Nặng tình với chiến trường xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù vất vả, khó khăn nhưng các bác sĩ từ Hà Nội đã tạm gác việc riêng để tình nguyện vượt hơn 1.000 km vào Tây Nguyên khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho người nghèo nhằm tri ân nơi đã bao bọc, chở che mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trưởng thành từ Tây Nguyên
Cách đây hơn 40 năm, PGS-TS. Đinh Ngọc Sỹ-nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương là lính quân y của Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) phục vụ chiến đấu tại chiến trường Bắc Tây Nguyên. Khi trở lại chiến trường xưa để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại 2 xã Ia Kla và Ia Lang (huyện Đức Cơ), ông đã không giấu được xúc động: “Trong chiến tranh, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã che chở, đùm bọc và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Chiến tranh kết thúc, mỗi người chọn một công việc riêng để lập thân, lập nghiệp. Nhưng chúng tôi, những người lính của Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320) không thể nào quên mảnh đất gian khổ, ác liệt trong chiến tranh mà vẫn thắm đượm tình thương yêu, che chở của bà con các dân tộc. Ở đây còn có những đồng đội của chúng tôi mãi mãi nằm lại. Vì vậy, trở lại chiến trường xưa để được tri ân luôn là mong ước của chúng tôi”.
Nhiều người trong đoàn bác sĩ tình nguyện tham gia khám bệnh, cấp thuốc miễn phí đợt này từng nắm giữ trọng trách tại các bệnh viện nổi tiếng của Trung ương và ngành. Khi trở lại chiến trường xưa, họ đã không cầm được nước mắt vì thương nhớ đồng đội xen lẫn nỗi bùi ngùi xúc động lúc được gặp lại những người đã một thời cưu mang, giúp đỡ mình. Gạt những giọt mồ hôi trên trán sau khi khám bệnh cho người dân, GS-TS.Vũ Bằng Đình-nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 108-cho biết: “Chúng tôi trở lại Đức Cơ với mong muốn được xoa dịu một phần nỗi đau bệnh tật của bà con, đồng thời thắp nén nhang kính báo với đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh trên mảnh đất này”.
 GS-TS Vũ Bằng Đình khám bệnh cho người dân. Ảnh: V.H
GS-TS Vũ Bằng Đình khám bệnh cho người dân. Ảnh: V.H
Từng tham gia chiến đấu cùng đồng đội làm nên chiến công vang dội tại căn cứ Chư Bồ (huyện Đức Cơ), Đại tá Khuất Duy Hoan-nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3-luôn cảm thấy mình mắc nợ với đất và người nơi đây. “Trong chiến tranh, nhiều đồng đội của chúng tôi đã mãi mãi nằm lại với đất trời Tây Nguyên, trong vòng tay của đồng bào các dân tộc. Chính vì thế, khi về hưu, chúng tôi đã nguyện cùng nhau chung sức, đồng lòng góp chút vật chất để có chuyến hành trình về lại chiến trường xưa. Chuyến khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà lần này có tổng giá trị hơn 400 triệu đồng, là kinh phí anh em tự bỏ ra và kêu gọi một số nhà hảo tâm”-Đại tá Khuất Duy Hoan chia sẻ.
“Bà con mình vui lắm!”
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân của xã Ia Kla đã có mặt tại trụ sở UBND xã để được khám bệnh, cấp thuốc. Ở tuổi 75, ông Rơ Lan Phăn (làng Sung Kép) thường xuyên bị bệnh khớp hành hạ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông không đi bệnh viện để điều trị. “Khi nghe tin có các bác sĩ giỏi từ Hà Nội vào khám bệnh, mình mừng lắm, sáng bảo con chở đến thật sớm để được khám bệnh”-ông Phăn tâm sự.
Còn ông Siu Thing (làng Phang, xã Ia Lang) thì cho hay: “Mình rất vui vì được các bác sĩ thăm khám tận tình, cấp thuốc rồi tặng quà nữa. Hỏi ra thì mới biết đây là nơi ngày trước họ từng chiến đấu, được bà con che chở. Người dân làng mình vui lắm, dù các bác sĩ ở thủ đô xa xôi nhưng vẫn không quên nghĩa tình của vùng đất này”.
Với mong muốn tri ân nhân dân nơi đây, các bác sĩ quân y khóa 67 Học viện Quân y và những người bạn đã vượt hơn 1.000 km để đến khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho hơn 500 hộ dân tại 2 xã Ia Kla và Ia Lang. Lần đầu tiên được đến với Tây Nguyên, chị Đặng Thị Mai Hạnh (SN 1997), sinh viên một trường đại học Y ở Hà Nội, chia sẻ: “Tôi rất tự hào vì được tiếp bước các thế hệ cha anh đi trước vào Tây Nguyên để đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi đây. Tôi càng khâm phục các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ trong đoàn tình nguyện này bởi dù tuổi trẻ gắn với chiến tranh nhưng họ vẫn cố gắng học tập, công tác để trở thành những chuyên gia đầu ngành. Hình ảnh những bác sĩ già mặc áo lính tận tụy tri ân nhân dân các dân tộc nơi đây là động lực để tôi cố gắng học tập tốt hơn”.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.