Mùa vàng ở Kon Plông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp và văn hóa, ẩm thực đặc trưng, mùa này, du khách đặt chân đến Kon Plông còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp hấp dẫn từ những thửa ruộng bậc thang khoe sắc vàng rực rỡ giữa đại ngàn xanh thẳm.

Từ ngàn xưa, đồng bào DTTS ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Kon Plông khai khẩn những sườn núi, triền đồi để sản xuất, hình thành nên những thửa ruộng bậc thang xếp lớp theo địa hình, tạo nên một vẻ đẹp rất riêng và rất độc đáo.

Để tìm hiểu mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang, theo sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi đến thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông từ tờ mờ sáng. Từ trung tâm thị trấn Măng Đen xuôi theo Quốc lộ 24 về hướng Quảng Ngãi khoảng 2km, rẽ trái vào đường bê tông liên thôn khoảng 3km là tới làng Kon Vơng Kia. Mùa này, khung cảnh quanh làng đang là thời điểm đẹp nhất trong năm nhờ sắc vàng óng ánh của cánh đồng đang mùa lúa chín.

Đồng lúa làng Kon Tu Rằng. Ảnh: NB ảnh 1

Đồng lúa làng Kon Tu Rằng. Ảnh: NB

Đi qua những rừng thông xanh biếc là đến ngôi làng nằm giữa thung lũng, bao quanh là đồi núi nhấp nhô, hùng vĩ và những thửa ruộng bậc thang đang khoác lên mình chiếc áo vàng đẹp đẽ. Những áng mây trắng mịn màng còn bảng lảng trên những sườn núi cao làm cho khung cảnh thêm phần huyền ảo, sống động. Ở vùng đất này, xóm làng thường nằm rải rác dưới chân đồi hoặc xen kẽ giữa cánh đồng. Những ngôi nhà mái tôn đa sắc màu ẩn hiện, những con đường nhỏ quanh co khiến cho không gian nơi đây hữu tình, níu chân du khách.

Làng Kon Vơng Kia hiện có 148 hộ với 447 nhân khẩu, chủ yếu là người Xơ Đăng- nhánh Mơ Nâm sinh sống bằng nghề nông. Người dân ở Kon Vơng Kia chỉ trồng một vụ lúa trong năm. Vào mùa thu hoạch, khi bình minh lên, những tia nắng mùa hạ chiếu rọi, cả cánh đồng làng sáng bừng lên vẻ mộng mơ, người nông dân lại tất bật gặt lúa trong tiếng nói cười.

Điểm nhấn của ngôi làng là dòng suối Nước Long uốn lượn mềm mại giữa cánh đồng cung cấp phù sa, nước tưới giúp cho ruộng lúa tươi tốt, mùa màng bội thu. Có những chiếc cầu treo xinh xắn bắc qua nối liền những xóm nhà, những thửa ruộng tôn thêm vẻ duyên dáng, mềm mại cho ngôi làng, tạo nguồn cảm hứng cho những tâm hồn lãng mạn thích khám phá.

Quần thể kho lúa được người dân làng Kon Tu Rằng dựng ngay bên cánh đồng. Ảnh: NB ảnh 2

Quần thể kho lúa được người dân làng Kon Tu Rằng dựng ngay bên cánh đồng. Ảnh: NB

Đến với một cánh đồng ruộng bậc thang tuyệt đẹp khác ở huyện, đó là cánh đồng lúa làng Kon Tu Rằng, xã Măng Cành. Ngôi làng nằm gần khu “37 hộ” của thị trấn Măng Đen, nơi có nhiều dự án nông nghiệp và nhiều điểm du lịch nổi tiếng. Có thể nhìn thấy cánh đồng từ ngọn đồi ngay sau làng, một khung cảnh yên bình, thơ mộng của những thửa ruộng bậc thang vàng óng ánh, uốn lượn trong tiết trời dịu nhẹ, nắng vàng chênh chếch.

Khác với nhiều cánh đồng khác, ruộng bậc thang ở Kon Tu Rằng không có những xóm làng trên đó mà nằm tách biệt trong một thung lũng ngay dưới chân núi Ngọc Lễ hoang sơ, xanh thẳm. Một bên của cánh đồng được bao bọc bởi dòng sông Đăk S’nghé chảy qua, ngay phía tả ngạn của dòng sông là ngọn đồi nơi cư dân làng Kon Tu Rằng sinh sống từ bao đời nay.

Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng trải dài, mênh mông, xếp tầng tầng, lớp lớp như những đợt sóng miên man, vàng ươm, lan tỏa sắc hương hướng từ ngọn núi thiêng Ngọc Lễ ra tận phía dòng sông. Đứng trên cao nhìn xuống, toàn cánh đồng là những thảm sắc màu mềm mại, quyến rũ của lúa xanh xen lẫn lúa chín vàng. Ruộng thì chỗ đang gặt, chỗ chờ gặt, tạo nên những mảng màu thiên nhiên tuyệt đẹp. Mặc dù đồng ruộng xa làng, không có nhà dân nhưng người Mơ Mâm ở đây thường làm những nhà chòi và những kho lúa ngay trên cánh đồng để nghỉ ngơi khi làm ruộng và lưu trữ lương thực tạo nên khung cảnh gần gũi, yên bình.

Để đến cánh đồng, người dân và du khách phải đi qua một chiếc cầu treo xinh xắn. Một quần thể kho lúa được dựng lên ngay bãi đất trống phía cuối cầu treo, đây là nơi lưu giữ lúa để người dân ăn dần và làm giống cho mùa sau. Điều lạ là tất cả các kho thóc của người Mơ Nâm đều dựng cách xa làng, được làm từ những vật liệu đơn sơ, không có người canh giữ, không ai bảo vệ nhưng chưa hề xảy ra tình trạng mất cắp. Kho nhà nào thì nhà nấy dùng, tuyệt đối không xâm phạm lúa thóc của người khác. Kho thóc trở thành biểu tượng cho sự khá giả, đoàn kết của cả làng.

“Từ xa xưa, dân làng rất yêu mến và tôn trọng nhau nên không có trình trạng dân làng trộm cắp lúa trong kho. Nhưng nếu có người nào trộm cắp tài sản thì tùy số lượng bị mất cắp mà có thể bị già làng phạt nộp gà, heo, trâu, bò hoặc nặng hơn là đuổi ra khỏi làng”- ông A Diêu, bí thư chi bộ thôn và là người có uy tín ở Kon Tu Rằng bộc bạch.

Người dân gặt lúa trên cánh đồng làng Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Ảnh: NB ảnh 3

Người dân gặt lúa trên cánh đồng làng Kon Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông. Ảnh: NB

Có thể thong dong dạo bước trên cánh đồng để chiêm ngưỡng lúa vàng, cảm nhận hương rạ mùa gặt hoặc ngồi nghỉ chân bên nhà chòi mà nghe những thanh âm trong trẻo của vạn vật hay nghe người dân kể những câu chuyện về con suối, ngọn đồi, ruộng bậc thang nơi đây.

Ông A Hoàn - Bí thư Đảng ủy xã Măng Cành phấn khởi chia sẻ: Những năm gần đây, khi lúa ở Kon Tu Rằng chín vàng, nhiều du khách biết tin và kéo về đông đúc để tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Cũng nhờ đó mà các homestay, điểm du lịch ở quanh làng cũng thêm phần đông đúc.

Ngoài các đồng ruộng bậc thang trên, huyện Kon Plông còn rất nhiều cánh đồng ruộng bậc thang khác phân bố ở hầu hết các xã. Mỗi nơi có những vẻ đẹp riêng nhưng nhìn chung, khi đến mùa lúa chín, đều là sự kết hợp của những mảng màu: vàng rực của lúa, xanh thẫm của núi, xanh biếc của trời cộng với các hoạt động ngày mùa, những giọt mồ hôi, những nụ cười, gương mặt rạng rỡ của người dân tạo nên những khung hình đẹp không thể rời mắt.

Với khí hậu trong lành cùng với khung cảnh núi rừng hùng vĩ, mỗi mùa ở huyện Kon Plông có một vẻ đẹp riêng, đầy bí ẩn và quyến rũ. Và với những ai yêu thích cảnh đẹp của núi rừng, yêu chụp ảnh, khám phá thì không thể bỏ qua mùa vàng ở đây. Thời điểm đẹp nhất để về đây khám phá, chiêm ngưỡng sắc vàng cùng hương thơm của lúa chín được bắt đầu từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7 dương lịch- còn gọi là mùa gặt.

Đến với mùa vàng ở huyện Kon Plông, bạn sẽ cảm nhận được sự thi vị của cuộc sống.

