Ngăn ngừa nguy cơ phá hoại vệ tinh trên quỹ đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau gần 20 năm hoạt động trên quỹ đạo địa tĩnh, vệ tinh liên lạc viễn thông Intelsat 901 của Hãng Intelsat (trụ sở tại Virginia, Mỹ) bắt đầu lâm vào tình trạng hết nhiên liệu từ cuối năm 2019.
 
Dịch vụ sửa chữa vệ tinh trên quỹ đạo. ẢNH: NORTHROP GRUMMAN
Dịch vụ sửa chữa vệ tinh trên quỹ đạo. ẢNH: NORTHROP GRUMMAN
Nếu không can thiệp, Intelsat 901 đành phải trôi dạt đến “nghĩa địa” của các vệ tinh hết thời trên quỹ đạo trái đất, nằm ở độ cao vài trăm km so với những vệ tinh đang hoạt động, theo chuyên trang SpaceNews.
Tuy nhiên, may mắn là SpaceLogistics, công ty con của nhà thầu Northrop Grumman (Mỹ), đã kịp thời can thiệp. Hãng đã triển khai sứ mệnh MEV đầu tiên, gọi là MEV-1. Theo đó, MEV-1 là phi thuyền rô bốt được thiết kế để tiếp cận và bám vào vệ tinh Intelsat 901 vào ngày 25.2, trước khi khai hỏa hệ thống đẩy và đưa vệ tinh này quay lại quỹ đạo địa tĩnh bình thường.
Trong vòng 5 năm tới, MEV-1 sẽ tiếp tục đeo bám Intelsat 901 để duy trì vệ tinh ở quỹ đạo quy định. Sau thời gian này, cả hai sẽ quay lại “nghĩa địa” để Intelsat 901 có thể an toàn về hưu. Với thành công đầu tiên, SpaceLogistics tiếp tục phóng MEV-2 hồi tháng 8 và dự kiến phi thuyền này sẽ tiếp cận và kết nối với một vệ tinh Intelsat vào đầu năm sau. Thông qua các sự kiện trên, tạp chí WIRED dẫn lời một số chuyên gia nhận định rằng dịch vụ “giải cứu” vệ tinh sẽ ngày càng phát triển và đóng vai trò không thể thiếu được trong lĩnh vực viễn thông của thế giới. “Cho đến gần đây, mọi thứ diễn ra theo kiểu “chế tạo, phóng lên quỹ đạo, không chạm đến và vứt bỏ”, theo ông John Lymer, kiến trúc sư trưởng về rô bốt học và tự động của Hãng Maxar (trụ sở tại bang Colorado). Thế nhưng, ngành vệ tinh đang bước vào kỷ nguyên mới, khi mà các vệ tinh sẽ có thể được thay đổi, nâng cấp và thêm phụ kiện, thay vì trở nên lỗi thời và bị vứt đi.
Tuy nhiên, cần phải cảnh giác trước nguy cơ một công ty đối thủ hoặc thế lực không gian nào đó tìm cách tiếp cận và di dời trái phép vệ tinh của nước khác, hoặc theo dõi hoạt động và xâm nhập cơ sở dữ liệu của vệ tinh, hoặc cài thêm một phụ kiện nào đó để che camera của vệ tinh mục tiêu. “Đó là lý do thế giới cần nhanh chóng thiết lập những quy tắc hành xử cần thiết cho các hoạt động sửa chữa và nâng cấp vệ tinh, theo chuyên gia Brian Weeden của Quỹ an toàn cho thế giới (trụ sở tại bang Colorado), tổ chức vận động cho nỗ lực khai thác quỹ đạo và không gian an toàn cho tất cả mọi người.
Ông Weeden còn dẫn đầu một tổ chức phi lợi nhuận Confers, với mục tiêu thiết lập tiêu chuẩn cho ngành dịch vụ vô cùng mới mẻ này. Mới đây, Confers đã đưa ra cái gọi là bộ quy tắc ứng xử và đệ trình lên Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO). Bắt đầu từ năm ngoái, ISO cũng đã cân nhắc việc triển khai các hệ thống quy tắc tiêu chuẩn cho không gian, dựa trên nền tảng các đề xuất đã được thảo luận tại những hội nghị do Confers tổ chức tại Mỹ. Đến tháng 10 năm nay, Confers cũng chủ trì Diễn đàn trực tuyến về dịch vụ vệ tinh trên toàn cầu (GSSF) từ ngày 28 - 29.10. Trong khi Confers chờ đợi sự phản hồi của ISO, các thành viên của tổ chức này vẫn tuân thủ những quy định nhằm đảm bảo an toàn và ngăn ngừa nguy cơ do thám, phá hoại các vệ tinh trên quỹ đạo.
Theo Hạo Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm