Ngàn thông xanh đất Ia Kreng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Ngàn thông xanh thẳm trên những dãy núi trùng điệp không chỉ tô điểm thêm vẻ đẹp hoang sơ, hữu tình mà còn tạo sinh kế cho dân cư tại xã Ia Kreng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Nhưng đâu đó dưới tán thông xanh vẫn gợi lên nỗi niềm khắc khoải.

Bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ

Sương sớm quấn quýt bên những tàng thông 3 lá trên rặng núi cao ở xã Ia Kreng. Gió lạnh khẽ lay lá thông xanh như đón chào khách lạ. Con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã vùng III của huyện Chư Păh quanh co, uốn lượn dưới chân núi. Một bên đường là ta luy dương, còn phía đối diện là thung sâu xanh ngát cây cỏ điểm xuyết màu đo đỏ mái tôn và dòng nước nặng phù sa của hồ thủy điện Sê San 3A. Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ hòa quyện tựa trong một bức họa phong cảnh núi rừng với điểm nhấn là màu xanh ngút ngàn của thông.

Anh bạn đi cùng với tôi trong chuyến công tác không ít lần tấm tắc khen vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của phong cảnh nơi đây. Còn tôi, đang ở Ia Kreng mà cứ ngỡ đang đắm mình tại xứ Đà Lạt mộng mơ.

Già Siu Xem và anh Trương Duy Kha đi tuần tra rừng thông ở tiểu khu 217. Ảnh: H.S

Già Siu Xem và anh Trương Duy Kha đi tuần tra rừng thông ở tiểu khu 217. Ảnh: H.S

Ông Siu Xem-nguyên Trưởng thôn Dôch 2 kéo tôi về thực tại bằng câu chuyện kể về một thuở gian truân tham gia phủ xanh núi đồi Ia Kreng: Mấy chục năm trước, nơi đây là đồi núi trọc. Ngửa cổ nhìn ngược núi sẽ thấy những khoảnh đất đỏ lẫn với khu vực cây rừng xanh tốt, kiểu như da con báo, không đẹp mắt chút nào. Từ năm 2001 đến nay, những ngọn đồi trống hoác ấy dần được phủ kín thông xanh.

“Năm 2001, Nhà nước có chủ trương trồng thông ở xã, người dân chúng tôi được thuê làm. Trước khi đào hố, mang thông lên núi trồng, chúng tôi tham gia dọn mặt bằng. Công việc đó cũng cực lắm. Trên núi toàn cây đót, lau và cỏ tranh mọc tràn, bà con phải phát dọn cho sạch. Có những bụi lau to, chúng tôi phải phát cả ngày mới xong. Đôi khi bất cẩn bị lau cứa đứt hoặc đâm thủng bàn tay. Vất vả nhất là việc đi bộ cả mấy ki lô mét đường núi để gùi thông giống lên. Lúc mới làm, gùi được 1 gùi thông giống lên đến nơi trồng, có khi mệt đến lả người. Mấy bịch cơm trắng đùm theo ăn với đọt mây hoặc rau rừng, không đủ sức để gùi hết chặng là đúng thôi. Có những chỗ núi cao khó đi, chúng tôi dựng lều ở lại trên đó cả tuần để trồng thông. Lúc gần hết gạo thì cử người xuống làng mang lên. Công việc nặng nhọc nhưng đó là nguồn thu nhập khá để dân làng trang trải cuộc sống gia đình. Thế nên cứ đến mùa mưa là bà con lại tham gia trồng rừng”-ông Siu Xem hồi tưởng.

Từng tham gia trồng rừng để có tiền ăn học, anh Rơ Châm Đại (làng Dip) chia sẻ: “Ngày đó, muốn vào Ia Kreng phải đi từ trung tâm xã Ia Mơ Nông ngang qua thác Công Chúa chứ không phải như bây giờ. Con đường bé tẹo, lởm chởm đá, lầy lội vào mùa mưa lại quanh co dưới mấy ngọn núi. Xe độ chế chỉ chở thông giống vào đến chỗ thác Công Chúa, còn lại là do sức người. Dân làng phải thay phiên nhau gánh từng chặng. Khi ấy, mình đang học cấp II nhưng cứ đến hè là tham gia trồng rừng để có tiền mua vở, quần áo. Bây giờ, mỗi lần đi ngang qua, nhìn những rừng thông cao vút, mình thấy tự hào khi đã góp sức trồng nên chúng”.

Về nguồn gốc của hàng ngàn héc ta thông 3 lá trồng dọc con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã Ia Kreng, ông Phạm Thành Phước-Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly-thông tin: Thực hiện Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ về trồng mới 5 triệu ha rừng trong cả nước, năm 2001, Ban triển khai trồng thông trên địa bàn huyện.

Ở xã Ia Kreng, chúng tôi trồng rừng tại tiểu khu 213 và 217. Riêng 2 năm (2005-2006), Ban tập trung nguồn lực phủ xanh các đồi trọc ở Ia Kreng. Từ đó đến nay, công việc trồng rừng ở đây chủ yếu là trồng thay thế. Trên địa bàn xã hiện có khoảng 8.000 ha rừng trồng, chủ yếu là rừng thông 3 lá.

