Nghề… chạy theo Tết: Quay đều những vòng xe ba gác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những phu xe “cộng sinh” vào chợ hoa tết và họ chạy theo đúng nghĩa đen.
Cùng những vòng quay bánh xe, họ đổ mồ hôi trong tiết trời se lạnh, nhưng có lúc những phu xe vạm vỡ còn đổ cả nước mắt khi lỡ làm vỡ chậu cây, phải bù lại bằng khoản tiền tương đương cả chục cuốc xe.
Cuối năm, thợ nề đổi nghề… ba gác
Chợ hoa tết năm nay ở trung tâm TP.Đồng Hới (Quảng Bình) thưa vắng hơn mọi năm. Trưa trờ trưa trật ngày 20 tháng chạp mà ở ngay trước khu vực cổng Nhà văn hóa thành phố (cũ), có người kéo xe trung niên vẫn ngồi phì phèo thuốc lá vì không kiếm được cuốc xe nào.
Nguyễn Hưng, tên người phu xe, 43 tuổi, trú P.Đồng Sơn (TP.Đồng Hới), gia đình 2 đời làm thợ nề. Riêng anh, cả năm cầm bay nhưng cứ sau rằm tháng chạp, ngớt việc xây tô lại xách xe máy kéo theo ba gác hướng về chợ hoa. Vợ anh cũng là thợ nề, cũng hết việc, có điều sức vóc phụ nữ không thể kéo xe nên mọi chi tiêu dịp cận tết dồn hết vào những vòng xe kéo của anh Hưng.

Phu xe Lê Văn Lâm cười toe với cuốc xe đầu tiên giữa trưa 20 tháng chạp với giá “hữu nghị” chỉ 50.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Phúc
Phu xe Lê Văn Lâm cười toe với cuốc xe đầu tiên giữa trưa 20 tháng chạp với giá “hữu nghị” chỉ 50.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Phúc
Thế mà hơn nửa ngày vật vờ, anh vẫn chưa kiếm được đồng nào dính lưng. Đây chỉ mới là ngày thứ 2 anh vượt 10 km, đưa xe kéo về chợ hoa kiếm cơm. “Mọi năm 16 - 17 tháng chạp đã xôm xôm rồi. Năm nay 20 rồi mà vẫn chưa có chi”, người đàn ông vóc người nhỏ nhắn tỏ ý ngao ngán.
Hồi tưởng về khoảng thời gian “ăn nên làm ra” mấy năm trước, anh Hưng cho biết mỗi ngày có thể kiếm trên dưới 500.000 đồng từ việc chở hoa từ chợ về nơi cần đến. Riêng từ 28 - 30 tết, có khi còn bỏ túi cả tiền triệu. “Công việc bắt đầu từ 8 giờ sáng và đến 22 giờ đêm. Nghề này cũng khá vất vả bởi phu xe không đơn thuần là vận chuyển hoa mà còn phải bưng hoa lên xuống xe, xếp đặt cho người ta vừa ý. Có những chậu quất, chậu cúc lớn, nhiều khi to gấp đôi gấp ba người tôi, bưng đến còng cả lưng”, anh kể.
Nhưng việc nặng nhọc không phải là thứ khiến anh lo nghĩ nhiều. Với nghề làm phu xe hoa tết, có 3 điều làm anh sợ. Thứ nhất là sợ công an phạt, thứ hai là sợ… mất liên lạc hay tìm không ra nhà khách mua hoa, thứ ba là làm vỡ chậu, hỏng cây dọc đường vận chuyển.
“Mấy anh công an đôi khi cũng thông cảm, vì tết nhất và cũng thương người lao động như chúng tôi chỉ muốn kiếm miếng cơm. Tôi cũng luôn ghi nhớ việc lấy số điện thoại của khách trước khi khởi hành để không bao giờ lo lắng lạc đường, mất tiền công. Nhưng với sự cố dọc đường thì không ai lường trước được”, anh nói.
Anh khó quên cái ngày xui xẻo cách đây 3 năm, khi đang đưa cặp cúc lớn trị giá hơn 2 triệu đồng về tiệm cà phê trên đường Lý Thường Kiệt (TP.Đồng Hới) với tiền công 100.000 đồng. Đến ngã tư, xảy ra tai nạn, anh ngã sóng soài trầy tay chân nhưng không lo lắng bằng việc thấy chậu hoa vỡ nát. Người phu xe chỉ còn biết run rẩy lấy điện thoại gọi cho khách mua, nài nỉ: “Mong ông thương tình…”.
Suốt ngày đêm “bám” vào chợ hoa, mãi đến đêm 30, sau cuốc xe cuối cùng, anh mới kiếm cây hoa nào “xấu xấu, rẻ rẻ” mua về. “Coi như cũng có hoa chơi tết”, anh tặc lưỡi.

