Nghĩa tình nơi biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bản Ka Lô (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào) trước đây nghèo nàn, lạc hậu và tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng sau 10 năm, nơi đây đã chuyển mình, dần trở thành khu dân cư trù phú trên dải Trường Sơn.
Ấn tượng nhất là những ngôi nhà sàn lợp tôn san sát cùng các công trình dân sinh kiên cố mang dấu ấn tình hữu nghị Việt - Lào do chính những người lính tại Đồn Biên phòng A Đớt (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế) thiết kế và chung sức xây dựng.
Cầu đường bộ Xê Rôn trị giá 7,3 tỷ đồng do tỉnh Thừa Thiên - Huế viện trợ đã giúp người dân bản Ka Lô thuận lợi trong việc đi lại
Cầu đường bộ Xê Rôn trị giá 7,3 tỷ đồng do tỉnh Thừa Thiên - Huế viện trợ đã giúp người dân bản Ka Lô thuận lợi trong việc đi lại
Cứu người trong nguy cấp
Ở vùng phên dậu Việt - Lào thuộc địa bàn huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kong, Lào) đồng bào vẫn bàn tán về ông Ku Đì (75 tuổi, Quốc tịch Lào, trú tại bản Ka Lô) vừa trải qua cơn nguy kịch nhờ sự can thiệp kịp thời của Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế. Lúc 10 giờ ngày 26-3, các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào tạm đóng cửa nhằm giảm thiểu nguy cơ và ngăn chặn khả năng lây lan của dịch Covid-19, ông Ku Đì lên cơn đau quằn quại vì tắc đường tiểu không rõ nguyên nhân. Tình thế khẩn cấp, đại diện Đại đội Bảo vệ biên giới 531 và Đồn Công an Tà Vàng (Lào) đã liên hệ Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt giúp đỡ xử lý. “Bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, nên ngay khi được sự nhất trí của các cơ quan chức năng Việt Nam, đơn vị đã cho phép nhập cảnh, tiếp nhận công dân Ku Đì và phối hợp với Trung tâm Y tế huyện A Lưới cứu chữa kịp thời”, Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt cho biết. Tại khu điều trị cách ly ở Trung tâm Y tế huyện A Lưới, sau khi được điều trị, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần đều cho kết quả âm tính với Covid-19 và sau 14 ngày cách ly theo quy định, ông Ku Đì đã lên đường trở về nhà trong niềm vui khôn xiết.
Tại buổi tiếp nhận công dân Ku Đì sau khi được chữa khỏi bệnh, Thiếu tá Sengvixay Phetsaikham, Đại đội trưởng Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sê Kông (Lào) chia sẻ, mỗi khi đau ốm bệnh tật, người dân bản Ka Lô cũng như cán bộ, chiến sĩ của đơn vị thường nhờ Trạm xá Quân dân y A Đớt và Trung tâm huyện A Lưới chữa trị. Nhưng ông Ku Đì lại phát bệnh trong thời điểm đặc biệt khi cả 2 quốc gia đều tạm thời đóng cửa khẩu. Nếu đưa bệnh nhân về Trung tâm Y tế huyện Kà Lừm cấp cứu thì phải mất hơn một ngày, đi bằng đường rừng. “Đây là một trong những việc làm thiết thực, thể hiện truyền thống đoàn kết, hữu nghị tốt đẹp của 2 nước Việt Nam - Lào, cùng giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn”, Thiếu tá Sengvixay Phetsaikham xúc động nói.
Dọc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào thuộc địa bàn huyện A Lưới hiện có 5 trạm quân dân y biên phòng. Trong đó, Trạm xá Quân dân y A Đớt và Nhâm là 2 công trình do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tài trợ xây dựng với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Đây không chỉ là địa chỉ tin cậy về khám, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như các cán bộ, chiến sĩ đóng quân, làm nhiệm vụ dọc tuyến biên giới, mà còn là nơi giao lưu, gặp gỡ, tuyên truyền, vận động đường lối, chính sách 2 nước Việt Nam - Lào đến với đồng bào các dân tộc. 
