Ngày hội Du lịch Kbang mở ra nhiều cơ hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm khai thác thế mạnh của địa phương để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển nông nghiệp và du lịch, UBND huyện Kbang tổ chức Ngày hội Du lịch lần thứ 2 với nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực.
Tối 26-7, Ngày hội Du lịch Kbang lần thứ 2-2019 đã chính thức khai mạc tại Quảng trường huyện. Về dự lễ khai mạc có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Cơ hội kết nối nông dân-doanh nghiệp
Ngày hội Du lịch Kbang lần thứ 2-2019 diễn ra từ ngày 26 đến 28-7 với nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực. Hội chợ nông sản, thực phẩm khai mạc vào sáng 26-7 là một trong những điểm nhấn của Ngày hội Du lịch năm nay. Tham gia hội chợ có 101 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình. Tại đây, du khách được tham quan, mua sắm các loại nông-lâm sản, thực phẩm thế mạnh của huyện đã được đăng ký nhãn hiệu, nhiều sản phẩm có uy tín được thị trường cả nước biết đến như: các loại sâm rừng, nấm rừng, cây dược liệu, mật ong rừng, cam Sơn Lang, hạt mắc ca, gạo lức đỏ, cá tầm, heo đen...
Các loại sâm rừng, nấm rừng, cây dược liệu được trưng bày tại hội chợ. Ảnh: N.S
Các loại sâm rừng, nấm rừng, cây dược liệu được trưng bày tại hội chợ. Ảnh: N.S
Hầu hết các địa phương tham gia hội chợ đều kỳ vọng về đầu ra cho sản phẩm. Ông Lê Quý Truyền-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang-cho biết: Sơn Lang có rất nhiều tiềm năng để phát triển cây ăn quả và các loại cây dược liệu. Tham gia hội chợ lần này, xã tập trung trưng bày các sản phẩm đặc trưng là trái cây được trồng theo phương pháp hữu cơ để thu hút du khách và người tiêu dùng như: cam, bưởi, thanh long, quýt đường, bơ... Đây cũng là dịp để nông dân của xã tìm kiếm cơ hội liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. “Chỉ trong ngày đầu tiên, gian hàng của xã đã bán được 1 tấn trái cây, trong đó nhiều nhất là cam và quýt đường. Theo đánh giá của du khách và người tiêu dùng, các loại trái cây được trồng trên địa bàn xã có chất lượng không thua kém gì so với những vùng xưa nay đã có thương hiệu”-ông Truyền nói.
Bên cạnh những mặt hàng trái cây, du khách còn được tham quan, mua sắm các loại sâm rừng, nấm rừng, cây dược liệu, mật ong rừng thiên nhiên, mật nhân, hạt mắc ca… Bà Dương Thị Huệ (xã Đông, huyện Kbang) nhận xét: “Các sản phẩm nông nghiệp của huyện nhà rất phong phú và đa dạng. Tôi mong rằng thời gian tới, việc tiêu thụ nông sản của nông dân sẽ thuận lợi hơn vì được nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến”.
Gà nướng-một trong những hàng bán chạy nhất tại hội chợ. Ảnh: N.S
Gà nướng-một trong những hàng bán chạy nhất tại hội chợ. Ảnh: N.S
Với sự ưu đãi của thiên nhiên, Kbang có rất nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho hay: Tham gia hội chợ năm nay, mỗi gian hàng mang đến những sản phẩm đặc trưng nhằm quảng bá, giới thiệu đến bạn bè, du khách những tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp của địa phương mình, từ đó thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Những hoạt động thiết thực này sẽ mở ra nhiều cơ hội như: góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do giá cả thất thường, giúp nhiều địa phương trong huyện triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Khai thác hiệu quả các tour du lịch
Nằm ở vùng Đông Bắc tỉnh Gia Lai, Kbang có tổng diện tích tự nhiện 185.185,92 ha, diện tích rừng nguyên sinh còn nhiều, khí hậu ôn hòa, mát mẻ, động-thực vật phong phú. Kbang còn có nhiều ghềnh thác hùng vĩ, thơ mộng như: thác 50, thác Kon Bông, thác Hang Dơi, thác Rêu... Ngoài ra, Kbang cũng có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, thị trấn Dân chủ, Làng kháng chiến Stơr gắn liền với hình ảnh Anh hùng Núp huyền thoại và một số di tích trong quần thể Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Tây Sơn Thượng đạo.
 Đông đảo du khách đến tham quan thác Hang Dơi (thị trấn Kbang). Ảnh: N.M
Đông đảo du khách đến tham quan thác Hang Dơi (thị trấn Kbang). Ảnh: N.M
Thác Hang Dơi là một trong những điểm được rất nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài huyện lựa chọn tham quan trong Ngày hội Du lịch năm nay. Là du khách đến từ tỉnh Bình Định, ông Lê Đức Trọng hồ hởi: “Tôi thấy cảnh quan nơi đây rất đẹp, hùng vĩ và hoang sơ, nhất là hệ thống thác nước. Cùng với đó là sự đa dạng về hệ sinh thái động-thực vật với nhiều loại quý hiếm. Ngoài ra, trong các ngày lưu trú ở đây, gia đình tôi cùng nhau thưởng thức các món ăn do chính người dân nơi đây chế biến như: cơm lam, gà nướng, heo quay lá mắc mật… Theo tôi, huyện Kbang nên duy trì tổ chức ngày hội như thế này để giới thiệu văn hóa truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của địa phương và các tour du lịch sinh thái”.
Bà Phan Thị Thu Minh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam: “Qua mấy ngày tìm hiểu từ thực tế, tôi thấy rằng tỉnh Gia Lai nói chung, huyện Kbang nói riêng có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Vấn đề đặt ra là tỉnh cũng như huyện Kbang cần tiếp tục có những cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Ngoài ra, địa phương cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển du lịch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những hoạt động kết nối với các công ty lữ hành để hỗ trợ Kbang phát triển du lịch”.

Những hoạt động trong Ngày hội Du lịch huyện Kbang lần thứ 2-2019 đã tái hiện một cách sinh động tiềm năng du lịch và những nét văn hóa đặc sắc trên vùng đất Kbang-nơi có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống. Ông Nguyễn Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kbang-cho hay: Ngày hội năm nay, huyện đã phối hợp với một số công ty lữ hành tổ chức các tour đi thác 50, thác Kon Bông, thác Hang Dơi và Làng kháng chiến Stơr. “Để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, ngoài việc bố trí nhân viên thuyết minh tại chỗ, tiếp đón ăn uống, bán quà lưu niệm..., chúng tôi cũng chủ động bố trí xe 30 chỗ và 16 chỗ nếu khách có nhu cầu. Trong các ngày diễn ra lễ hội, đã có trên 5.200 lượt du khách tham gia các tour du lịch trên. Ngoài ra, các mặt hàng bán chạy nhất tại hội chợ là gà nướng, trái cây, rau với khoảng trên 3.800 lượt khách tham quan và mua sắm, doanh số bán hàng đạt khoảng 1,5 tỷ đồng”-ông Chi chia sẻ.
Ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang-thông tin: Từ đầu năm đến nay, đã có gần 15.000 lượt du khách đến vùng căn cứ cách mạng Kbang tham quan du lịch để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, dã ngoại sinh thái. Đây là cơ sở quan trọng để huyện từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ký kết khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. 
 MINH SANG

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.