Đã quá trưa mà phu xe Nguyễn Hưng vẫn chưa có cuốc xe nào nơi chợ hoa ở trung tâm TP.Đồng Hới. Ảnh: Nguyễn Phúc
Đã quá trưa mà phu xe Nguyễn Hưng vẫn chưa có cuốc xe nào nơi chợ hoa ở trung tâm TP.Đồng Hới. Ảnh: Nguyễn Phúc
“Ông già gân” của hội xe kéo
Trong hàng chục phu xe đứng ngồi ở khu chợ hoa trước Quảng trường Hồ Chí Minh (TP.Đồng Hới), có một “ông già gân” đúng nghĩa. Ông nổi bật với mái tóc bạc, khá dài dù được buộc lại gọn gàng. Bộ râu dài và cũng bạc nốt. Lại mặc áo quần lính rằn ri và xỏ đôi giày da cao cổ… Phương tiện hành nghề cũng “ngầu” hơn nhiều đồng nghiệp, với chiếc xe phân khối lớn đời cũ của Hãng Suzuki. Nom tướng ông ngồi trên thành xe ba gác, vắt chéo chân không ai nghĩ ông là phu xe, cho đến khi ông nhảy tót xuống mời chào khách.
Ông là Nguyễn Viết Ngữ, trú P.Đồng Phú, TP.Đồng Hới. Ở tuổi 70, buổi sáng của ông bắt đầu bằng vài cây số chạy bộ nếu trời nắng hoặc dăm chục cái hít đất vào ngày mưa. Ông kể, nghề chính của ông là bơm nước, nong nền khi làm móng nhà. Ông “đến” với nghề xe kéo ngày tết đơn giản vì tết thì chẳng ai thuê… bơm nước, nong nền cả. “Tôi ra đây làm việc cũng không nặng nề gì cơm áo. Kiếm được chút tiền thì tốt mà không thì thôi, coi như ngồi trạo chuyện (trò chuyện - PV) với anh em cho có không khí xuân”, ông Ngữ nói.
Ông bảo con cái ông nay đều trưởng thành, đều có nhà lầu xe hơi nhưng chúng không cấm cản ông hành nghề phu xe hoa ngày tết bởi chúng biết ông là người thích lao động. Và hơn thế, ông có sức khỏe. Nói đoạn, ông còn đưa tay lên gồng rồi tiếu lâm: “Mấy cậu kéo xe trẻ này chưa chắc “ăn” được tôi”.

Ông già gân Nguyễn Viết Ngữ của hội xe kéo. Ảnh: Nguyễn Phúc
Ông già gân Nguyễn Viết Ngữ của hội xe kéo. Ảnh: Nguyễn Phúc
Dù lớn tuổi, nhưng ông Ngữ lại nhiều khách hơn cánh phu xe trung niên. Những vụ hoa tết trước, trung bình ông bỏ túi trên dưới 1 triệu đồng mỗi ngày. “Tôi “nổ” vậy thôi chớ 70 sao đọ nổi đám thanh niên. Cơ bản là tôi có mẹo: mỗi lần di chuyển lên xuống chỉ cần kê cái đít xe ba gác vào, bưng chậu lên nhẹ như không”, ông Ngữ cười sảng khoái.
Cũng với câu hỏi “chuẩn bị tết thế nào?” như với anh Hưng, nhưng cách trả lời của ông Ngữ tươi tắn hơn nhiều. Mọi năm, ông vẫn làm đến chiều 30 tết, khoảng 17 giờ thì xách xe về, tắm rửa, cúng ông bà. Thế là tết rồi đó! Hỏi sao thảnh thơi vậy, ông bảo: “Tôi ra ngoài xã hội rong chơi, còn việc nhà có vợ và mấy đứa nhỏ làm hết rồi!”. (còn tiếp)
Cạnh tranh khốc liệt
Với cả trăm người sống nhờ vào chợ hoa tết, không phải lúc nào giữa cánh phu xe kéo cũng “cơm lành canh ngọt”. Việc tranh giành khách, va chạm, đánh nhau, thậm chí gọi giang hồ đến dằn mặt nhau xảy ra như cơm bữa. Nhưng gần đây, có một “đối thủ” lớn bất ngờ xuất hiện: những chiếc xe tải nhỏ được sử dụng để chở hoa và cây. Đám phu xe thoáng lo sợ một ngày nghề kiếm cơm của mình dịp tết sẽ không còn.
Theo Nguyễn Phúc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.