Nẻo về yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Những năm qua, nhiều trẻ em côi cút được nhận về nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai. Trong môi trường ngập tràn tình yêu, các em được bảo bọc, sẻ chia, được học tập để nên người.

Để rồi “ngôi nhà chung” cũng là nơi dang rộng vòng tay đón những đứa con côi cút năm nào giờ đã trưởng thành và trở về làm việc, tiếp nối hành trình gieo yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh.

Trong rất nhiều trẻ em đã trưởng thành tại Trung tâm thì đến nay có chị Kpă H’Ơi (SN 1989), chị Rơ Chăm Thuyên (SN 1994, hiện là nhân viên điều dưỡng Phòng Y tế-Phục hồi chức năng) và anh Rơ Châm Lực (SN 1995, nhân viên cấp dưỡng) lựa chọn trở về làm việc, như một cách đền đáp những gì mà mình đã được nhận.

Thay đổi cuộc đời

“Nếu không có Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, có lẽ cuộc đời của mình sẽ rất khác, không được hạnh phúc như bây giờ”-chị H’Ơi khẽ khàng mở đầu cuộc trò chuyện với tôi khi ngồi trước mái hiên của phòng làm việc. Chị là con út trong gia đình có 3 chị em tại buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa. Ba mẹ mất sớm, 3 chị em còn nhỏ, không biết bấu víu vào đâu ngoài ông bà ngoại đã già cả, túng thiếu.

Trước hoàn cảnh ấy, năm 2002, xã đã tạo điều kiện để đưa H’Ơi đến sinh sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. “Biết thân biết phận”, dù nhớ nhà nhưng cô bé H’Ơi vẫn cố gắng để hòa nhập với bạn bè, anh chị và mẹ nuôi.

Chị Kpă H’Ơi quay về Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh làm nhân viên điều dưỡng để được tiếp nối việc chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Ảnh: P.L

Chị Kpă H’Ơi quay về Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh làm nhân viên điều dưỡng để được tiếp nối việc chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Ảnh: P.L

“Từ chỗ thiếu thốn tình cảm, mình nhận được rất nhiều yêu thương của các anh chị, bạn bè, mẹ nuôi và các cô chú ở đây. Mọi người yêu thương, xem nhau như ruột thịt, chăm sóc từng li từng tí. Các mẹ nuôi không chỉ dạy học chữ mà còn dạy tụi mình cách ăn nói, lễ nghĩa. Cuộc đời mình cứ như được sang trang mới vậy”-chị H’Ơi bồi hồi kể.

Cũng trong suốt những tháng ngày ở đây, chị H’Ơi tự đặt cho mình một quyết tâm là phải cố gắng học tập, rèn luyện. “Chỉ có học hành mới giúp mình bớt khổ, mới không giống ba mẹ, ông bà của mình ở quê. Vì thế, dù học không giỏi nhưng mình luôn nỗ lực, cố gắng để không phụ lòng của thầy cô cũng như của mọi người”-chị H’Ơi tâm sự.

Trong ký ức của bà Đinh Thị Nguyên (SN 1954, nhân viên Phòng Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng) vẫn còn nhớ như in kỷ niệm về cậu bé Rơ Châm Lực. Lực mồ côi mẹ, lại là em út trong gia đình có 3 anh em ở làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ. Cha Lực bị bệnh tâm thần. Lúc phát bệnh, ông thường đuổi đánh con cái, đập phá đồ đạc. Vì thế, năm 2006, Lực được đưa đến Trung tâm sinh sống khi vừa 11 tuổi.

Thời điểm đó, Lực đã nghỉ học một thời gian dài sau khi học đến lớp 2. Thay đổi môi trường sống, ngày nào cậu bé cũng khóc đòi về nhà.

“Thấy cháu cứ hết khóc rồi ngồi lủi thủi một góc vì nhớ gia đình, tôi thương quá không biết làm sao, đành bỏ tiền túi 200 ngàn đồng gọi xe thồ chở Lực về nhà chơi vài ngày cho khuây khỏa rồi lại kêu xe thồ chở cháu về Trung tâm. Sau chuyến đi đó, Lực mới bắt đầu hòa nhập, vui vẻ ở lại sinh hoạt cùng các anh chị. Đặc biệt, Lực nấu ăn rất ngon, vẫn thường xuống bếp phụ mọi người công việc nấu nướng”-bà Nguyên nhắc nhớ.