Ông Kê Ôi, Trưởng bản Ka Lô, cho biết, đường biên mốc giới giữa nước được xác lập rõ ràng, song nhiều người dân bản Ka Lô vốn có quan hệ thân tộc với người dân các bản làng ở A Lưới nên mọi người thường xuyên qua lại. Người dân trong bản lâu nay coi lính Cụ Hồ (cách gọi thân thương mà người dân bản Ka Lô dành cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế) như người thân trong nhà, lúc vui mừng hay khi khó khăn, hoạn nạn đều thông báo cho cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt. Đặc biệt, Trạm xá Quân dân y xã A Đớt không chỉ có các bác sĩ tận tâm như từ mẫu mà còn thường xuyên được đầu tư về cơ sở vật chất và thuốc men. Người dân bản Ka Lô quen gọi là trạm xá “lưỡng quốc” vì chữa bệnh cho cả người Việt Nam lẫn người Lào.  “Trước đây, bà con bản mình mỗi khi đau ốm thường cúng ma nên căn bệnh mỗi ngày một nặng hơn, còn bây giờ được Trạm xá Quân dân y xã A Đớt chữa bệnh khi đau ốm, vì thế ai cũng khỏe mạnh để đi rừng, làm nương rẫy, kiếm cái ăn. Cuộc sống đã vui hơn trước”, ông Kê Ôi nói.
Giúp người dân nước bạn an cư, lạc nghiệp
Ấm nước lá đun sôi đặt ngay giữa ngôi nhà sàn, những câu chuyện vồn vã không dứt bên những chiếc rổ nhỏ đầy dứa, dưa bở tươi rói, dân bản mới hái từ rẫy về. Chuyện làm ăn của người lớn, học hành của lũ trẻ, rồi câu chuyện lại quay về những ngày dựng bản Ka Lô được ông Kê Ôi thuật lại như một cuộn phim về sự đổi thay kỳ diệu của đồng bào bản Ka Lô. 
“Trước đây, bản Ka Lô nằm sâu trong rừng, dân bản du canh, du cư, đốt nương làm rẫy, phương thức canh tác lạc hậu nên cuộc sống luôn bị thiếu đói, bệnh tật đe dọa. Trước tình hình đó, vào năm 2010, Bộ đội biên phòng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng nước Lào bàn cách để người dân bản Ka Lô được sống định cư. Một kế hoạch chi tiết được các cấp có thẩm quyền 2 nước phê duyệt. Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt trực tiếp cắt cử cán bộ, chiến sĩ vượt núi băng rừng, mang theo các trang thiết bị, vật dụng, cây, con giống từ Việt Nam sang bám trụ giúp dân Lào canh tác nương rẫy bền vững. Đồng thời, vận động kinh phí thực hiện 42 căn nhà sàn lợp tôn đầu tiên để đưa người dân bản Ka Lô sống định cư ở vị trí hiện nay. Bộ đội biên phòng Việt Nam còn tuyên truyền để người dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới nên cuộc sống của bà con đang từng ngày khởi sắc… 
Ka Lô nay khoác lên mình một màu áo mới. Người dân bản nay có 600 nhân khẩu, tách thành 90 hộ, đều có nhà cửa vững chãi và ổn định cuộc sống. Ấn tượng nhất là Ka Lô đã có những công trình mang dấu ấn tình hữu nghị Việt - Lào do những người lính Biên phòng Việt Nam thiết kế và chung sức xây dựng như: cầu đường bộ Xê Rôn, hệ thống nước sạch tự chảy, nhà văn hóa cộng đồng, trường học, hệ thống tua bin phát điện từ các con suối được thiết kế phục vụ sinh hoạt hàng ngày... Nhờ đó dân bản đã có điện chiếu sáng phục vụ sinh hoạt sản xuất, nhiều gia đình có xe máy, tivi và nhiều vật dụng đắt tiền”, ông Kê Ôi khoe.
Đi một vòng quanh bản sẽ dễ dàng bắt gặp những nương bắp xanh mướt, những đàn gà, đàn dê cùng những vườn cây trĩu quả. Sự no đủ hiện hữu trong từng ngôi nhà sàn. “Thổ nhưỡng và khí hậu tương đồng với huyện A Lưới nên mỗi năm 2 đợt, đơn vị phối hợp với các đồn biên phòng tại A Lưới tổ chức sang thăm, tặng giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn bà con tại bản Ka Lô và các bản biên giới của huyện Kà Lừm về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Cây giống và vật nuôi phù hợp nên cho năng suất, chất lượng cao, giúp bà con nước bạn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”, bà Hồ Thị Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới, cho biết.
Giữa đại ngàn Trường Sơn trùng điệp, bản Ka Lô mờ dần theo những bánh xe lăn. Tạm biệt Ka Lô với hy vọng về tương lai tươi sáng ở vùng biên cương nghĩa tình này, trong đầu chúng tôi chợt nghĩ, những người lính Cụ Hồ luôn sâu nặng nghĩa tình, thường xuây trăn trở và có những hành động thiết thực giúp người dân nước bạn được an cư lạc nghiệp, cùng với dân ta ở bên này biên giới vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo VĂN THẮNG - VÕ TIẾN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.