Nghệ sĩ blouse trắng - Kỳ 3: Một bước vào showbiz

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chương trình Bài hát Việt năm 2006 chứng kiến sự xuất hiện của một gương mặt 'ngoại đạo'. Đó là bác sĩ Vũ Minh Đức, từng công tác tại khoa tim mạch Bệnh viện Thống Nhất.
Bác sĩ, nhạc sĩ Minh Đức (phải) trao học bổng cho các em học sinh ở Đồng Nai - Ảnh: NVCC
Bác sĩ, nhạc sĩ Minh Đức (phải) trao học bổng cho các em học sinh ở Đồng Nai - Ảnh: NVCC
Với hai ca khúc Còn lại những yêu thương và Cánh diều còn không được chọn trình bày, vị bác sĩ chính thức bước chân vào thế giới showbiz với vai trò là nhạc sĩ.
Tại sao không thử?
Đến nay kho tàng âm nhạc của bác sĩ Minh Đức có gần 150 ca khúc. Ngoài đam mê sáng tác, anh chính là người sáng lập ra quỹ Heart to heart - Chắp cánh ước mơ để tiếp sức học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, học giỏi.
Con đường đưa anh đến với âm nhạc xuất phát từ một tình cờ. Thuở còn trẻ, sau giờ khám bệnh, việc anh "mê nhất" là nghe các bài hát được phát trên chương trình Làn sóng xanh của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM.
"Nghe riết, một ngày tôi chợt nghĩ sao mình không thử viết một bài nhỉ?". Và từ đó vị bác sĩ trẻ bắt đầu "lấn sân" vào con đường sáng tác âm nhạc.
Sau gần một tháng "vò đầu bứt tóc" với bao lần vứt sáng tác của mình vào sọt rác, anh cho ra đời ca khúc đầu tay. Nghe đi nghe lại, anh bảo "cũng được". 
Thế nhưng phải đến Còn lại những yêu thương và Cánh diều còn không được chọn trình bày trong chương trình Bài hát Việt năm 2006, tên tuổi bác sĩ Minh Đức mới thực sự ghi dấu ấn trong làng nhạc Việt.
"Tôi đánh liều gửi hai ca khúc tham gia chương trình. 10 ngày sau một giọng Hà Nội bên đài VTV gọi điện thông báo ca khúc của tôi được chọn. Lúc ấy, tôi vui đến nỗi không tin nổi đó là sự thật" - anh kể. 
Cứ mỗi lần thấy ca khúc của mình được các ca sĩ nổi tiếng biểu diễn một cách trang trọng trên sân khấu, vị bác sĩ trẻ vốn sở trường với "món" can thiệp tim mạch lại sướng rơn. 
Chính điều này càng tiếp thêm niềm tin cho anh trong sáng tác để cho "ra lò" các ca khúc sau đó luôn có sự chỉn chu hơn, mới hơn và như anh nói có chút "khó tính hơn".
Tên tuổi anh ngày càng được biết đến nhiều hơn qua các sáng tác về Sài Gòn, về tình yêu, về cha mẹ với ca từ đẹp, dễ đi vào lòng người như Sài Gòn ngày xa phố, Có lẽ vì, Ru người, ru ta, Có lời nào ta lỡ quên, Cứ mãi là giấc mơ, Mẹ là cánh cò yêu thương...
Hát vì học sinh hiếu học
"Nghề y là công việc cụ thể hằng ngày, là cái nghiệp gắn bó cả cuộc đời của tôi. Còn với âm nhạc, tôi xem đó như một thứ gia vị làm thú vị thêm cho cuộc sống, giúp tôi thăng bằng với nghề thầy thuốc vốn nhiều cực nhọc. 
Và dù nghề y hay âm nhạc, tôi đều sống nghiêm túc, hết mình với đam mê ấy", bác sĩ, nhạc sĩ Minh Đức chia sẻ.
Từ mong muốn giúp "cuộc sống mọi người xung quanh tốt đẹp hơn", vị bác sĩ điển trai, tài hoa này nhiều đêm trăn trở, để rồi anh quyết định lấy âm nhạc làm cầu nối thực hiện điều đó. 
"Ai cũng nghĩ làm được nhiều tiền rồi mới bắt đầu giúp người khác, nhưng nghĩ thế nó sẽ bị ách lại hoài". Vậy là từ đầu năm 2016, quỹ Chắp cánh ước mơ do anh khởi xướng cùng với sự hỗ trợ của bạn bè ra đời.
Nguồn thu từ tác quyền ca khúc, tổ chức các đêm nhạc có bán vé, cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm đến nay quỹ đã hỗ trợ học bổng toàn phần cho 55 học sinh, sinh viên cả nước theo đuổi giấc mơ học tập. 
Có thể kể đến cậu bé hiếu học Nguyễn Văn Vũ (Trường THCS Lộc Trì, Thừa Thiên Huế), các nữ bác sĩ tương lai Nguyễn Thị Hồng Nhung (ĐH Y Hà Nội), Phan Thị Lan Chi (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), "cô bé xương rồng" Từ Thanh Thúy, Thạch Thị Sa Pa (tân sinh viên cao đẳng, người dân tộc Chăm ở Ninh Thuận)...
