"Nằm ngửa thấy Trần Kiên…"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm 80 của thế kỷ trước, dân Gia Lai-Kon Tum và Đak Lak thường lan truyền rộng rãi câu: “Nằm ngửa thấy Trần Kiên, nằm nghiêng thấy Đỗ Mười”. Một ông từng là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum và Đak Lak, một ông từng là Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Cả 2 ông đều rất liêm khiết, hết lòng vì Đảng, vì dân, vì nước đến quên cả bản thân.
Nói về cố Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum cũ, cán bộ, công nhân viên chức cùng thời, cùng đi công tác với ông đều nhắc lại nhiều câu chuyện về ông với sự khâm phục và kính trọng. Bí thư Trần Kiên thường đi công tác cơ sở, đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hồi ấy, đường sá chủ yếu là đường đất, mùa khô bụi bay mù trời, mùa mưa xe luôn bị lún lầy nên phải thường xuyên mang cuốc xẻng, dao rựa theo để khắc phục. Mỗi chuyến đi, xe và người đầy bùn đất như ra trận thời chiến tranh. Việc lội bộ hàng buổi đường là chuyện như cơm bữa. Với những cán bộ chưa từng trải qua kháng chiến, để theo kịp đôi chân của ông không phải dễ. Hễ đi công tác là ông mang theo tăng võng, cơm nắm, xăn quần quá đầu gối, đến tận thôn làng, vào từng ngôi nhà, góc bếp thăm hỏi bà con. Từ đó, ông cùng Tỉnh ủy, các ban ngành vận động người dân tham gia khai hoang, xây dựng đồng ruộng, làm thủy lợi, học cày bừa, cấy ruộng nước, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, lập các đội thu mua làm nông thổ sản cho bà con… Nhiều mô hình VACR, hợp tác xã kiểu mẫu cùng nhiều công-lâm trường, xí nghiệp mọc lên khắp trên địa bàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũ.
 Ông Trần Kiên (thứ hai từ trái sang) trong một chuyến công tác tại Khu 5 năm 1973. Ảnh: tư liệu
Ông Trần Kiên (thứ hai từ trái sang) trong một chuyến công tác tại Khu 5 năm 1973. Ảnh: tư liệu
Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông được Trung ương điều sang làm Bí thư Tỉnh ủy Đak Lak. Tỉnh Gia Lai-Kon Tum tặng ông chiếc xe ô tô loại “xịn” nhất của tỉnh thời ấy. Ông chối từ: “Xin cảm ơn các đồng chí! Nhưng tui sang Đak Lak làm Bí thư, chớ không sang để đi chơi! Tui chỉ xin mượn các đồng chí một chiếc xe U oát. Nhờ đồng chí lái xe chở vợ chồng tôi cùng 2 chiếc va li. Tất cả “gia tài” tui chỉ có dzậy! Đến nơi, tui xin trả lại xe cho các đồng chí!”.
Nói rồi, ông rơm rớm nước mắt. Ông sắp phải xa, tạm xa các đồng chí từng đồng cam cộng khổ, từng cùng công tác trong những năm kháng chiến chống Mỹ và những năm sau hòa bình thống nhất đất nước. Tuy ông không nói ra nhưng ta hiểu ngầm “gia tài tui” có ẩn nghĩa là: Vợ ông và 2 chiếc va li. Ngoài ra, ông không có gì cho riêng mình, bởi ông không có con cái.
Đúng như lời ông nói, ông không vào Đak Lak để “đi chơi”. Vừa chân ướt chân ráo, ông đã phát động toàn dân Đak Lak: “Người người, nhà nhà trồng cà phê” và xen canh cây mì để lấy ngắn nuôi dài. Xưa nay, dân Đak Lak ít trồng mì nên thiếu hom giống. Trong khi đó thời chống Mỹ, Kon Tum có phong trào làm “rẫy mì cách mạng” rất rầm rộ nên gần như làng xã, rừng núi nào cũng ngập tràn cây mì, nay trở thành cây mọc hoang nhiều vô kể. Ông huy động hàng chục xe Ba-lua, hàng trăm nhân công cơm nắm gạo đùm mở chiến dịch lên Kon Tum lấy hom mì.
Rồi ông được Trung ương điều ra Hà Nội giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông có câu nói nổi tiếng: “Không thực hiện công tác kiểm tra coi như không thực hiện nghị quyết của Đảng”. Ông thường hay về thăm tỉnh nhà, góp nhiều ý kiến cho địa phương. Hồi đó, Đak Lak nổi như cồn nhờ có cây cà phê. Cà phê trở thành thương hiệu uy tín khắp trong nước và ngoài nước, trong lúc Gia Lai-Kon Tum chưa có bước đột phá nào đáng kể.
Để khích lệ tinh thần chủ động sáng tạo, nhân một hội nghị cán bộ lãnh đạo, ông phát biểu: “Các anh có biết tỉnh ta là một tỉnh như thế nào? Là một tỉnh có một cỗ bánh xe vuông! Bánh vuông là thế nào? Là nếu ta lấy tay vần cái bánh xe thì cỗ xe chỉ tiến lên được một cạnh, rồi nằm yên tại chỗ, nếu ta không vần tiếp. Để các anh dễ nhớ, tôi xin tặng 4 chữ: “Ì-lì-trì-cản!”. Rồi ông giải thích 4 chữ ấy, nghe thật sâu sắc, thấm thía. Ì tức là không muốn tiến lên. Lì là người ta yêu cầu anh tiến lên nhưng anh vẫn ngồi trơ ở đó. Trì là người ta đẩy anh đi mà anh còn cố níu kéo trở lại. Tóm lại là anh chặn bước tiến của phong trào, tức là cản. Tất nhiên, tỉnh Gia Lai và cả Kon Tum ngày nay đã có những bước tiến vượt bậc. Nhưng lời dạy của ông theo kiểu nói khích vẫn còn mang tính thời sự đối với những tổ chức, cá nhân còn bảo thủ trì trệ, không chịu khó nâng cao trình độ, năng lực, tự đổi mới, sáng tạo, vươn lên ngang tầm với yêu cầu của công việc và sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Và ít người biết, sau Hiệp định Paris 1973, ông từng giữ chức Tư lệnh của một binh đoàn sản xuất cơ giới nông nghiệp mang tên 773 (thành lập tháng 7-1973), sau này phát triển thành các Binh đoàn như 15, 331, 332, 333…
Để kết thúc bài viết này, tôi xin trích lời kể về ông của nhà báo Quốc Phong đăng trên một tờ báo điện tử: “… Bí thư Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Kiên-người từng trả lại một biệt thự giá ngàn cây vàng giữa thủ đô Hà Nội để về quê… Đêm trước khi rời biệt thự Trung Tự (Hà Nội), ông thức trắng để ngồi bên bếp lửa đốt bớt cả núi giấy tờ không cần giữ… Hôm sau, một chiếc xe tải nhỏ đến chở đồ cho ông. Hàng xóm bùi ngùi chia tay ông trong nước mắt. Và họ rất cảm động khi thấy ông mang về quê cả những đồ gỗ cũ mèm, từ hũ dưa cà đến chiếc ti vi cũ cùng đống sách báo và chiếc xe đạp cà tàng vốn gắn bó với ông nhiều năm ra Bắc công tác. Thế mà trong xe kia vẫn rỗng. Ông không có gì hơn để lấp đầy một chuyến xe… Khi về quê Quảng Ngãi, ông từ chối nhận một căn nhà tỉnh xây sẵn cho mình mà chỉ xin một mảnh đất nhỏ, ở một con hẻm nhỏ, lấy tiền tiết kiệm của mình xây một căn nhà cấp IV. Và ông sống đơn sơ như một người thường dân cho đến cuối đời”.
NGUYỄN KHẮC QUÁN

