Nặng lòng với bệnh nhân nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm nào bác sĩ Trương Huyền Trường cũng tổ chức các chuyến khám bệnh tận thôn bản, kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ từng bữa ăn, tiền xe cho bệnh nhân nghèo
Suốt quá trình công tác trong lĩnh vực điều trị lao và bệnh phổi, bác sĩ (BS) Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị, đã lặng lẽ đặt dấu chân mình khắp các bản làng vùng cao, vùng khó khăn để khám chữa bệnh, hỗ trợ người nghèo. Dịch Covid-19 bùng phát, BS Trương Huyền Trường lại đứng mũi chịu sào trong công tác chữa bệnh suốt 2 năm qua.
Thầm lặng ở tuyến đầu
Cho đến khi chính BS Trương Huyền Trường cũng có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 thì tập thể thầy thuốc ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị đã trải qua 2 năm thực hiện song song nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 và phòng chống lao, bệnh phổi cho người dân trên toàn tỉnh Quảng Trị.
Hôm tôi gọi điện, dù đang trong những ngày đối mặt với bệnh tật, BS Trương Huyền Trường vẫn tận tình hỏi thăm khi ngỡ tôi là bệnh nhân cần giúp đỡ. "Nhiều bệnh nhân vẫn gọi điện thoại nhờ tôi tư vấn. Có sự hướng dẫn của mình, bà con yên tâm hơn. Vì thế, lúc nào tôi cũng để điện thoại gần mình nhất để kịp thời nghe máy" - BS Trường nói.

Bác sĩ Trương Huyền Trường tặng hoa chúc mừng bệnh nhân điều trị lành bệnh, được xuất viện. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Bác sĩ Trương Huyền Trường tặng hoa chúc mừng bệnh nhân điều trị lành bệnh, được xuất viện. Ảnh do nhân vật cung cấp
Hai năm qua, kể từ ngày Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, hàng trăm bệnh nhân đã được tiếp nhận, nhiều ca bệnh nặng. Đợt dịch bùng phát mạnh trong những ngày tháng 9-2021, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị tiếp nhận và cả đỡ đẻ thành công cho trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Các y - bác sĩ làm việc ở đây lại phải đi xin từng giọt sữa mang vào để nuôi trẻ.
BS Trường nói: "Chúng tôi luôn xem bệnh nhân là người thân. Không chỉ làm nhiệm vụ khám chữa bệnh mà còn hỗ trợ họ trong tất cả các sinh hoạt, ăn uống, làm điểm tựa tinh thần để người bệnh vững tâm vượt qua nỗi lo lắng.
Nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, BS Trương Huyền Trường cùng đội ngũ y - bác sĩ Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn nguy hiểm, nhiều tháng trời không được gặp gia đình, xa con nhỏ. Mỗi ngày 24 giờ, họ loanh quanh từ phòng nghỉ rồi buồng bệnh, hết tua thì cách ly, hết cách ly lại vào tua trực. Không chỉ vậy, họ còn phải chăm lo cho bệnh nhân từ bữa ăn đến các sinh hoạt cá nhân khác.

Bác sĩ Trương Huyền Trường cùng các đồng nghiệp hội chẩn cho bệnh nhân
Bác sĩ Trương Huyền Trường cùng các đồng nghiệp hội chẩn cho bệnh nhân
Chị Hoàng Ngọc Thảo, nhân viên bệnh viện, kể: "Vất vả vậy nhưng bên cạnh chúng tôi luôn có sự động viên, hỗ trợ kịp thời từ BS Trường. Ông lặng lẽ nhưng gần gũi như một người cha, luôn nhắc nhở mọi người giữ gìn sức khỏe, ăn uống đúng giờ để cùng nhau chiến đấu. Nhiều bữa, ông cùng nhân viên ngồi bệt bên hành lang, cùng nhau ăn bữa cơm trưa khi đã xế chiều. Sự động viên của ông giúp chúng tôi vượt qua khó khăn và có thêm động lực".
Đi vì thương bà con
Ông Hồ Văn Rao (61 tuổi; ngụ thôn Prăng Xy, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa) thuộc diện hộ nghèo, đông con. Đời sống kinh tế của gia đình ông dựa vào nương rẫy. Nhận kết quả xét nghiệm mắc bệnh lao với ông Rao là một cú sốc.
"Tui bị bệnh trong hoàn cảnh nghèo nên rất buồn chán. Vay mượn được mấy chục đồng làm lộ phí về tỉnh chữa trị mà trong bụng lo lắng vì không biết lấy đâu ra tiền ăn ở. May được BS Trường quan tâm hỏi han, động viên, rồi Ban Công tác xã hội của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị hỗ trợ nên tui an tâm chữa bệnh. Bây giờ tui đã khỏe hơn rồi, được về nhà và có thể phụ vợ con chăm lo nương rẫy kiếm cái ăn" - ông Rao bộc bạch.
Trong nhà sàn cũ nát ở bản Tà Rẹc, xã Ba Nang (huyện Đakrông), hai năm trước cậu bé Hồ Văn Lưu (SN 2009) ngồi tựa cửa sổ buồn bã nhìn bạn bè cùng trang lứa chơi đùa trên sân. Nhà nghèo, cha mẹ làm rẫy nuôi 5 anh em. 12 tuổi nhưng Lưu chỉ nặng 17 kg với chẩn đoán lao xương khớp/lao phổi AFB dương mới/suy dinh dưỡng nặng.
Ông Hồ Văn Mày, cha của Hồ Văn Lưu, nói: "Hôm BS Trường lên tận bản khám rồi khuyên cho cháu về viện tỉnh, tui bế con mà trong bụng nghĩ đến tình huống xấu. Nhưng rồi ngày nào BS Trường cũng hỏi thăm, hướng dẫn. Chi phí sinh hoạt quá trình điều trị hơn 3 triệu đồng cũng đều do BS Trường và bệnh viện hỗ trợ. Ba tuần sau đó thì được xuất viện về nhà. BS Trường và các y - bác sĩ ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị đã sinh ra con tui lần thứ hai".
Đó chỉ là 2 trong số hàng ngàn bệnh nhân nghèo đã được BS Trường và tập thể thầy thuốc ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị hỗ trợ.

