, họ có 4 chuyến lên và xuống núi để tháo dỡ, vận chuyển nhà giúp dân. Nhà sàn của người Jrai thường dựng lên từ những khung gỗ nặng, có diện tích và khối lượng lớn, nhiều công đoạn thực hiện. Các chiến sĩ phải tháo ván, nhổ từng trụ cột đưa xuống núi. Nhiều đoạn dốc hiểm trở, xe không qua được, bộ đội phải thay nhau khiêng vác. “Lúc làm nhiệm vụ dù cẩn thận nhưng không ít cán bộ, chiến sĩ bị xây xát. Tuy nhiên, tất cả mọi người vẫn luôn gắng sức. Có gian khổ đến mấy chúng tôi cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”-Trung sĩ Phạm Minh Tùng khẳng định.
 

Ảnh. Phan Nguyên
Ảnh: Phan Nguyên


Chỉ hơn 2 tháng sau khi có chủ trương dời làng, người dân Cheng Leng đã bắt đầu ổn định nơi ở mới. Gương mặt ánh lên niềm hạnh phúc bên căn nhà vừa được dựng lại, bà Rmah Kam không ngớt lời cảm ơn: “Ở trên núi rất khó khăn, cái gì cũng không có. Giờ chuyển xuống đây có điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt nên bà con vui lắm. Các chú bộ đội ai cũng khéo tay nên nhà dựng lại thấy đẹp hơn, chắc chắn hơn trước. Cảm ơn các chú bộ đội nhiều lắm!”. Còn ông Kpă Uy-người uy tín của làng Hek thì phấn khởi nói: “Làng Hek đón nhận 13 hộ với 59 khẩu là những người anh em, con cháu mình ở trên núi Cheng Leng về đây cùng sinh sống. Được Đảng, Nhà nước quan tâm tạo điều kiện về nhiều mặt, dân làng chúng tôi hứa sẽ đoàn kết hơn nữa, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống mới”.

Cùng với việc di dời làng Cheng Leng, một lực lượng khác cũng tiến hành di dời nhà, sắp xếp lại dân cư làng Hek theo chủ trương của huyện. Hình ảnh những ngôi nhà “biết đi” trên hàng trăm đôi chân đã thể hiện tình đoàn kết, đồng lòng chung sức giữa quân và dân vì cuộc sống mới. Sau một tiếng hô, ngôi nhà nặng hàng tấn được nhấc bổng, di chuyển hàng trăm mét đến vị trí mới một cách vững chãi, nơi những móng cột đã chuẩn bị sẵn. Tuy vẫn là những ngôi nhà cũ được dựng lại nhưng công cuộc di dời đã làm ấm tình đoàn kết quân dân một lòng. Và người dân Cheng Leng lại càng được củng cố niềm tin vào ngày mai tươi sáng.
 

MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Chuyện cả gia đình làm cách mạng - Kỳ 1: Gia đình anh hùng

Về miền trong đã lâu nhưng thói quen uống trà từ ngày trên đất bắc, ông Hồ Bút vẫn còn giữ. Bên ấm trà nghi ngút khói, qua lời kể của mình, ông đưa tôi về lại làng Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam), nơi ông sinh ra và lớn lên những ngày tháng tươi đẹp đầu đời, những ngày được ở bên ba mẹ.