Ký ức dong riềng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lần lên Chư Đang Ya để chụp hình cưới cho đứa bạn thân vào mùa dong riềng, tôi ngỡ ngàng thốt lên: “Trời ơi! Đẹp như một bức tranh vậy!”. Thế rồi, trước thung lũng mướt xanh lá và đỏ rực hoa dong riềng, tôi cứ ngơ ngẩn ngắm nhìn.
Từng sợi nắng xiên xuống vắt lên những cánh hoa, chiếc lá còn đọng sương sớm tạo nên đường nét lấp lánh phủ lên núi đồi trong hình hài của chiếc bát úp. Những đứa trẻ theo mẹ lên rẫy tung tẩy chạy đuổi theo chú cào cào bay ẩn nấp đâu đó trên những chiếc lá. Có đứa bẽn lẽn ngắt búp hoa dong riềng cho vào miệng nếm vị ngọt của mật hoa. Tiếng cười đùa trong trẻo góp vào không gian ban mai nơi miền sơn cước thêm màu sắc rộn rã, bình yên.
Cả bầu trời tuổi thơ hiện về trong tôi.
Có lẽ những ai có tuổi thơ gắn liền với đồng quê, ruộng vườn thì khi nhắc đến cây dong riềng sẽ chẳng thấy lạ. Với tôi, loài cây ấy không những đẹp bởi chúng có những bông hoa đỏ thẫm dàn trải cả khu vườn làm cho khoảng không gian nhà tôi trở nên thơ mộng hơn mà còn đẹp bởi cảm giác no nê, ấm bụng.
Tôi sinh ra ở mảnh đất miền Trung, nơi nắng lắm, mưa cũng nhiều. Bố mẹ tôi làm nông. Năm nào, khoảng đất rộng phía sau nhà cũng được mẹ dành để trồng dong riềng. Mà không chỉ có nhà tôi, thuở ấy, hầu như quê tôi hộ nào đến mùa cũng có một vạt dong riềng phía sau nhà. Ba mẹ trồng dong riềng để có thêm lương thực cho mùa giáp hạt, trong khi lũ chúng tôi thì thích thú khi được đổi khẩu vị bằng những món ăn từ củ dong riềng ngọt bùi sau những ngày đã ngán với mì, khoai độn cơm.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Khi nhẩm tính dong riềng đã đủ ngày đủ tháng, mẹ ướm thử đôi bụi, bẻ củ rửa sạch cho vào nồi luộc. Giữa chiều chơi nghịch chạy vào nhà uống nước, nhìn thấy rổ dong riềng mẹ vừa mới luộc xong, hơi bốc nghi ngút… mỗi đứa nhanh tay bốc lấy một củ, vén gấu áo đùm vào cho khỏi nóng tay, chạy ù ra gốc cây vừa thổi vừa ăn. Dong riềng luộc có vị ngọt, bùi khiến cho cái bụng lưng lửng réo rắt sau trận chơi đùa chạy nhảy của tụi trẻ chúng tôi êm hơn.
Đến mùa thu hoạch, mẹ cân bớt cho bác bán buôn rau củ ở chợ để đổi lấy chút tiền thêm vào cho việc học hành của chúng tôi. Phần còn lại, mẹ xay lọc lấy bột. Củ dong riềng khi được xay nhuyễn thì để qua đêm, thỉnh thoảng bóp, quấy cho tinh bột rời ra khỏi xác. Sau đó, dùng vải màn để vắt tách tinh bột ra khỏi phần xác. Đổ tất cả nước tinh bột vắt được cho vào chậu tráng men sạch để qua đêm, chắt bỏ nước trong. Cứ làm như thế đến bao giờ nước trong veo, lớp bột đọng dưới đáy chậu trắng tinh thì đem ra, bẻ từng miếng nhỏ, phơi cho ráo nước, rồi phơi lại cho thật khô nơi thoáng gió, không có nắng gắt. Phần bột ấy mẹ cho vào hũ đậy kỹ, thi thoảng lại mang ra thết đãi cả nhà món chè hay chế biến thành món miến dong. Đó cũng là phần quà quý đầy thương yêu mẹ thường gửi biếu các bác trên thành phố vào dịp Tết.
Có những buổi trưa, chị em tôi mất ngủ vì thấp thỏm chờ nội đi giỗ chạp nhà hàng xóm. Mắt nhắm ngủ nhưng thi thoảng lén nhìn qua cửa sổ, chỉ cần thấy bóng bà về từ xa là chúng tôi chạy ùa ra đón. Bao giờ bà cũng lấy từ túi ra túm quà gói trong chiếc lá dong riềng. Túm quà ấy có khi là quả quýt, cái bánh ít, cái trứng cút… Chỉ thế thôi nhưng đong đầy tình thương của bà và cả sự háo hức, thích thú của chị em tôi.
Tôi đã đi qua tuổi thơ với nhiều mùa dong riềng như thế. Dong riềng đỏ vườn nhà, xua đi cái khô cằn, nắng nóng khí hậu miền Trung. Dong riềng thơm thảo ấm bụng trong tô miến dong ngày Tết của mẹ… Để bây giờ gặp lại màu hoa ấy trên thung lũng của mảnh đất Tây Nguyên, những ký ức cứ thế hiện về vừa nhớ thương, vừa vương vấn.
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.