BS Trương Huyền Trường đến tận giường bệnh động viên bệnh nhân mắc Covid-19
BS Trương Huyền Trường đến tận giường bệnh động viên bệnh nhân mắc Covid-19
BS Trịnh Đức Thiện, Trạm trưởng Trạm Y tế xã A Vao (huyện Đakrông), nhớ như in suốt mấy chục năm bám bản, BS Trường vẫn luôn đồng hành bên ông mỗi năm đôi ba lần để rà soát xét nghiệm cho bệnh nhân lao. "Năm nào hai anh em cũng có chuyến đi vào tận các bản làng, từ Pa Lin cho đến A Sau - những nơi hiểm trở nhất của vùng biên giới này. Nơi nào ôtô, xe máy không đi được thì gùi y cụ trên vai, cuốc bộ. Nhiều bữa gặp mưa rừng xối xả, hai anh em lần từng bước một. Đói và mệt lả nhưng khi đến nhà bệnh nhân, BS Trường vẫn nhẹ nhàng, ân cần hỏi thăm và khám bệnh cho bà con. Nhìn hình ảnh ấy không ai nghĩ ông là người lãnh đạo của một bệnh viện tuyến tỉnh. Đó cũng là động lực cho tôi bám bản với bà con đến bây giờ" - ông Thiện bộc bạch.
Năm 1988, tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược Huế, trở về quê, BS Trường nhận nhiệm vụ về làm bác sĩ ở Trạm Chống lao của tỉnh Quảng Trị. Nghề y có nhiều chuyên khoa, sao lại chọn khoa khó và khổ nhất? Nhiều người thân, bạn bè mỗi lần gặp BS Trường vẫn hỏi câu này. Đáp lại là nụ cười thân thiện của ông: "Đã theo nghề, nơi nào cần thì mình đi. Bình thường thôi, không phải băn khoăn gì".
Những năm tháng ấy, BS Trường không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần ngược lên các bản làng ở miền núi Hướng Hóa để khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhớ nhất là chuyến đi kéo dài suốt hai tháng vào các bản làng ở hai xã Mò Ó và Hướng Hiệp (thuộc huyện Hướng Hóa lúc bấy giờ). Đi bộ, với một đôi dép mỏng. Trang thiết bị, thuốc men, y cụ đều gùi trên lưng. Đi từ bản này qua bản khác để khám, xét nghiệm và cấp thuốc tại chỗ. Sau chuyến công tác đó, khi về đến nhà thì con gái thứ 2 của BS Trường đã chào đời được 5 ngày.
Có những chuyến đi lên bản phải mất đến 5 ngày nhưng chỉ để thăm khám cho một bệnh nhân. "Đi vì thương bà con. Nếu mình không đi thì bệnh nhân dễ nản, vì quy trình điều trị bệnh này lâu dài trong khi điều kiện kinh tế lại khó khăn" - BS Trường lý giải. Sau này, khi xin đầu tư được máy chụp X-quang di động, BS Trường lại cùng các y - bác sĩ mang đến tận các thôn bản để khám miễn phí, giúp người dân đỡ được chặng đường hàng trăm cây số nhọc nhằn đi về trung tâm tỉnh.
Thấu cảm trước sự thiếu thốn của đồng bào, năm nào BS Trường cũng tổ chức các chuyến khám sàng lọc tận thôn bản cho người dân miền núi. Biết người dân khó khăn, đích thân ông đứng ra kêu gọi anh em đồng nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ từng bữa ăn, tiền xe đi về cho người bệnh. Rồi làm đơn trình các cấp xin kinh phí cho người bệnh bồi dưỡng trong quá trình điều trị.
"Bây giờ, công tác phòng chống và chữa bệnh liên quan đến lao, bệnh phổi đã đỡ vất vả hơn nhiều rồi. Chúng tôi tập huấn cho hệ thống y tế thôn bản ở các xã để họ chủ động báo lại cho mình rồi cấp thuốc luôn để họ cấp cho bệnh nhân và giám sát hỗ trợ chữa bệnh. Nhờ kịp thời trong giám sát và điều trị nên tỉ lệ lao đa kháng thuốc ở Quảng Trị rất thấp" - BS Trương Huyền Trường phấn khởi cho biết. 
Từ một bác sĩ trẻ đảm nhận nhiệm vụ điều trị bệnh lao trên địa bàn tỉnh cho đến khi giữ các vị trí quản lý như Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội rồi Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị, BS Trương Huyền Trường luôn nhận về mình phần vất vả để thực hiện bằng được nhiều dự án phòng chống lao cho người dân, mang lại hiệu quả. Hơn 30 năm qua, ông đã chọn việc yêu người để dưỡng nghề y.
Phan Vĩnh Yên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.