Ở lại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, cậu bé Lực được tạo điều kiện để đến trường dù phải bắt đầu lại từ lớp 1. “Ban đầu, mình nản lắm vì nghỉ học lâu rồi, con chữ quên hết, lại thêm lớn tuổi hơn các bạn trong lớp. Nhưng về Trung tâm được các mẹ, các cô động viên, kèm cặp, mình lại cố gắng. Nhờ có tình yêu thương, sự tận tình của mọi người, mình mới có thể vượt qua quãng thời gian khó khăn đó”-anh Lực chia sẻ.

Anh Rơ Châm Lực cẩn thận nấu từng món ăn cho 130 người già, trẻ em đang sinh sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: P.L

Anh Rơ Châm Lực cẩn thận nấu từng món ăn cho 130 người già, trẻ em đang sinh sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Ảnh: P.L

Với chị Thuyên cũng tương tự. Được đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh sinh sống là một bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời chị. Chị là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh, chị em sinh sống tại làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Păh. Nhà thuộc diện hộ nghèo, cha mất sớm nên năm 2003, chị được tạo điều kiện đến sinh sống ở Trung tâm để mẹ đỡ phần nào vất vả.

“Lạ nước lạ cái, mình cũng nhớ nhà lắm chứ. Nhưng được các mẹ, các cô ở Trung tâm động viên, mình dần quen với nếp sinh hoạt tại đây. Không chỉ có cuộc sống đủ đầy hơn, mình còn nhận được sự yêu thương, đùm bọc của mọi người. Vì thế, nơi này đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của mình”-chị Thuyên bày tỏ.

Và, sau khi học xong ngành Điều dưỡng tại Trường Trung cấp Y Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai), giống như chị H’Ơi và anh Lực, năm 2017, chị Thuyên cũng chọn “quay về nhà” để làm việc.

Gieo mầm yêu thương

Khẽ nhấc bổng cô bé Tạ Thị Kim Ngân (SN 2020) rồi ôm vào lòng, chị H’Ơi đi về phía phòng tập phục hồi chức năng. Ngân bị người nhà bỏ rơi ngay trước cổng Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh cách đây gần 4 năm. Cô bé bị bại não, cơ thể cứ mềm nhũn, không thể tự mình hoạt động.

“Cứ tưởng là sẽ chỉ có thể nằm mãi một chỗ nhưng sau khi được tập vật lý trị liệu một thời gian, bây giờ, Ngân đã có thể bám nắm để đứng và di chuyển lên xuống bậc thang. Cổ của cháu cũng cứng cáp hơn và có thể làm chủ được động tác quay qua quay lại. Thấy Ngân như vậy, mình và các cô rất vui, cố gắng duy trì tập luyện hàng ngày cho cháu”-vừa kể chuyện chị H’Ơi vừa xoa bóp, massage đôi chân cho Ngân trước khi vào thực hiện các bài tập. Chị cũng không quên cưng nựng, dỗ dành cô bé tựa như một người mẹ.

Chị Kpă H'Ơi giúp cháu Tạ Thị Kim Ngân tập vật lý trị liệu, phát triển vận động. Ảnh: P.L

Chị Kpă H'Ơi giúp cháu Tạ Thị Kim Ngân tập vật lý trị liệu, phát triển vận động. Ảnh: P.L

Sau khi tốt nghiệp Khoa Điều dưỡng (Trường Trung cấp Y Gia Lai), năm 2012, chị H’Ơi được nhận về Trung tâm làm việc. Tại đây, chị vừa làm vừa tiếp tục học liên thông đại học ngành Điều dưỡng, đồng thời được tạo điều kiện cho bồi dưỡng nghiệp vụ phục hồi chức năng tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng như thi đậu biên chế.

“Mình chọn ngành Điều dưỡng cũng là nhờ các cô tại Trung tâm hướng nghiệp ngay từ khi còn học THPT. Suốt nhiều năm liền, nhìn cách các cô chăm sóc trẻ, chăm sóc người già, mình cũng mong muốn sẽ có ngày được làm những công việc đó. Vì thế, trở lại đây làm việc với mình là một niềm hạnh phúc, được đền đáp công ơn của nơi đã nuôi mình khôn lớn”-chị H’Ơi bộc bạch.

Giờ đây, công việc hàng ngày của chị H’Ơi là thăm khám sức khỏe, cấp phát thuốc, dọn vệ sinh, hỗ trợ tập vật lý trị liệu cho người già, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, trẻ em đau ốm… Không chỉ vậy, chị còn dành nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự cùng các ông bà, kèm cặp các em nhỏ.

Chị H’Ơi cho hay: “Có những ông bà gắn bó từ khi mình còn là cô bé sinh sống tại đây. Vì thế, họ cũng giống như ông bà, cha mẹ của mình. Còn với các em nhỏ, vì mình có hoàn cảnh tương tự nên đồng cảm với các em hơn, hiểu rõ những khó khăn mà các em đang gặp phải để tâm sự, uốn nắn, sẻ chia. Được ngày ngày ở cạnh, trò chuyện và chăm sóc mọi người, mình cảm thấy rất hạnh phúc”.

