Mai này nếu vắng sử thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghệ nhân Y Wang HWing (ở buôn Tría, xã Ea Tul, huyện Cư MGar, tỉnh Đak Lak) đã dành trọn niềm đam mê để sưu tầm hàng ngàn bài kể khan cho đồng bào Ê Đê.

Say cùng điệu khan

Trong ngôi nhà xây kiên cố, người đàn ông ngoài lục tuần đang say sưa thổi đinh Tak Tar. Những giai điệu lúc trầm hùng, lúc bay bổng, lúc não nề khiến người nghe đắm chìm vào một không gian huyền thoại. Nghệ nhân Y Wang chia sẻ: “Tôi được sinh ra và lớn lên ở quê hương của chàng dũng sĩ Đăm San. Có lẽ bởi thế nên trường ca Đăm San cùng những điệu hát Kưut, hát Ayray đã ngấm vào tôi tự thuở nào”. Đến nay, Y Wang đã thuộc và nhớ 4 sử thi nổi tiếng của người Ê Đê là “Ê Đăm Bhu-Đăm Bha”, “Ê Đăm San”, “Ê Bõng Hiu Knuh” và “Y Bũng Hđăng”. Người bản địa gọi sử thi Ê Đê là Klei Khan. Đây là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian có từ xa xưa, được truyền miệng từ đời này qua đời khác.

 

   Ông Y Wang HWing là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn biết kể sử thi. Ảnh: D.Y.T
Ông Y Wang HWing là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn biết kể sử thi. Ảnh:  Dạ Yến Thảo

Y Wang là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn biết kể sử thi. Ngày trước, hầu như buôn làng nào cũng có nghệ nhân kể khan, có buôn 2-3 người. Những năm gần đây, đời sống văn hóa xã hội có nhiều biến đổi đã làm cho không gian diễn xướng sử thi Tây Nguyên bị thu hẹp, thậm chí mất đi nên số lượng nghệ nhân biết kể sử thi cũng vơi nhiều.

Không gian thiêng liêng nhất để kể khan là lúc bếp lửa bập bùng cháy, là khi ché rượu cần sắp nhạt, khi bà con ở các buôn xa gần quây tụ. Mỗi cuộc kể sử thi thường bắt đầu lúc 7-8 giờ tối hôm trước đến 5-6 giờ sáng hôm sau, có cuộc kéo từ ngày này sang ngày khác, đêm này nối đêm kia. Giữa không gian yên lặng có thể nghe được tiếng củi nổ tí tách, khi con người có cảm giác lâng lâng, giọng trầm đều của người kể khan cất lên, là lúc lòng yêu mến, quý nhau xích lại gần.

Theo thời gian, nghệ thuật này đã mai một, cơn lốc của nền văn minh đương đại đã đẩy sử thi vào cõi cô đơn. Đáng buồn nữa là lớp trẻ không còn nhiều người mặn mà với những đêm kể khan. Người già nhớ sử thi chỉ biết ngồi bên đống lửa le lói ở góc nhà lẩm nhẩm một mình.

Bảo tồn văn hóa truyền thống

 

Ông Y Kô Niê-Phó Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đak Lak): Cả tỉnh hiện nay chỉ còn khoảng 8 nghệ nhân hát kể sử thi. Nhiều nghệ nhân hát kể nổi tiếng trước đây đã qua đời, nhiều nghệ nhân lớn tuổi chỉ nhớ một vài đoạn sử thi hoặc chỉ biết tên sử thi mà không còn nhớ nội dung.

Bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ngày xưa có câu: “Cuộc sống thiếu tiếng chiêng, vắng lời khan, chẳng khác nào thiếu cơm, thiếu muối”. Kể khan là nghi lễ của tình đoàn kết, quần tụ khi lòng yêu quý nhau đã xích lại gần.

Ông Y Toàn-Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul, cho biết: Ngày 6-6-2017, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đak Lak khai giảng lớp học kể khan cho 8 học viên tuổi từ 35 trở lên. Nghệ nhân Y Wang và nghệ nhân Y Đhin Niê đứng lớp truyền dạy, mỗi tuần học 2 buổi, thời gian học 2 tháng rưỡi. Kết thúc chương trình học sẽ tổ chức thi và cấp bằng.

Nghệ nhân Y Đhin Niê chia sẻ: “Ngày nay không còn những cánh rừng bạt ngàn và loài cây, loài thú được nhắc đến trong sử thi nên người nghe cũng không hiểu. Theo đó, việc học và truyền lại kể sử thi cũng khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, người học phải mất rất nhiều thời gian và phải có niềm đam mê thực sự”.

Nghệ nhân Y Wang luôn đau đáu về những đêm khan huyền thoại, sợ những giá trị này mất đi. Vì vậy, hơn 20 năm qua, ông đi khắp nơi để sưu tầm và lưu giữ những điệu kể khan. “Mình già rồi, không thể sống mãi kể khan cho mọi người nên muốn truyền lại việc kể khan này cho lớp trẻ. Nếu không trong tương lai, kho báu này sẽ theo người già đi về với tổ tiên, ông bà. Cái khó hiện nay không chỉ ở chỗ đào tạo người kế tục hát kể sử thi mà còn làm sao tạo ra lượng người nghe sử thi, bởi không có người nghe thì nghệ nhân không thể hát kể. Thế hệ trẻ ngày nay không đam mê sử thi cũng do ngay từ nhỏ họ đã không có điều kiện tiếp xúc, tìm hiểu sử thi như thế hệ cha ông. Bên cạnh đó, buôn làng bây giờ đã không còn những đêm lễ hội, đêm rượu cần tràn ngập lời kể khan như trước đây”-nghệ nhân Y Wang chia sẻ.

 Dạ Yến Thảo

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.