(GLO)- Với lãi suất thấp hơn so với cho vay phi sản xuất, gói tín dụng nông nghiệp-nông thôn có sức hút khách hàng mạnh mẽ. Các ngân hàng (NH) nới lỏng điều kiện vay vốn và giải ngân đối với khách hàng nông thôn, và cho vay nông nghiệp-nông thôn, vì vậy đây không còn là địa hạt riêng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT. Sự “khai thông” này, là điều kiện để nông nghiệp-nông thôn phát triển mạnh, khai thác các tiềm năng.
Sự quan tâm của các NH đối với tín dụng nông nghiệp-nông thôn là bởi các NH thấy được tiềm năng của khu vực này. NH là trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và phục vụ cho mục đích xuất khẩu. Vì vậy, NH không chỉ thu lợi nhuận mà còn thu một lượng ngoại tệ đáng kể. “Cho nông dân vay lúc này là có lợi nhất, vì thị trường bất động sản, vàng, ngoại tệ, chứng khoán đang trồi sụt bất thường hoặc là đóng băng, trong khi các món vay nông nghiệp thường nhỏ và không chịu nhiều rủi ro”- ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Gia Lai nhìn nhận.
Nhiều NH cho vay theo gói tín dụng nông nghiệp-nông thôn với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với quy định và vì áp dụng chính sách ưu đãi nên dư nợ cho vay lĩnh vực này tăng nhanh và chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ. Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai, tính đến cuối tháng 8-2012, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của các NH thương mại trên địa bàn tỉnh đạt trên 12.565 tỷ đồng, chiếm 43,9% tổng dư nợ. Đây là kết quả của việc thực hiện nghiệp vụ truyền thống và tích cực triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Hoạt động trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng vốn Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Kbang có ý nghĩa rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân, kinh tế-xã hội địa phương. Theo báo cáo mới nhất, đến nay, Chi nhánh đã huy động 350 tỷ đồng, dư nợ cho vay 339 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn là 286 tỷ đồng, chiếm 84,3% tổng dư nợ. Đồng vốn NH tập trung cho đầu tư trồng và chăm sóc mía, cà phê, món vay lớn lên đến 500 triệu đồng. Hiệu quả đồng vốn NH là tạo ra nguồn sản phẩm nhiều về số lượng, tăng về chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xóa đói giảm nghèo, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch và tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương.
Do được mùa, được giá nên bà con có điều kiện trả nợ NH, gửi tiết kiệm và đầu tư phát triển diện tích mía và mì. Toàn huyện hiện có 3.000 ha mía trồng mới trên tổng số 7.100 ha, 2.500 ha cà phê, 2.000 ha mì, 1.500 ha cao su tiểu điền, 2.000 ha cao su (Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang), một số cây trồng đã lấn sang diện tích của cây bắp, đậu. Chính quyền cũng đã khuyến cáo nông dân sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch nhằm tránh thiệt hại về sau.
Theo ông Phạm Đồng Thanh- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang, hoạt động cho vay của Chi nhánh rất thuận lợi, tất nhiên là phải đảm bảo điều kiện vay vốn như tín chấp hay thế chấp theo quy định, hồ sơ vay vốn đảm bảo quy trình, có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là phương án trả nợ (gốc, lãi) và phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích. Theo Nghị định 41/NĐ-CP, người vay chỉ cần được xã xác nhận đất đai không bị tranh chấp, nhu cầu vay chính đáng thì sẽ được giải quyết.
Chủ trương này sau gần 2 năm thực hiện đã giúp nông dân tháo gỡ khó khăn đáng kể về vốn. Tuy nhiên, vốn cho nông dân, nông nghiệp-nông thôn bao giờ cũng thiếu, Nghị định 41 mang nhiều ý nghĩa nhưng cũng chưa phải đã hoàn toàn tháo gỡ triệt để về vốn cho nông nghiệp-nông thôn. Cũng theo ông Phạm Đồng Thanh, Chính phủ, ngành NH cần có cơ chế lãi suất cho vay mềm hơn để gỡ khó cho NH, cũng là cách để vốn đến với khu vực nông nghiệp-nông thôn nhiều hơn.
Trong tình hình kinh tế tiếp tục suy giảm, các thị trường bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ bấp bênh... thì khách hàng nông nghiệp-nông thôn là một kênh đầu tư khá an toàn, ổn định, đúng chủ trương của Nhà nước, dù lợi nhuận không bằng cho vay phi sản xuất. Nhiều NH không có chủ trương cho vay nông nghiệp-nông thôn nhưng cũng có chính sách nhất định dành cho nông nghiệp-nông thôn và chọn lựa địa bàn, đối tượng để cho vay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay các NH thương mại chưa chú trọng cho vay nông nghiệp-nông thôn vì khu vực này thường nhỏ về quy mô sử dụng vốn, chỉ vay vài chục triệu đồng, địa bàn phân tán, manh mún và phức tạp, tốn kém trong quản lý. Theo các NH, hiện họ không thiếu vốn nhưng phần lớn nông dân chưa đủ điều kiện đảm bảo sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, hợp đồng tiêu thụ chưa rõ ràng nên khó vay. NH còn cho sản xuất nông nghiệp bấp bênh, thiếu bền vững, dễ mất vốn nên dè dặt giải ngân.
Tuy nhiên, áp lực phải thu hồi vốn cho vay bất động sản, chứng khoán buộc các NH phải đẩy tỷ trọng ở những mảng cho vay khác. Do vậy tín dụng nông nghiệp-nông thôn của nhiều NH là mũi tên trúng nhiều đích, thực hiện theo chủ trương của Nhà nước.
Thất Sơn