Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thật khó xác định được tín ngưỡng thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương có thời điểm nào. Từ tín ngưỡng dân gian thờ cúng tổ tiên được hóa thân vào một biểu tượng mang tính quốc gia, hình thành cùng quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Buổi đầu là tín ngưỡng mang tính dân gian của cộng đồng dân cư sống trong các làng xã quanh vùng đất sau này được tôn vinh là Đất Tổ (nay là Phú Thọ) sau lan tỏa rộng cùng với quá trình hình thành lãnh thổ và cộng đồng quốc gia.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tại Đền Hùng (Phú Thọ) năm 1954.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô tại Đền Hùng (Phú Thọ) năm 1954.


Sau chiến thắng giặc Minh vào thế kỷ XV, nền tự chủ của Đại Việt được xác lập lại dưới triều nhà Lê, những truyền thuyết về Hùng Vương được đưa vào chính sử (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư), sự thờ phụng lan tỏa thành quốc lễ. "Ngọc phả Hùng Vương" soạn năm 1470 đã chép: "Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hậu Lê (1416-1527) vẫn cùng hương khói trong ngôi đền thờ làng Trung Nghĩa. Ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của các đấng Thánh tổ xưa".

Đến triều Nguyễn (thế kỷ XIX), cùng với việc tu sửa nơi thờ tự tại vùng Đất Tổ (Phú Thọ), tại Kinh đô Huế, việc thờ cúng Quốc tổ cùng các vị tiền nhân có công với nước được triều đình đưa vào ngôi đền "Lịch Đại Đế Vương" xây trong Kinh đô Huế. Và năm 1917, triều đình Khải Định chấp thuận chọn ngày 10/3 âm lịch hằng năm là ngày Giỗ Quốc tổ cùng các quy định về nghi thức như một quốc lễ. Tuy vậy, việc tổ chức thực hành tín ngưỡng chủ yếu vẫn là ở các làng xã quanh vùng Đất Tổ, lấy ngọn Nghĩa Lĩnh ở Phú Thọ làm trung tâm. Vào dịp lễ trọng triều đình chỉ gửi lễ đến dâng Quốc tổ.

Giỗ Tổ năm Ất Dậu (1945), vào thời điểm cao trào cách mạng giải phóng dân tộc lên cao, lòng khao khát giành lại nền tự chủ được thể hiện trong sự kiện lần đầu tiên, Ngày Giỗ Tổ (ứng với 21/4/1945) được tổ chức công khai tại Hà Nội thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến dự tại khu vực Đông Dương học xá (nay là khu Đại học Bách khoa) và do các tổ chức yêu nước trong giới thanh niên làm hạt nhân (Tổng hội sinh viên, Hướng đạo sinh, Truyền bá quốc ngữ…).

Nhưng phải sau ngày nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất (11/4/1946), lần đầu tiên một nhà nước đứng ra tổ chức trọng thể do người đứng đầu nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng làm chủ lễ tại Thủ đô Hà Nội và một đoàn đại diện nhà nước do Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu đã lên Đền Thượng ở Phú Thọ dâng lễ (theo đúng sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22SL, ký ngày 18/2/1946)

Kể từ đó, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành một trong những ngày lễ trọng nhất của nước ta theo pháp định… Ngày 6/12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã công nhận "Tín ngưỡng thực hành thờ cúng Hùng Vương" của Việt Nam là một trong những "di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"…

Nhân Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, xin giới thiệu hai bài báo tường thuật lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cách đây 76 năm, lần đầu tiên được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức và do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng làm chủ lễ:

Toàn quốc nhớ ơn Tổ: Lễ kỷ niệm Đức Hùng Vương

Hà Nội, ngày 11/4/1946, trên bãi mênh mông của nhà Việt Nam học xá, hàng mấy vạn người thành hàng lối, cơ ngũ nghiêm trang. Một biển người trắng xóa im tăm tắp dưới ánh nắng gay gắt của một buổi chiều đầu mùa hè. Bàn thờ thiết lập ở giữa bãi. Một tấm bài vị đề một hàng chữ: “Hùng Vương khai quốc”. Quanh đài, cờ ngũ hành, đồ lộ bộ bày xen với những cờ đỏ sao vàng.

Hơn 4 giờ, Hồ Chủ tịch đến với những nhân viên Chính phủ và đại biểu Quốc hội. Tiếng hoan hô nổi dậy như tiếng sóng cuồn cuộn, trên mặt biển người.

Lễ chào cờ, hát Tiến quân ca. Một hồi chiêng trống nổi lên. Hồ Chủ tịch bỏ mũ tiến lên đài, đốt hương cắm vào lò hương lớn. Rồi một đại biểu Quốc hội và một đại biểu Trung - Nam Bộ nối tiếp nhau nói với công chúng, nói về ý nghĩa của ngày giỗ Tổ này, về cái nhiệm vụ của lũ con cháu Hùng Vương là thế hệ của chúng ta ngày hôm nay.