Link bài gốc: https://www.baokontum.com.vn/ghi-chep-phong-su/mua-vang-o-kon-plong-31445.html

Có thể bạn quan tâm

Ký ức những người “thợ chiếu bóng” ở chiến khu Krong

Ký ức những người “thợ chiếu bóng” ở chiến khu Krong

(GLO)- Dẫu không trực tiếp cầm súng, song với những người “thợ chiếu bóng” thời chiến, việc đưa các thước phim tài liệu cách mạng đến với đồng bào, chiến sĩ cũng là nhiệm vụ cao cả. Để rồi, sau hơn nửa thế kỷ ngồi ôn lại kỷ niệm, trong họ vẫn vẹn nguyên bao xúc cảm của một thời đầy gian khó mà rất đỗi tự hào.
Vó ngựa cao nguyên

Vó ngựa cao nguyên

Đồi núi chiêng chao, cây rừng nghiêng ngả, mái tóc phiêu bồng…, K’Truik đang cùng con tuấn mã Rambô tung vó băng băng về đích trong ánh mắt đắm đuối của sơn nữ buôn làng.
Đội cứu hộ lúc 0 giờ

Đội cứu hộ lúc 0 giờ

Đêm xuống, khi mọi người, mọi nhà đang trong giấc ngủ say thì hàng chục thành viên của Đội Cứu hộ Hà Nội vẫn mải miết trên những cung đường khắp thành phố, tình nguyện giúp đỡ những người không may hỏng hóc xe máy. 0 đồng, và luôn sẵn sàng lúc 0 giờ-Đội Cứu hộ Hà Nội đã giúp đỡ hàng chục nghìn người với tinh thần như thế.
Diệu kỳ xứ voi

Diệu kỳ xứ voi

Đến Tây Nguyên, bao du khách bị mê hoặc bởi những lễ hội, nghi lễ đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi bước chân đều vương ký ức huyền thoại nơi vùng đất thấm đượm hơi thở núi rừng, khiến người ta đắm mình trong đời sống muôn màu của Tây Nguyên.
Những lớp học đêm giữa đại ngàn

Những lớp học đêm giữa đại ngàn

Thời gian qua, người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kon Plông không còn xa lạ với các “lớp học xóa mù chữ” sáng điện vào mỗi tối. Những bàn tay thô ráp, chai sần của những người nông dân vốn quen với con dao, cái cuốc ban ngày đi làm rẫy, ban đêm lại đến lớp nắn nót từng con chữ với mong muốn viết và đọc thành thạo tiếng phổ thông, để dạy dỗ con cái học hành, học hỏi thêm cách làm ăn.
Suối nguồn tình tự - Kỳ 1: Ký ức không phai

Suối nguồn tình tự - Kỳ 1: Ký ức không phai

Điều may mắn cho bất kỳ đô thị nào là sở hữu được những dòng sông, con suối, ngọn thác mà thiên nhiên đã ban tặng. Bởi đó là vốn tài nguyên quý báu để quy hoạch, phát triển lâu dài và kiến tạo giá trị đặc trưng không chỉ trên bình diện kinh tế, xã hội mà cả về mặt lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc. Sở hữu vốn quý ấy, TP. Buôn Ma Thuột cần khai thác thế nào trong quá trình mở rộng, phát triển đô thị?
Góp nhặt "cảo thơm"

Góp nhặt "cảo thơm"

Gác Nobel là “gia tài” sau hành trình hơn 20 năm dày công tìm hiểu và sưu tầm của chủ nhà - anh Ngô Thanh Tuấn. “Gia tài” này áng chừng hơn 2.000 cuốn sách, trong đó phân nửa là sách của những tác giả đoạt giải Nobel văn học đã được dịch sang tiếng Việt. Ở đây, chúng tôi như lạc về quá khứ khi hít hà mùi sách cũ, mùi bụi thời gian, nhìn những nét chữ được biên tập/in ấn từ thế kỷ trước. Không gian quá khứ này có đầy đủ sách của Pearl S. Buck, Hermann Hesse, Ernest Hemingway, Rabindranath Tagore, Yasunari Kawabata, George Bernard Shaw… và nhiều nhà văn, nhà thơ gạo cội khác.
Tướng tài Nguyễn Chí Vịnh: Không để nước lớn cảm thấy bị mất thể diện

Tướng tài Nguyễn Chí Vịnh: Không để nước lớn cảm thấy bị mất thể diện

'Hãy suy nghĩ cách viết thế nào để bài phát biểu phải bám sát đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Thể hiện cho khéo đừng làm cho nước lớn cảm thấy bị mất thể diện, người dân nghe được và kẻ địch thì không thể lợi dụng chống phá', Đại tá Vũ Văn Khanh nhớ mãi lời căn dặn của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.