"Các em ấy đều học rất giỏi nhưng có điểm chung là nhà quá nghèo, neo đơn, gần như không đủ điều kiện để tiếp tục học tập. Nếu không được tiếp sức chắc chắn các bạn ấy rất khó thực hiện ước mơ của mình. 
Chúng tôi hỗ trợ toàn bộ học phí cho toàn khóa học, để khi ra trường các em ấy có một việc làm ổn định, có thể tự nuôi sống bản thân, gia đình", bác sĩ Minh Đức nói. Nhưng không phải trao học bổng là xong, nhóm của anh luôn theo sát học tập và hành trình "các con" đang đi với hi vọng sau này "các con" sẽ là người viết tiếp câu chuyện nhân văn này.
Vũ Minh Đức trong vai trò là bác sĩ tận tâm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vũ Minh Đức trong vai trò là bác sĩ tận tâm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ân nhân chưa bao giờ gặp mặt
Với bạn bè khi nhận kết quả đậu đại học thì vui, nhưng với Lê Văn Tiến Đạt (quê tỉnh Thừa Thiên Huế) thì ngược lại. Vì nghèo, 4 năm trước khi nhận thông báo đậu vào khoa y dược ĐH Đà Nẵng với số điểm 24,5, cậu không dám tin mình có thể tiếp tục con đường trở thành bác sĩ.
"Nếu tiếp tục học, mẹ em phải vay tín dụng chứ không còn cách nào khác", Đạt nói. Không chỉ nghèo, gia đình Đạt trải qua nhiều biến cố. Suốt bao năm qua hai mẹ con sống lủi thủi. 
Những bữa ăn hằng ngày, những đồng học phí trang trải suốt 12 năm học của Đạt đều được góp nhặt từ việc đồng áng, bảo mẫu của người mẹ nay xấp xỉ tuổi lục tuần.
Thế rồi thông qua một người quen, Đạt gắn bó với "chú Đức" từ lúc ấy đến bây giờ. Không phụ lòng "chú Đức", kết quả học tập của Đạt đều lọt vào tốp các sinh viên đứng đầu khoa. 
Mới đây, Đạt vinh dự là một trong bốn sinh viên của khoa nhận được học bổng khuyến học của trường bởi có thành tích học tập xuất sắc. Nhận học bổng từ ân nhân trong suốt 4 năm qua nhưng Đạt nói chưa một lần được gặp mặt "chú Đức". 
"Khi có khó khăn hay tin vui gì trong cuộc sống, học tập, em đều báo cho chú qua điện thoại, Facebook, email... Em mong muốn được một lần gặp để nói lời cảm ơn chân thành. Có chú mới có em ngày hôm nay", Đạt chia sẻ.
Không chỉ Đạt, từ học bổng Chắp cánh ước mơ giúp cho nhiều học sinh học giỏi, hiếu học thực hiện được ước mơ của mình. Trong số nhiều "đứa con" ấy có cậu học trò Nguyễn Văn Vũ học Trường tiểu học Lộc Trì (Thừa Thiên Huế). 
Mới ngày nào còn nhỏ xíu, nay Vũ đã lớn khôn, học rất giỏi và đang chuẩn bị hoàn tất chương trình trung học. "Không có sự hỗ trợ từ bác Đức, cháu không thể tiếp tục đến ngày hôm nay", bà Võ Thị Lan (42 tuổi, mẹ Vũ) xúc động nói.
"Bác Đức" còn kịp dang vòng tay giúp "cô bé xương rồng" Từ Thanh Thúy thực hiện giấc mơ nơi giảng đường đại học. Bảy năm dài lăn lộn với cuộc sống bằng một nghị lực mạnh mẽ của loài xương rồng, Thúy được tiếp sức. 
"Tôi đã làm việc với trường để đóng học phí cho Thúy khi biết em quá thiếu thốn. Được gặp và đồng hành cùng em là cái duyên. Hãy vững tin và học thật giỏi cô bé xương rồng nhé", bác sĩ Minh Đức gửi gắm.
Con người "3 trong 1"
Năm 2000, bác sĩ Vũ Minh Đức nhận học bổng y khoa tại Paris (Pháp) và là một trong những bác sĩ đầu tiên của TP.HCM học về kỹ thuật chụp, nong động mạch vành - phương pháp giúp cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim.
Có thể gọi anh là con người "3 trong 1", bởi lẽ ngoài vai trò bác sĩ, nhạc sĩ, anh còn sáng tác văn chương. Năm 2016, tác phẩm Sài Gòn chữ vội trên vai của anh ra mắt và được tái bản nhiều lần.
Sau những giờ làm việc mệt nhoài nơi bệnh viện, một nhóm bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng đã dành một khoảng thời gian để tổ chức các đêm nhạc gây quỹ giúp đỡ những bệnh nhân nghèo.
Kỳ tới: Đêm nhạc blouse trắng
HOÀNG LỘC (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.