“Buổi đầu, không chỉ gặp khó khi vận chuyển cây giống lên núi cao trồng mà việc thuê nhân công cũng rất nan giải. Nguyên nhân là do bà con chưa mặn mà với công việc và chưa ý thức đầy đủ lợi ích từ trồng rừng. Sau đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thì bà con mới tích cực tham gia trồng rừng. Riêng lực lượng của Ban thường xuyên túc trực để hướng dẫn người dân cách trồng, bảo vệ cây. Có nhân viên bị sốt rét nặng đến mức phải khiêng xuống núi chữa trị. Điều phấn khởi là cây thông hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên sinh trưởng, phát triển tốt. Nhiều cây thông được trồng từ năm 2001 có đường kính gốc 50-60 cm, cao 20-30 m. Những khu vực đồi núi trọc đã được hàng ngàn cây thông phủ xanh, tạo hệ sinh thái đa dạng và điều hòa khí hậu. Đây cũng là động lực để đơn vị tiếp tục triển khai công tác trồng rừng”-ông Phước cho hay.

Buồn vui dưới bóng thông xanh

Thật khó tìm ra nơi thứ 2 trong tỉnh có những rặng núi trùng điệp với ngàn thông vi vu trong gió như ở Ia Kreng. Mê đắm lòng người nhất là đỉnh đèo Ia Kreng với ngút ngàn thông xanh. Không chỉ đẹp, rừng thông còn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân nơi này. Khi những cơn mưa đầu mùa rơi xuống, dân làng rủ nhau vào rừng thông thu hái nấm. Loại nấm thơm dai này không chỉ giúp cải thiện bữa cơm các gia đình mà còn cho lại nguồn thu nhập khá.

“Nấm thông ngon lắm, tuyệt nhất khi nấu với thịt gà. Đầu mùa mưa, bà con tranh thủ hái về làm thức ăn hoặc bán. Có hôm trúng chỗ mọc nhiều, có người hái được gần chục ký, bán được vài trăm ngàn đồng. Nhờ đó mà nhiều gia đình có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống, mua đồ dùng học tập cho con cái”-ông Phước kể.

Không chỉ vậy, cộng đồng dân cư 3 làng Dip, Dôch 1, Dôch 2 còn được thụ hưởng nguồn tiền chi trả cho công sức quản lý bảo vệ rừng. Theo ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng: Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly giao khoán gần 8.000 ha rừng trồng cho hơn 100 hộ dân trong làng quản lý và bảo vệ; tiền nhận khoán là 300 ngàn đồng/ha/năm.

Thông phủ xanh ngọn đồi ở xã Ia Kreng. Ảnh: H.S

Thông phủ xanh ngọn đồi ở xã Ia Kreng. Ảnh: H.S

Dạo bước trong rừng thông rộng 30 ha mà gia đình được giao quản lý, già Siu Xem tâm sự: “3 năm nay, mình đăng ký nhận khoán 30 ha rừng thông. Do rừng nhận khoán gần rẫy nên công việc bảo vệ cũng thuận tiện. Hàng ngày, tranh thủ trước lúc làm việc nhà, mình đi tuần rừng, dặn mọi người không phá cây, gây cháy rừng. Vào tháng cao điểm thì đi tuần cả buổi tối. Những năm qua, diện tích rừng do mình quản lý không bị cưa hạ, hỏa hoạn. Mong là số tiền Nhà nước chi trả nhận khoán bảo vệ rừng cao hơn chút nữa để động viên thêm nhiều hộ dân cùng tham gia giữ rừng”.

Dưới tàng thông xanh thăm thẳm là các trạm gác của 4 tổ bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly. Chuyện trò với chúng tôi, anh Trương Duy Kha-Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng số 3-chia sẻ “Nghề này vất vả lắm. Cả năm, chúng tôi túc trực giữ rừng. Vào tháng cao điểm mùa khô, anh em đi bộ cả 10 km vào rừng để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy. Nếu nửa đêm phát hiện điểm cháy trên đỉnh núi cao là phải tức tốc có mặt để dập lửa. Trong khi đó, rừng thông rất dễ cháy, đôi khi chỉ một tàn thuốc bay cũng bắt lửa. Rừng thì mênh mông, người ít, lương cũng thấp nhưng trách nhiệm nặng nề. Tôi làm gần 20 năm nhưng lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Ấy vậy mà đã 2 lần bị kỷ luật do sơ suất để xảy ra cháy rừng. Chỉ mong là có cơ chế phù hợp để anh em yên tâm cống hiến cho công việc”.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly cho biết thêm: “Thời gian qua, nhiều du khách đến tham quan rừng thông. Cũng đã có doanh nghiệp khảo sát khai thác mủ thông nhưng chưa thực hiện do nhiều nguyên nhân. Còn về khó khăn là chung của ngành lâm nghiệp, chúng tôi động viên anh em trong cơ quan nỗ lực vượt lên để hoàn thành công việc, giữ bình yên cho những cánh rừng”.

Có thể bạn quan tâm

'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.