Nghiên cứu tại Anh chứng minh vắcxin COVID-19 hiệu quả ngay ở mũi đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo nghiên cứu, vắcxin do Pfizer/BioNTech sản xuất giảm nguy cơ lây nhiễm tới hơn 70% ngay từ mũi đầu tiên, và tới 85% sau khi tiêm mũi thứ 2.

 Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắcxin phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. (Nguồn: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắcxin phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. (Nguồn: THX/TTXVN)


Hai cuộc nghiên cứu riêng rẽ ở vùng England và Scotland cho thấy vắcxin ngừa COVID-19 có hiệu quả ngay từ mũi đầu tiên trong việc chặn chuỗi lây lan và giảm số bệnh nhân nhập viện điều trị ngay từ mũi đầu tiên.

Theo dữ liệu nghiên cứu của Cơ quan y tế England công bố ngày 22/2, vắcxin do Pfizer/BioNTech sản xuất giảm nguy cơ lây nhiễm tới hơn 70% ngay từ mũi đầu tiên, và tới 85% sau khi tiêm mũi thứ 2.

Trường hợp người đã tiêm vắcxin ngừa COVID-19 song vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2 đều không xuất hiện triệu chứng nặng dẫn tới nguy cơ tử vong hay cần nhập viện điều trị.

Đối với những người đã được tiêm mũi vắcxin đầu tiên, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện và tử vong đã giảm tới 75%.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đánh giá những số liệu báo cáo trên đã cho thấy hiệu quả của vắcxin và đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy vắcxin Pfizer có hiệu quả cao trong phòng chống dịch COVID-19.

Anh là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 với số ca tử vong lên tới 120.757 ca.

Anh cũng là nước đầu tiên thế giới tiến hành tiêm chủng hồi tháng 12/2020 và đến nay đã có hơn 17 triệu người được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắcxin, tương đương 1/3 số người cao tuổi ở nước này.

Trong khi đó, nghiên cứu tại Scotland cho thấy vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca/Oxford đã giúp giảm số ca nhập viện tại địa phương này sau mũi tiêm chủng đầu tiên.

Nghiên cứu do Đại học Edinburgh dẫn đầu thực hiện cho thấy ở tuần thứ 4 sau khi tiến hành tiêm chủng mũi đầu tiên, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị đã giảm tới 85%. Trong đó, vắcxin của AstraZeneca/Oxford được xác định giảm nguy cơ tới 94%.

Giáo sư Aziz Sheikh - chủ nhiệm nghiên cứu, đánh giá đây là những kết quả khích lệ và giúp con người thêm niềm tin và sự lạc quan vào tương lai. Theo ông, cần triển khai công tác tiêm chủng mũi đầu tiên trên toàn giới để hỗ trợ giải quyết vấn đề dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bệnh nhân và chương trình tiêm chủng vắcxin thực tế, tiến hành phân tích gói dữ liệu của toàn bộ 5,4 triệu dân số Scotland trong thời gian từ 8/12/2020 đến 15/2/2021.

Trong thời gian này, có 1,14 triệu liều vắcxin đã được tiêm chủng cho 21% dân số tại xứ này. Trong đó, số người tiêm chủng vắcxin Pfizer là 650.000 người và vắcxin AstraZeneca/Oxford là 490.000 người.

Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên đánh giá hiệu quả của các loại vắcxin nói trên trong ngăn ngừa triệu chứng nặng ở các bệnh nhân nhập viện điều trị trên toàn nước Anh. Mức độ hiệu quả của vắcxin trước đó đã được khẳng định trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng.

Theo Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.

Nâng cao năng lực chăm sóc và hồi sức trẻ sơ sinh

Nâng cao năng lực chăm sóc và hồi sức trẻ sơ sinh

(GLO)- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi tỉnh vừa tổ chức 2 lớp đào tạo về chăm sóc trẻ sơ sinh bệnh lý và hồi sức trẻ sơ sinh cho 40 cán bộ y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh.