Mùa rươi, không phải ai cũng biết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng 9 đến tháng 11 âm lịch hàng năm, khi ruộng đồng đã thu hoạch xong cũng là thời điểm người dân sống dọc bãi bồi sông Lam bước vào một vụ mùa đặc biệt - mùa rươi.

Bài 1: Chờ “lộc” đùn lên từ đất

Vào mùa rươi, người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An lại tất bật đóng cọc, giăng lưới, đắp bờ quanh các thửa ruộng, vừa để “đánh dấu lãnh thổ”, vừa ngăn rươi sang ruộng nhà khác. Khi màn đêm buông xuống, cánh đồng được thắp sáng bởi ánh đèn pin.

Công phu

Từ độ tháng 9 âm lịch, người dân xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An lại mang lưới, cọc tre ra rào quanh ruộng, dùng bùn đất đắp kỹ chân lưới, sẵn sàng chờ rươi “mọc”. Nghề vớt rươi có từ bao giờ, người dân nơi đây chẳng ai biết. Chỉ biết rằng loại vật thân mềm đỏ au như con giun đất này đã cùng họ trải qua bao nhiêu bữa cơm ngày mưa dầm gió bấc. Hồi ấy, ai vớt được bao nhiêu thì vớt, không chia ruộng và giăng lưới như bây giờ. Vào mùa, bà con thường tranh thủ dùng rổ, lưới đi vớt rươi về chế biến những món ăn hay bán ở các chợ quê. Từ khi loài động vật thân mềm này trở thành đặc sản, là món hàng có giá trị kinh tế cao, việc thu hoạch rươi cũng không còn mang tính tự phát như trước mà người dân đã có sự tính toán, đầu tư hơn.

Trên những cánh đồng thuộc xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An người dân đã giăng lưới sẵn sàng chờ săn “lộc trời”.

Trên những cánh đồng thuộc xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An người dân đã giăng lưới sẵn sàng chờ săn “lộc trời”.

Ông Phạm Văn Vị (58 tuổi, trú xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) có hơn 5 sào ruộng nhưng chỉ 2 sào có rươi. Trước khi giăng lưới, ông đã cày bừa kỹ ruộng rươi. Theo kinh nghiệm săn rươi, thửa ruộng nào có nhiều những lỗ nhỏ như đầu đũa ở trên mặt ruộng, thì ruộng đó nhiều rươi. “Lưới khoanh rươi thường được giăng trên ruộng tầm 2 - 3 tháng. Đầu vụ rươi, đưa lưới đi giăng, cuối vụ rươi thu lưới về cất. Trung bình mỗi sào ruộng cần hơn 10 kg lưới. Tùy từng loại lưới có giá khác nhau, dao động từ 7.000 - 12.000 đồng/kg. Sau khi giăng lưới, tôi thường lấy đất lấp kín chân lưới, đảm bảo lưới không bị nổi, hở khi nước sông dâng, rươi không thể ra ngoài”, ông Vị chia sẻ.

Ông Phạm Văn Vị giăng lưới ngoài ruộng để đón rươi.

Ông Phạm Văn Vị giăng lưới ngoài ruộng để đón rươi.

Lão nông gần 60 tuổi này cho biết, trước đây, khi rươi còn rẻ, mọi người thắp đèn đi vớt rươi tự do trên ruộng. Từ ngày rươi trở thành đặc sản, giá cả đắt đỏ, có thời điểm nửa triệu đồng/kg, nhà ai có ruộng đều mua lưới về khoanh, vừa để “đánh dấu lãnh thổ”, vừa ngăn rươi sang ruộng nhà khác. “Nhà tôi có 2 sào ruộng rươi, phải dùng hơn 20kg lưới để giăng. Do lưới năm ngoái bị hư nhiều nên năm nay gia đình phải mua mới để vá bù vào. Mỗi cuộn lưới trước khi chở ra đồng thường được gắn thêm những cọc tre cao hơn chiều rộng của lưới, một đầu vót nhọn, để găm xuống ruộng nhằm giữ lưới căng”, ông Vị nói.

Bà Nguyệt lấy đất lấp kín chân lưới, đảm bảo lưới không bị nổi, hở khi nước dâng, rươi không thể ra ngoài.

Bà Nguyệt lấy đất lấp kín chân lưới, đảm bảo lưới không bị nổi, hở khi nước dâng, rươi không thể ra ngoài.

Phần lớn ruộng rươi ven sông Lam đều thấp, lúc nước thủy triều dâng thường ngập hết bờ, do đó bà con phải mua lưới cao tầm 1,2m trở lên để giăng quanh bờ. Ở những chân ruộng đã khô cạn, việc đóng cọc, giăng lưới khá sạch sẽ, nhưng khó khăn trong việc lấp chân lưới. Quanh bờ ruộng, cứ 1,5 - 2m, người dân lại đóng một cọc giữ lưới. Với những thửa ruộng bùn, sau khi đóng cọc, giăng lưới, bà con chỉ việc bốc bùn bịt chân lưới. Để có thể thu hoạch được rươi, người dân thường rào quanh ruộng của mình bằng lưới, đào “trẹm” dẫn nước từ ngoài sông vào ruộng để rươi “mọc” và tháo nước khi rươi nổi nhiều. Rươi theo dòng chảy tụ vào hố nước trước cửa “trẹm”, người dân chỉ cần lấy vợt để xúc. “Nhà tôi làm 3 sào ruộng rươi, phải dùng khoảng 40kg lưới để giăng. Lưới năm ngoái bị rách nhiều nên năm nay tôi mua hẳn một cuộn lưới to, cần đến đâu thì dùng đến đó. Ngoài đóng cọc đứng, tôi còn dựng cọc nghiêng đề phòng gió thổi tạt đổ lưới khi nước triều dâng cao, hay có mưa to gió mạnh”, anh Nguyễn Văn Hòa (35 tuổi, trú xóm 7, xã Châu Nhân) vừa giăng lưới vừa cho hay.

