Nấm mối ngày mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chỉ sau vài cơn mưa, những búp măng tre, lồ ô… đua nhau mọc lên, mập mạp nhọn hoắt. Nhớ thời còn nhỏ, khi đi chăn bò, chúng tôi thường tỏa đi chơi, khi đánh trận giả, tìm củi, lúc hái rau, bẻ măng… Và rồi nếu may mắn, chúng tôi tìm được nấm mối. 
Những cây nấm mối giấu mình rất tài trong đám lá, cỏ hay đất ẩm, khi nhú lên thường rủ nhau lên cả ổ. Những cây nấm mới nhú còn búp búp, mập mạp ăn mới ngon và giòn, còn nấm đã nhú lâu, bung mũ nhiều thì sẽ dai, ít ngọt hơn. Cái thú tìm nấm mối được chúng tôi chú ý nhiều hơn kể từ khi chị tôi học được cách chế biến dã chiến, phục vụ ngay tại chỗ chăn bò chứ không cần đem về mới có ăn, đó là món nấm mối nướng lá.
Những cây nấm mối được chúng tôi cẩn thận vẹt đám lá mục, đào lên một cách nhẹ nhàng, xếp gọn lại trên một chiếc lá khoai to hoặc cái nón mê. Nếu không tìm được khe suối để rửa, chị tôi thường rút luôn con dao gập nhỏ để trong cái túi cơm luôn đeo bên hông rồi cạo, gọt hết phần đất bẩn bám vào thân, mũ nấm cho sạch sẽ từng cái một. Rồi chạy đi một chốc, chị đem về mấy cái lá dong xanh ngắt, cẩn thận bỏ tầm ba đến năm cái nấm gói vào. Mỗi gói lá chị đều cẩn thận rắc thêm vài hạt muối vào giữa, xong rồi cẩn thận gói lại, lấy cọng cỏ buộc cho thêm chắc. Đám trẻ con lúc này cũng đã nhóm lửa xong, bỏ vào đấy những loại củ mang theo ở nhà hay đào được ven bãi, chị chỉ gác hờ các gói lá nấm xung quanh cho có hơi nóng tạt vào. Khi nào xém hết lá và có mùi thơm của nấm, của lá bay thoang thoảng vào cánh mũi phập phồng của đám em đang chầu chực tới bữa trưa thì chị mới cời ra.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Bữa cơm đi chăn bò hôm nào tìm được nấm mối với chúng tôi luôn rộn vui như bữa tiệc. Chị sẽ chia cho mỗi đứa em một gói nấm mối nướng. Các nắm cơm được chị cẩn thận lấy ra khỏi túi rồi bắt từng đứa một xòe tay kiểm tra để đảm bảo đứa nào cũng đã rửa tay sạch, sau đó phát cho mỗi đứa một nắm cơm nhỏ mà lúc sáng bà ngoại đã vắt thật chặt. Một cái lá nhỏ bên cạnh gói nấm luôn có một ít muối hạt để chấm cơm cho mặn mòi, đứa nào cũng háo hức mở dây buộc gói lá dong. Những cái nấm để nguyên mũ màu trắng hoặc xám nhạt vẫn còn tỏa ra làn khói mỏng nổi bật trong gói lá dong xanh nhìn thật bắt mắt, tiếp đến là cái mùi thơm dìu dịu của nấm mối quyện với mùi lá dong ngọt ngào một cách khó tả khiến đứa nào cũng chảy nước miếng. Cái tay vừa mở gói lá ra, thường đứa nào cũng đưa ngay lên miệng để húp xì xụp như húp canh. Những chiếc nấm nướng mềm xìu lại tứa nước ra thơm ngọt thấm cả môi. Rồi cứ thế, chúng tôi đặt gói lá xuống bẻ nắm cơm ra, bốc thêm miếng nấm ăn kèm. Bữa cơm diễn ra nhanh gọn, vì nắm cơm bé lắm nên đứa nào cũng thòm thèm vị ngọt, cái dai, giòn của nấm mối mới nhú. Vị thơm của khói, của lá, của nấm mối, của sự dân dã ngày ấy khiến cả đám chúng tôi như bị bỏ bùa mê, đứa nào cũng xung phong theo chị đi chăn bò.
Sau này, tôi không còn được đi chăn bò với chị nữa. Món nấm mối nướng vì thế cũng chỉ còn lại trong ký ức. Những mùa mưa, chị chỉ dùng nấm mối nấu canh tập tàng, đúc bánh xèo, nấu cháo… để đổi bữa. Rồi nấm mối dần trở thành đặc sản được nhiều người biết tới. Nhưng với tôi, nấm mối ăn ngon nhất vẫn là khi gói lá dong đem nướng như ngày xưa. Không cần gia vị cầu kỳ, chỉ cần mấy hạt muối, chỉ cần khói, rồi hơi mát ngọt của lá dong mọc dại, chỉ cần những lam lũ yêu thương thì dường như bao nhiêu ngọt bùi của tuổi thơ đã gói trọn trong đó rồi.
LÊ THỊ KIM SƠN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.