Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa: Bảo tồn và phát huy bản sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Diễn ra trong 2 ngày 21 và 22-4, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa là hoạt động tôn vinh bản sắc văn hóa, đồng thời là cầu nối để các nghệ nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của cha ông.

Nhiều hoạt động mới, hấp dẫn

Ngày hội năm nay thu hút sự tham gia của gần 700 nghệ nhân, diễn viên và vận động viên đến từ 15 xã, thị trấn. Ngoài các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như các năm trước, năm nay có thêm 3 nội dung mới là chạy cà kheo (nam), chế biến ẩm thực truyền thống và thi giã gạo chày đôi. Trong phần thi giã gạo chày đôi, với 5 kg lúa, đội giã xong gạo trong thời gian nhanh nhất, hạt gạo sạch, đẹp và ít nát nhất sẽ thắng cuộc. Nhịp điệu làm việc vô cùng khẩn trương. Có đội chưa đầy 15 phút đã giã xong 5 kg lúa để cho ra thành phẩm là những hạt gạo tròn mẩy, trắng sạch với rất ít hạt vỡ.

Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa là hoạt động tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa tại cộng đồng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa là hoạt động tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa tại cộng đồng. Ảnh: Hoàng Ngọc

Gương mặt đỏ bừng, đẫm mồ hôi sau phần thi, chị Wum (làng Bông, xã Hà Bầu) chia sẻ: “Trước kia, làng mình thường tổ chức cho phụ nữ thi giã gạo ở nhà rông trong dịp lễ hội như đâm trâu, cúng giọt nước, mừng lúa mới. Tuy nhiên, hàng chục năm nay, làng không tổ chức thi giã gạo nữa. Được tham gia hoạt động này trong ngày hội, mình hồi hộp nhưng cũng rất vui”. Là phụ nữ lớn tuổi nhất trong phần thi giã gạo, bà Tip (làng Bông La, xã Ia Băng) cho biết: Người Bahnar thường nhìn hạt gạo để đánh giá sự khéo léo của người giã. “Không chỉ khéo lúc giã sao cho hạt gạo trắng, không bị nát, mà còn phải khéo sàng sảy để gạo phải thật sạch”-bà Tip nói.

Giao lưu cùng bà con, anh Nguyễn Trung Tín-du khách Bình Định-thán phục: “Tôi nhiều lần nhìn thấy hình ảnh phụ nữ vùng cao giã gạo. Họ giã nhịp nhàng, dứt khoát, trông rất đơn giản, dễ dàng. Nhưng hôm nay được trải nghiệm giã gạo tôi mới vỡ lẽ nhiều điều. Hoạt động này cần lực của đôi tay rất mạnh, giã một chút mà tay tôi mỏi nhừ, toát mồ hôi. Rõ ràng những phụ nữ ở đây rất dẻo dai. Tôi cũng hiểu thêm nhiều điều về đời sống của họ”.

Một mảng màu văn hóa vô cùng đặc sắc của đồng bào các dân tộc được giới thiệu qua phần thi ẩm thực. Đây là phần thi để chị em khéo khoe sự đảm đang bếp núc cùng kho tàng ẩm thực phong phú. Không chỉ có những món quen thuộc thường thấy như: gà nướng, cơm lam, lá mì cà đắng, hoa đu đủ xào lòng gà mà còn nhiều món ngon, lạ khác. Chỉ riêng món mơ nông kop (món ăn đùm trong lá, vùi vào tro nóng) cũng đã có nhiều loại như: kan kop (cá đùm), nhăm kop (thịt đùm)…

Chị HLách (làng Bông La, xã Ia Băng) cho biết: “Món kan kop mà đội của mình chế biến có nguyên liệu hoàn toàn ở địa phương. Cá được người dân trong làng bắt ở hồ Ia Băng, làm sạch, tẩm ướp gia vị cùng với các loại rau thơm bản địa để khử tanh, đùm trong lá dầu và vùi tro nóng nhiều giờ đồng hồ. Đây cũng là món ăn trong bữa cơm hàng ngày của các gia đình sống quanh lòng hồ Ia Băng nhiều đời nay”. Món cá đùm với vị cá chín mềm, thấm đều gia vị, dậy mùi của lá mùi thơm địa phương, ăn cùng cơm nướng ống nứa mềm dẻo hợp lạ lùng, lôi cuốn kỳ lạ.