Đỏ mắt chờ đất “mọc lộc”

“Mà” rươi dày đặc báo hiệu rươi sắp “mọc”.

“Mà” rươi dày đặc báo hiệu rươi sắp “mọc”.

Mùa rươi thường bắt đầu từ tháng 9 kéo dài đến tháng 11 âm lịch. Rươi “mọc” theo kỳ trăng, mỗi tháng 2 lần, vào đầu và giữa tháng. Rươi được xem là “lộc đất”, lộc vào ruộng ai, người ấy hưởng. Cả cánh đồng rộng lớn không phải ruộng nào cũng có rươi. Dù hên xui nhưng nhà nào cũng chuẩn bị kỹ cho mùa đón “lộc”. Rươi là loài khó tính nên ruộng phải sạch, cày bừa kỹ. Do đó, vào mùa lúa, người dân ở đây hầu như không sử dụng thuốc trừ sâu để giữ cho đất sạch. “Sau khi thu hoạch lúa, ruộng được cày bừa thật nhuyễn, bón phân chuồng đã ủ kỹ cho hoai mục để chuẩn bị thức ăn cho rươi. Cũng không biết đúng hay sai nhưng ông cha truyền lại, ruộng bón phân sẽ nuôi rươi béo mập, năng suất và chất lượng hơn”, bà Nguyễn Thị Nguyệt (60 tuổi, trú xóm Phú Xuân, xã Châu Nhân) chia sẻ.

Người phụ nữ này cho biết, nếu như các năm trước, tầm cuối tháng 8 âm lịch đã bắt đầu có rươi “mọc” thì nay đã qua tháng 10, rươi vẫn chưa xuất hiện. Bà Nguyệt cũng như hàng trăm hộ dân ở đây đang đỏ mắt chờ rươi, bởi đây là nguồn thu nhập chính của họ, hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. “Người dân ở đây trồng lúa thì chỉ đủ ăn thôi, cả năm trông mong hết vào mùa rươi. Năm ngoái, có đêm hai vợ chồng tôi thu được gần tạ rươi, bán được gần 5 triệu đồng. Mấy năm gần đây không hiểu là do môi trường, nguồn nước ô nhiễm hay sao mà năng suất rươi không được như trước kia. Rươi là giống tự nhiên hoàn toàn, chưa nuôi được nên được nhiều hay ít thì phải chờ trời thôi”, bà Nguyệt bày tỏ.

Chỉ vào những lỗ nhỏ chi chít mặt đất, bà Nguyệt giảng giải: “Đây là “mà” rươi. Thửa ruộng nào lắm “mà” rươi, tức là những cái lỗ nhỏ như đầu đũa ở trên mặt ruộng, thì ruộng đó nhiều rươi. Ruộng càng nhiều “mà” thì càng trúng rươi. Khi nước vào thì rươi chui lên từ những cái lỗ này”. Nói rồi, bà Nguyệt đi quanh ruộng kiểm tra một lượt cuối rồi lên bờ. Người phụ nữ này cho biết, tháng 11 âm lịch, rươi mọc nhiều nhất và đến tháng Chạp thì hết. Vào thời gian này, ai nấy đều thay nhau trực rươi, canh rươi và đánh bắt rươi. Khi màn đêm buông xuống, đồng ruộng lại như sáng bừng lên bởi ánh đèn pin... “Có hôm chờ mãi không thấy, tôi bỏ về nhà. Vừa về đến cổng nhà, nghe hàng xóm gọi “rươi mọc rồi”, lại lật đà lật đật mang xô, chậu chạy ra. Có những đêm, mưa rét căm căm, đội mưa ngồi bên bờ ruộng chờ. Đợi mãi không thấy rươi lên, có người chán quá bỏ về ngủ. Sáng mai dậy nghe hàng xóm “khoe” chiến tích vớt được cả chục ký lô. Tiếc đứt ruột”, bà Nguyệt tâm sự.

(còn nữa)

Thời điểm rươi “mọc”, cánh đồng vui như hội, nhấp nhánh những ánh đèn đi vớt “lộc trời”. Rươi thu hoạch đến đâu sẽ được thương lái, các chủ nhà hàng đặc sản vào cân mua tận ruộng. Tùy từng năm giá rươi lên xuống, nhưng bình quân thường ở mức 350.000 - 400.000 đồng/kg, có năm lên đến 500.000 đồng/kg. Có những hộ dân may mắn có thể kiếm được 5-7 triệu đồng mỗi đêm.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.