Nghệ nhân ưu tú Rơ Mah Kim: Đau đáu với sử thi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nổi tiếng với khả năng hát kể hri (sử thi) trời phú, Nghệ nhân Ưu tú Rơ Mah Kim được xem là “báu vật nhân văn sống” không chỉ của làng Ghè (xã Ia Dơk) mà của cả huyện Đức Cơ. Thế nhưng, cũng như nhiều nghệ nhân của loại hình văn nghệ dân gian độc đáo này, ông Rơ Mah Kim ngày ngày vẫn phải vật lộn với cơm áo, gạo tiền, chấp nhận cất sâu những pho sử thi đồ sộ vào trong ký ức.
Phải hẹn đến lần thứ 3, tôi mới gặp được nghệ nhân Rơ Mah Kim. Thời gian này, ông thường xuyên chăm sóc rẫy điều mới trồng, có khi vài tháng mới về thăm nhà một lần. Trên tường, tấm bằng công nhận Nghệ nhân Ưu tú do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao tặng vào năm 2015 đã dần bạc màu.
 Nghệ nhân Rơ Mah Kim luôn đau đáu làm thế nào để truyền dạy sử thi cho thế hệ trẻ. Ảnh: P.L
Nghệ nhân Rơ Mah Kim luôn đau đáu làm thế nào để truyền dạy sử thi cho thế hệ trẻ. Ảnh: P.L
Trong số những nghệ nhân hát kể sử thi tôi từng tiếp xúc, ông Rơ Mah Kim là người còn trẻ và khỏe khoắn nhất, hành trình trở thành người nắm giữ kho sử thi đồ sộ cũng vô cùng “thần kỳ”. Ông Kim kể: “Trong một giấc ngủ trưa sau trận ốm thập tử nhất sinh, tôi mơ thấy có “người trời” kể lại từng câu chuyện cho mình. Tỉnh dậy, tôi cứ thế mà kể lại cho dân làng”. Ngày này sang ngày khác, người làng đến nghe ông Kim kể chuyện đông dần lên. Những câu chuyện kéo dài mấy đêm liền về thần linh, về cuộc giao tranh giữa các bộ tộc trở nên vô cùng hấp dẫn qua lời kể, giọng hát của ông Kim khiến mọi người trong làng từ già đến trẻ không dứt ra được. Từ đó, ông Kim đi đến đâu người ta cũng yêu cầu kể chuyện.
Hiện tại, ông Kim còn nhớ khoảng 30 pho sử thi có độ dài ngắn khác nhau. Người nghệ nhân này khá kiệm lời và hơi rụt rè trong giao tiếp. Tuy nhiên, khi ông nhập tâm vào từng diễn biến của một sử thi thì phong thái hoàn toàn trái ngược: giọng kể ông lúc hùng tráng, khi bay bổng, não nề. Yêu sử thi là vậy nhưng ông Kim vẫn phải trở về với thực tại, với ruộng vườn để kiếm tiền nuôi cả gia đình. “Bây giờ, mọi người vẫn còn thích nghe kể chuyện lắm, vì cả làng không còn ai biết cả. Tụi trẻ con cũng thích nghe. Nhưng mình còn vợ con, còn phải lo làm lụng kiếm ăn, đâu thể ở nhà để kể chuyện mãi được dù lúc kể bà con cũng cho gạo, cho gà, rượu… nhiều lắm”-ông Kim tâm sự. 
Những năm gần đây, khi các giá trị văn hóa truyền thống nhận được sự quan tâm khôi phục, bảo tồn và phát huy, tài năng của ông Kim được đặc biệt chú ý. Trong các hội thi, hội diễn, nghệ nhân Rơ Mah Kim đều được mời kể sử thi và ông luôn nhiệt tình tham gia. Năm 2015, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trao tặng ông danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, như một sự ghi nhận xứng đáng dành cho tài năng và đóng góp của ông trong việc gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa dân gian của dân tộc. Điều đáng tiếc nhất là nghệ nhân Rơ Mah Kim không biết chữ. Rất muốn gìn giữ và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ nhưng ông bất lực, vì “tôi chỉ kể để mọi người nhớ được đến đâu thì nhớ, chứ không ghi ra giấy được”-ông Kim nuối tiếc.
Những nghệ nhân tài năng như ông Kim đều đang ở bên kia con dốc của cuộc đời. Họ rồi sẽ như mặt trời lúc chiều tà trôi về sau núi, mang theo cả một kho tàng văn nghệ dân gian vô cùng phong phú nếu không kịp thời lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Anh Rah Lan Nhin-cán bộ Văn hóa xã Ia Dơk-trăn trở: “Cả huyện Đức Cơ bây giờ chỉ còn nghệ nhân Rơ Mah Kim là người am hiểu và kể sử thi hay nhất. Mặc dù rất muốn mở lớp để nghệ nhân đến truyền dạy hay ghi chép, lưu trữ các bài kể của loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian độc đáo này nhưng chúng tôi không đủ kinh phí. Chỉ có thể tích cực mời ông Kim đến tham gia các hội thi, hội diễn mà thôi”.
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.