Tương tự, được trở về làm việc ngay trong môi trường đã quá thân thuộc là niềm vui khó tả đối với anh Lực. Phát huy sở trường, anh học nghề nấu ăn tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai). Sau khi tốt nghiệp, năm 2020, biết Trung tâm đang tuyển nhân viên cấp dưỡng, anh Lực liền đăng ký và được tạo điều kiện để vào làm việc.

“Ngày trước vẫn thường được các cô, các mẹ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ nên bây giờ được làm việc tại đây, mình thấy vui lắm. Mỗi ngày được tự tay chuẩn bị những món ăn ngon cho mọi người, mình đều cảm thấy hạnh phúc, cảm giác như đang nấu cho gia đình mình. Qua từng món ăn, mình cũng muốn gửi gắm lòng biết ơn đối với những tháng ngày được nuôi dưỡng, lớn lên tại nơi này”-anh Lực xúc động.

Anh Rơ Châm Lực cùng mọi người trong Trung tâm trồng rau xanh nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ảnh: P.L

Anh Rơ Châm Lực cùng mọi người trong Trung tâm trồng rau xanh nhằm cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ảnh: P.L

Vui mừng hơn hết chính là bà Nguyên. Gần 30 năm gắn bó với Trung tâm, tận tay chăm sóc, dạy bảo, chứng kiến bao đứa trẻ trưởng thành, bà không khỏi xúc động khi thấy chị H’Ơi, anh Lực và chị Thuyên trở về đây làm việc. Từng là “người con”, giờ đây họ trở thành đồng nghiệp của bà.

“Tôi không nghĩ những đứa trẻ ngày nào nay đã khôn lớn, trưởng thành như vậy. Các cháu trở về đây làm việc thật đáng mừng bởi tôi cảm nhận rằng “hạt mầm” yêu thương mà mình gieo bao lâu nay đã đến ngày “hái quả”-bà Nguyên rưng rưng nói.

Còn đối với bà Phạm Thị Cứu (78 tuổi, quê Nam Định), ngày ngày, đón nhận sự chăm sóc chu đáo từ sức khỏe đến từng bữa ăn, giấc ngủ bởi những đứa cháu mà bà chứng kiến lớn lên từng ngày, cũng hạnh phúc không kém.

“Tôi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh gần 30 năm rồi nên coi đây là nhà của mình, coi H’Ơi, Thuyên và Lực như cháu ruột của mình. Có các cháu thường xuyên trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe cũng giúp tôi vơi đi nỗi buồn tuổi xế chiều”-bà Cứu bày tỏ.

Chị Kpă H'Ơi thường xuyên dành thời gian để chuyện trò cùng với mọi người trong Trung tâm. Ảnh: P.L

Chị Kpă H'Ơi thường xuyên dành thời gian để chuyện trò cùng với mọi người trong Trung tâm. Ảnh: P.L

Bà Nông Thị Châm-Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh-cũng không giấu được niềm vui khi nhắc đến 3 “đứa con” bây giờ đã trở thành nhân viên: “Điểm xuất phát của các cháu vốn đã thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác nên khi nhìn thấy các cháu nỗ lực học hành và đạt được kết quả như hôm nay, những người công tác tại đơn vị đặc thù như chúng tôi ai cũng tự hào.

Các cháu quay trở về làm việc không chỉ mang theo trách nhiệm, sự tận tâm mà cả những tình cảm gắn bó thân thiết bao năm với “ngôi nhà chung” này. Hy vọng là các chế độ, chính sách dành cho các cháu sẽ ngày càng được quan tâm cải thiện để các cháu yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nơi này, tiếp tục gieo “hạt mầm” yêu thương cho những mảnh đời không may mắn”.

*

Nắng chiều vàng rực trải thảm trên những tán cây xanh, những tia sáng lọt qua kẽ lá khẽ nhảy nhót trên sân của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Bên hiên những dãy nhà, các cụ già ngồi nghỉ ngơi, thảnh thơi hóng mát. Tiếng nhạc thiền khe khẽ khiến không gian càng thêm vẻ thanh bình, an tịnh…

Tôi chào tạm biệt ra về khi chị H’Ơi vẫn đang chăm chú trò chuyện với các cụ già, anh Lực thì tất bật vào bếp để chuẩn bị bữa cơm chiều. Nhịp sống cứ thế trôi qua, yêu thương càng thêm đong đầy.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.