Nạn buôn bán ngà voi và nỗi đau đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong thế giới ngầm buôn lậu, buôn bán ngà voi và các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD) mang lại siêu lợi nhuận chỉ sau buôn người, ma túy… Điều này lý giải vì sao việc kinh doanh phạm pháp này ngày càng phức tạp. Những ngày đi dọc Tây Nguyên và thâm nhập thủ phủ vàng Phước Sơn (Quảng Nam), chúng tôi tận thấy những phần nổi trong tảng băng chìm của nạn buôn bán ngà voi.
Cơ quan chức năng và nhiều tổ chức bảo tồn ĐVHD đều nhận định, mức xử phạt cho hành vi tàng trữ, mua bán, chế biến ngà voi rất nghiêm khắc, có tính răn đe. Một cán bộ công an tỉnh Đắk Lắk cũng dẫn chứng có người chồng từng “xin” đừng tiết lộ số tiền nộp phạt cho người vợ biết vì sợ vợ… xỉu. Nhưng thực tế, “thủ phủ voi” của cả nước vẫn diễn ra hoạt động mua bán hàng cấm công khai, thách thức pháp luật.
Công khai cắt lông đuôi voi
Trung tuần tháng 6, tôi có dịp tham gia chuyến khảo sát thực địa nạn buôn bán ngà voi do PanNature (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) tổ chức đi các tỉnh Tây Nguyên và thủ phủ vàng Phước Sơn (Quảng Nam). Cuộc khảo sát được tiến hành sau khi Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Đắk Lắk) ra quân kiểm tra 20 cơ sở kinh doanh (tiệm trang sức, đồ mỹ nghệ, cửa hàng bán đồ lưu niệm trên địa bàn tỉnh), thu giữ hơn 2.000 sản phẩm trang sức từ ngà voi, răng nanh, móng vuốt động vật…; 7 cơ sở bị xử phạt với tổng mức tiền hơn 2,1 tỷ đồng.

Băng rôn được treo ngay tại khu du lịch Buôn Đôn
Băng rôn được treo ngay tại khu du lịch Buôn Đôn
Cứ ngỡ sau đợt ra quân và xử phạt nghiêm khắc ấy, các đối tượng buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ ĐVHD sẽ co lại, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Chúng tôi hòa theo dòng người đến xứ sở voi Buôn Đôn (Đắk Lắk)- nơi nổi tiếng với giai thoại săn bắt thuần dưỡng voi độc nhất vô nhị của cả nước. Vừa đặt chân đến Trung tâm du lịch Buôn Đôn, đập vào mắt chúng tôi là bảng băng rôn ghi dòng chữ rõ to: “Nói không với việc sử dụng sản phẩm từ voi”. Thế nhưng, khi bước qua cây cầu treo vắt ngang sông Sêrêpôk chúng tôi tận thấy màn cắt lông đuôi voi trực tiếp từ những chú voi đang ì ạch chở khách lội sông ngắm cảnh.
Thiếu tá Nguyễn Thế Anh- cán bộ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong lúc xử phạt, một người chồng là chủ cơ sở kinh doanh có tàng trữ dưới 300g ngà voi xin không nói cho vợ biết số tiền phạt hơn 100 triệu đồng vì sợ vợ… xỉu. Bởi họ không nghĩ bán những sản phẩm nhỏ lẻ như vậy lại đối mặt với mức phạt quá cao. Thiếu tá Anh kiến nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định, chế tài xử phạt liên quan đến hành vi buôn bán ĐVHD nói chung và các sản phẩm từ ngà voi, động vật quý hiếm để người dân biết, chấp hành, tránh vi phạm.
Khi ấy, một anh khách cao to đồng ý mua lông đuôi voi với điều kiện phải cắt từ con voi để minh chứng hàng thật. Nài (người điều khiển) voi nhanh nhảu chào hàng 1 sợi 300.000 đồng, mua 2 sợi giảm còn 500.000 đồng. Vị khách chốt kèo, màn cắt lông đuôi voi diễn ra công khai trước sự chứng kiến của nhiều du khách. Hàng chục chiếc điện thoại thông minh chĩa về phía nài voi đang hành sự.
Tôi cứ ngỡ màn cắt lông đuôi voi chỉ bột phát chiều theo nhu cầu của khách. Nhưng không, anh bạn nài voi tiếp tục mồi chài những vị khách khác và cả tôi bởi sáng giờ mới bán được 2 sợi. Một người đàn ông làm nhân viên ở điểm du lịch này cũng chớp thời cơ lấy trong túi bao đựng lông đuôi voi dài ngoằng đã cắt sẵn ra chào hàng từ 300.000-350.000 đồng /sợi. Chưa hết, ông ta có cả 1 túi nhẫn màu trắng bán với giá 350.000-450.000 đồng /chiếc. Người đàn ông khẳng định 100% nhẫn ngà voi thật, nếu muốn kiểm chứng chỉ cần để dưới ánh sáng, sẽ thấy rõ từng đường vân. Vị này tiết lộ có hàng to hơn, sẵn sàng bán nếu khách có nhu cầu, tuy nhiên khá e dè với người lạ vì sợ bị bắt.