Sau đó, hàng vạn cái miệng cùng hô to hai khẩu hiệu của buổi lễ:

- Trung, Nam, Bắc thống nhất
- Toàn dân đoàn kết

Lễ tan, Chủ tịch và các lãnh đạo đi diễu qua mặt lễ đài. Sau lưng, cứ dòng cuồn cuộn những người đi dự lễ cũng kéo nhau qua bàn thờ trong một trật tự nghiêm chỉnh.

(Cứu Quốc, số 213, 12/4/1946)

 

Hồ Chủ tịch tham gia Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở Hà Nội năm 1946.
Hồ Chủ tịch tham gia Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở Hà Nội năm 1946.


Ngày giỗ Tổ tại đền Hùng

Mồng 10 tháng 3 âm lịch: ngày giỗ Tổ. Ngày giỗ Tổ năm nay trên toàn cõi Việt Nam tỉnh nào cũng làm lễ rất long trọng và phần nhiều theo một nghi thức mới. Tại đền Hùng tại tỉnh Phú Thọ, nơi có lăng tẩm các ngài, ngày hội cũng khác mọi năm nhiều.

Dưới những lá cờ đỏ sao vàng reo mừng trước gió và tự vươn mình trên những cây cả non cao, chỗ này phòng triển lãm tranh ảnh chiến tranh và chống nạn mù chữ; chỗ kia gian hàng bày sách báo và những bức chân dung cụ Hồ. Nào hàng quà “Kiến quốc” của chị em “Phụ nữ Cứu quốc”; nào quán chống xâm lăng của anh em VNQDĐ, v.v... Rất nhiều những khẩu hiệu: Việt Nam thống nhất, Tổ quốc muôn năm, sẵn sàng tuân theo mệnh lệnh Hồ Chủ tịch… treo ngang khắp các ngả đường từ chân núi đến đỉnh núi.

Ngày mồng 9, đại biểu Quốc hội và Chính phủ lên tới nơi, tiếng hoan hô suốt ngày vang rộn. Hôm ấy, một cuộc mít-tinh hàng vạn người Kinh, người Mán, người Mường ở chân núi, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Nội vụ, cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Ủy ban Thường trực Quốc hội lên diễn đàn nói về ý nghĩa của ngày giỗ Tổ năm nay và hô hào dân chúng đoàn kết thống nhất. Ông Nguyễn Xiển - Chủ tịch Ủy ban hành chính Bắc Bộ hô hào nhân dân toàn tỉnh tham dự việc sửa chữa đê điều, nhất là những quãng đê ở Lâm Thao, Hà Ký phải nỗ lực cả Chính phủ lẫn nhân dân mới có thể ngăn cản được vụ nước tới. Cuối cùng, ông Chủ tịch tỉnh Phú Thọ kết thúc cuộc mít-tinh một cách hùng tráng.

Sáng mồng 10, ngày chính giỗ có cả quan khách Trung Hoa đến dự, tiếc rằng cuộc hành lễ chưa được đượm một tinh thần mới của nước Việt Nam mới. Cũng rước cũng tế như mọi năm, trước bàn thờ Tổ quốc trên đỉnh núi cao, bốn bề cây cối âm u từ Đền Trung lên Đền Thượng, cụ Bộ trưởng Nội vụ, cụ Chủ tịch Thường trực Quốc hội và ông Chủ tịch hành chính Bắc Bộ làm bồi tế. Nhưng trong nghi lễ này, ta cũng nhận thấy những cử chỉ rất có ý nghĩa là đại biểu Chính phủ và Quốc hội dâng bức bản đồ Việt Nam thống nhất bắc, trung, nam và lá cờ đỏ sao vàng lên bàn thờ Tổ quốc làm cho mọi người tràn ngập một ý nghĩ thiêng liêng về đất nước. Và có lẽ ai nấy trong lòng cùng thề nguyền: Quyết giữ vững non sông và bảo vệ ngọn cờ!

Một điều khác ngày hội mọi năm nữa là năm nay các chị phụ nữ cũng cầm súng đứng trước những gian hàng kiến quốc và chính những bữa cơm ngon lành của miền núi để nghênh tiếp các quý khách đều do những bàn tay khéo léo của các chị em Phú Thọ. Các chị em Mường năm nay cũng tiến bộ. Trong cuộc nhảy múa chào mừng các đại biểu Quốc hội và Chính phủ, chị em cũng hát những bài rất hùng hồn bằng tiếng Việt Nam.

Ngày hội đền Hùng năm nay tuy không đông bằng những năm thời bình nhưng cảnh sắc điểm mới này cũng làm cho nao nức lòng người.

(Cứu Quốc, Số 214, 13-4-1946)

DƯƠNG TRUNG QUỐC
(Dẫn nguồn NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.