Chế biến món ăn truyền thống tại Ngày hội. Ảnh: Hoàng Ngọc

Chế biến món ăn truyền thống tại Ngày hội. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đến với ngày hội, đoàn nghệ nhân xã Glar thực hiện 8 món truyền thống, tái hiện “dòng chảy” ẩm thực từ lễ hội tới đời thường. Chị HThúy (làng Ktu) tự hào kể về lịch sử từng món ăn gắn với truyền thống văn hóa nơi vùng đất cỏ lau: “Món muối cá trê gác bếp tuy dân dã nhưng được chế biến cầu kỳ nhất. Cha ông ngày xưa đi rừng nhiều ngày chỉ mang theo cơm nắm và muối này. Còn cơm độn củ mì là món ăn thời dân làng thiếu đói, củ mì độn nhiều hơn cơm. Nhưng thế hệ bây giờ ăn cơm độn củ mì với muối cá trên gác bếp lại là đặc sản”. Ngoài ra, các nữ đầu bếp Glar còn chế biến nhiều món đặc sắc như: gà nướng giã hành, lòng gà đùm lá dầu, gié đắng…

Theo Nghệ nhân Ưu tú Alip-thành viên Ban giám khảo, thật khó để chấm điểm bởi mỗi món ăn có một hương vị, giá trị, ý nghĩa riêng trong đời sống của người bản địa. Bản thân ông rất xúc động khi thưởng thức những món ăn quen thuộc vì nó gợi lại nhiều kỷ niệm.

Cơ hội quảng bá văn hóa

Trong nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên, Giáo sư-Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh luôn khẳng định: “Chủ thể bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên phải là người dân các dân tộc Tây Nguyên, đó là sự nghiệp của người Tây Nguyên, cho người Tây Nguyên và vì người Tây Nguyên. Đó chính là bản chất dân chủ của sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa”.

Qua nhiều năm tổ chức, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Đak Đoa không ngừng đổi mới để phát huy tối đa sự tham gia của các chủ thể văn hóa. Đa dạng nội dung ngày hội giúp bà con thêm tự hào, trân quý và nêu cao tinh thần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong cuộc sống.

Thi giã gạo chày đôi là nội dung mới được đưa vào Ngày hội giúp phụ nữ có cơ hội thể hiện sự dẻo dai, khéo léo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Thi giã gạo chày đôi là nội dung mới được đưa vào Ngày hội giúp phụ nữ có cơ hội thể hiện sự dẻo dai, khéo léo. Ảnh: Hoàng Ngọc

Ông Huỳnh Siểm-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức ngày hội-cho hay: “Trên địa bàn huyện Đak Đoa có 18 dân tộc anh em đang sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những loại hình văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Ngày hội là dịp để tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, sự đóng góp, trao truyền văn hóa của các nghệ nhân. Đồng bào các dân tộc có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tại cộng đồng. Đây cũng là dịp quảng bá thiên nhiên, văn hóa, con người của vùng đất Đak Đoa, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách”.

Có mặt cùng đoàn nhiếp ảnh gia tại ngày hội, ông Lê Ba-du khách Hà Nội-bày tỏ: “Được trải nghiệm thực tế các hoạt động tại ngày hội là cơ hội rất quý giá đối với chúng tôi, nhiều hình ảnh rất đẹp, phong phú và rực rỡ. Qua hàng ngàn năm, các giá trị văn hóa vẫn được đồng bào gìn giữ, phát huy. Bản thân tôi cũng luôn tự hào trước sự phong phú của văn hóa các dân tộc Việt Nam”.

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.