Nài voi cắt lông đuôi voi trực tiếp bán cho khách
Nài voi cắt lông đuôi voi trực tiếp bán cho khách
Tại các tiệm bán đồ lưu niệm cũng bày bán đủ loại trang sức: Nhẫn, vòng, bông tai, mặt dây chuyền rất giống với ngà voi. Có sản phẩm được giới thiệu làm từ xương voi. Khi chúng tôi hỏi đồ làm từ ngà voi thật, một nữ chủ cửa hàng bật chế độ “camera 2 mắt” quét từ đầu xuống chân. Thấy đủ tin tưởng, người này mở chiếc túi bí ẩn chứa đủ loại trang sức được cho là hàng ngà voi thật. Người này lý giải, không dám bày ra nhiều vì lực lượng chức năng mới kiểm tra, tịch thu rất nhiều hàng. Trong mớ trang sức lấp lánh được giới thiệu 100% ngà voi thật ấy, có loại đã được bọc thêm bạc; có loại nguyên chất để khách tùy ý lựa chọn. Cho khách xem chiếc vòng ngà voi to trị giá hơn 10 triệu đồng, nữ chủ quán giới thiệu hàng hiếm, nếu mua sẽ được ship tận nơi. Thấy khách chưa ưng cái bụng, chủ cửa hàng rót vào tai những tác dụng thần kỳ: Trừ tà, thải độc, may mắn…

Các sản phẩm được làm từ voi bán tại các điểm du lịch Đắk Lắk
Các sản phẩm được làm từ voi bán tại các điểm du lịch Đắk Lắk
Ở quầy bán hàng lưu niệm khác, chúng tôi cũng được giới thiệu những món trang sức tinh xảo được cho làm từ ngà, lông đuôi voi.
Cắt ngà voi trực tiếp
Tạt vào quán nước ven đường gần khu du lịch huyện Buôn Đôn hỏi thăm, chúng tôi được giới thiệu đến gặp 1 chủ voi ở xã Ea Huar. Người chủ này đang sở hữu một voi đực có cặp ngà rất đẹp. Khi ngà voi dài ra, họ sẽ cắt bán, đó mới là hàng chuẩn. Lần theo địa chỉ, chúng tôi liên hệ được với chủ voi H.L. Người phụ nữ này cho biết đang có sẵn chiếc ngà nguyên khối nặng hơn 3kg bán giá 30 triệu đồng/kg. Người này khẳng định chắc nịch hàng nhà nuôi được nên không có chuyện giả hay hàng châu Phi. “Nếu em đồng ý mua thì giao dịch trực tiếp. Chị không gửi xe vì hàng này không ai dám nhận chuyển, chưa kể, lỡ bị tráo hàng. Nếu em sợ, chị sẽ xin giấy xác nhận biếu tặng của chính quyền cho yên tâm. Chị cũng từng bán và xin giấy xác nhận cho khách rồi. Nhà chị có voi, đi xin người ta mới cho giấy đi đường, chứ không có voi làm sao xin được”, người chủ trấn an.

Đủ loại trang sức được giới thiệu làm từ ngà voi
Đủ loại trang sức được giới thiệu làm từ ngà voi
Rời xứ sở voi Bản Đôn, chúng tôi xuôi theo Quốc lộ 27 về thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, Đắk Lắk). Bình nguyên mênh mông rộng lớn này từng phô diễn những thớt voi hùng dũng phục vụ vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của triều Nguyễn) trong những chuyến đi săn. Giờ đây, địa danh này trở thành điểm thu hút khách du lịch tứ phương nhờ “đặc sản” hồ Lắk hữu tình, ẩm thực truyền thống và cả dịch vụ cưỡi voi (đang được chính quyền và các tổ chức bảo tồn nỗ lực chấm dứt, chuyển sang du lịch thân thiện-PV). Do đó, địa điểm này được nhiều tổ chức bảo tồn ĐVHD tổ chức các đợt tuyên truyền, ký cam kết không mua bán, tàng trữ các sản phẩm từ động vật trong đó có ngà voi. Tuy nhiên, dạo quanh một số cửa hàng lưu niệm, chúng tôi vẫn phát hiện nhiều sản phẩm được giới thiệu chế tác từ ngà voi thật. Đơn cử, tại cửa hàng M.P., chúng tôi được cho xem nhiều móng vuốt hổ, móng gấu còn dính nguyên lông được khẳng định hàng rừng 100%; ngoài ra còn nhiều món trang sức được cho giới thiệu chế tác từ ngà voi như: Vòng, nhẫn, mặt dây chuyền…, có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/chiếc. Nữ chủ quán đảm bảo hàng thật và khách du lịch cũng mua khá nhiều.
Ở một cửa hàng khác tại thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) cũng giới thiệu đủ sản phẩm từ voi 100%. Nếu khách có nhu cầu, vị chủ này sẽ bán cả khúc ngà còn nguyên trên con voi với giá 40 triệu đồng/kg.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hưng- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết, Việt Nam đã gia nhập Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) từ rất lâu. Tất cả các mặt hàng liên quan đến ĐVHD như voi đều là hàng cấm, không được mua bán, trao đổi. “Bây giờ tôi mới nghe việc xin giấy xác nhận ngà voi nhà để mua bán, trao đổi. Đây là hàng cấm, nếu cấp giấy như trên là không đúng, có thể bị xử lý”, ông Hưng nói.
(Còn nữa)
Theo ĐĂNG QUANG (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.