Ngăn chặn lạm thu đầu năm học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần 4 năm trước, khi việc lạm thu ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh bị đưa lên mặt báo, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã phải triệu tập gấp một cuộc họp để tìm giải pháp chấm dứt tình trạng này với sự tham gia của lãnh đạo các Phòng GD-ĐT và nhiều trường. Theo một bài báo tường thuật lại cuộc họp này, Giám đốc Sở GD-ĐT khi đó là ông Phạm Ngọc Thạch đã phát biểu đầy tâm tư: “Tôi đi họp HĐND tỉnh, đại biểu họ “chửi” tôi ghê lắm. Họ nói là các ông nhà giáo bây giờ cứ nhặt được cái gì là nhặt, ôm được cái gì là ôm, không tha không thả cái gì. Tôi xấu hổ lắm. Mà các đồng chí ở đây nghe thấy có buồn không chứ riêng tôi thì thấy người ta nói đúng. Vì trường nào cũng thu tiền rất nhiều, nhiều khoản thu không chấp nhận được!”.
Có lẽ chưa khi nào và chưa ở đâu, người đứng đầu ngành GD-ĐT một địa phương lại dũng cảm thừa nhận về nạn lạm thu trong trường học như ông Phạm Ngọc Thạch, dù tình trạng này xảy ra ở khắp cả nước. Nhưng biết rõ việc lạm thu là một chuyện, ngăn chặn được tình trạng đáng buồn, đáng xấu hổ này hay không lại là một chuyện khác. Bằng chứng là đầu năm học nào, ngành GD-ĐT từ Trung ương đến địa phương cũng đều có văn bản chỉ đạo các trường học không được lạm thu, khẳng định sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm nhưng tình trạng này vẫn tồn tại dai dẳng. Ngay như ở tỉnh ta, hầu như năm nào cũng có chuyện phụ huynh “tố” nhà trường lạm thu. Khi ngành chức năng vào cuộc làm rõ, nhiều cán bộ, giáo viên đã bị kỷ luật; nhiều trường phải trả lại tiền lạm thu cho phụ huynh học sinh.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu trong trường học? Trước hết, nó xuất phát từ những ban giám hiệu nhà trường, những thầy-cô giáo thiếu sự liêm chính. Bởi lẽ, các khoản được phép thu trong nhà trường đều đã được ngành GD-ĐT và chính quyền các địa phương quy định rất rõ mà ban giám hiệu các trường và giáo viên không thể không biết. Nhưng một số lãnh đạo nhà trường và giáo viên vẫn cố tình đặt ra những khoản thu trời ơi đất hỡi như: tiền làm sân trường, tiền bảo dưỡng máy vi tính, tiền trang trí trường lớp, tiền quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh… Những khoản thu trái quy định này đều được “khoác bình phong” là “phụ huynh tự nguyện”, là “xã hội hóa giáo dục”.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng lạm thu là sự “đồng lõa” của chính phụ huynh, cụ thể là Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đây là tổ chức được hình thành mỗi năm học để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, nhà trường và đại diện cho cha mẹ học sinh trong lớp thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, vì muốn tạo quan hệ tốt với ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm để con mình được ưu ái, các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh đã biến thành “cánh tay nối dài” tiếp sức cho nhà trường trong việc phụ thu trái quy định. Hoặc nhiều phụ huynh vì tâm lý “qua sông phải lụy đò” nên cũng đành tặc lưỡi chấp nhận các khoản thu mà nhà trường gợi ý dù biết đó là sai quy định.
Để xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học cũng không thể không nói đến trách nhiệm của chính cơ quan quản lý ngành GD-ĐT, ở đây là sự lỏng lẻo, thiếu sâu sát trong công tác quản lý, thanh-kiểm tra. Trong thực tế, hầu hết những trường hợp lạm thu bị phát hiện đều do phụ huynh tố cáo, báo chí phanh phui chứ không phải do chính cơ quan quản lý ngành phát hiện qua hoạt động thanh-kiểm tra. Dường như ở nhiều nơi, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT quan niệm trách nhiệm của họ chỉ là ra văn bản chỉ đạo các trường không được lạm thu, còn thực hiện thế nào là chuyện của các trường.
Tình trạng lạm thu mỗi đầu năm học không chỉ khiến nhiều phụ huynh thêm gánh nặng kinh tế, gây bức xúc dư luận xã hội mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy trong mắt học sinh, phụ huynh. Để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này, tại Công văn số 3421/BGDĐT-VP ngày 8-8-2019 gửi Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố về việc triển khai một số hoạt động đầu năm học 2019-2020, Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý các sở “hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng “lạm thu”; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học”. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có công văn chỉ đạo Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố yêu cầu các trường học cam kết không thu các khoản ngoài học phí trái quy định; có hình thức xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm.
 LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Ô nhiễm không khí - hệ lụy nặng nề

Thời điểm cuối năm, ô nhiễm bụi đang ở mức cao, đặc biệt là ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM. Số ngày có chỉ số chất lượng không khí (IQAir) ở mức kém, xấu và rất xấu chiếm tỷ lệ khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Cần chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành đường sắt tốc độ cao

(GLO)- Theo chương trình, tuần này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Bên cạnh nguồn vốn, công việc cần được tiến hành song song là chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý, vận hành công trình với số lượng dự kiến có thể hơn 14 ngàn người.

Cách để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?