Có thể bạn quan tâm

Lặng thầm nghề giám định pháp y

Lặng thầm nghề giám định pháp y

(GLO)- Trong hành trình phá án, đội ngũ bác sĩ và cán bộ giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS), Công an tỉnh Gia Lai đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vất vả nhưng họ vẫn cần mẫn làm việc, góp phần đấu tranh phòng-chống tội phạm và giữ bình yên cuộc sống.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

Những bưu tá mang báo Đảng tới vùng biên

(GLO)- Trong thời đại mà mỗi người đều có smartphone, mạng xã hội nhảy số từng giây, vẫn có những người đều đặn chờ báo giấy để đọc từng mục, gạch từng dòng. Vì lẽ đó, ở xã vùng sâu, xã biên giới, bưu tá vẫn lặng lẽ mang báo Đảng đến tay các cán bộ cơ sở, đảng viên, người có uy tín...

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

Nhớ thời làm báo trong kháng chiến

(GLO)- Trong kháng chiến, bên cạnh những người lính cầm súng chiến đấu còn có nhiều phóng viên chiến trường với “vũ khí” là chiếc máy ảnh, cuốn sổ tay, cây bút để ghi lại từng khoảnh khắc của lịch sử. Ông Nguyễn Đức Thanh và ông Lý Vĩnh Hoa là những nhà báo như vậy.

null