Mùa hái lộc rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đổ hai tải nặng toàn những cây măng to, mập xuống sân điểm thu mua, chị Hoàng Thị Duyên nhanh chóng xếp lên cân. Thành quả thu được trong một buổi sáng lên rừng của chị Duyên là hơn 300 nghìn đồng tiền bán măng. Chị cười, không làm gì lãi bằng đi thu măng mùa này. 

Măng rừng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Bắc Kạn mỗi dịp đầu xuân.
Măng rừng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Bắc Kạn mỗi dịp đầu xuân.
Rất nhiều người dân ở Bắc Kạn đang hưởng lợi từ cây măng. Mùa lấy măng được ví như mùa hái lộc rừng.
1/Sáng sớm, sương mù còn đặc quánh quanh nhà, trên rừng, đậm đặc tới mức tưởng như giơ tay ra là “véo” được cả sương vậy. Thế nhưng, anh Hoàng Văn Huy, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã thức dậy. Sau bữa sáng, anh chằng buộc lên chiếc xe máy cà tàng bộ “đồ nghề” hái măng, gồm: thuổng, dao, cuốc, tay nải đựng, bao tải. 
Ngồi sau xe anh, xóc nảy theo đường khe vào rừng, tôi chợt nhớ tới lời của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa, nếu nói về măng vầu, thì loại măng to có lẽ chỉ còn ở Bắc Kạn. Vì với tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, sinh cảnh cho cây vầu phát triển ở Bắc Kạn là còn nguyên bản nhất, vì vậy thứ măng to như bắp đùi chỉ còn thấy ở vùng Chợ Đồn, Ba Bể. 
Quanh khu vực các xã An toàn khu Lương Bằng, Bình Trung, Nghĩa Tá, cây vầu mọc tự nhiên ken đặc trên các sườn đồi, núi. Những năm kháng chiến chống Pháp, rừng vầu che chở cho quân ta kháng chiến, măng vầu là món ăn cơ bản của các chiến sĩ, thậm chí được đưa vào thơ ca. Thì nay, măng vầu đang làm giàu cho người dân nơi đây. 
Nhìn quãng đường leo bộ lên rừng vầu giữa thời tiết âm u, sương ướt thẫm mặt, tôi thấy băn khoăn về câu nói của anh Huy lúc sáng: “Đi lấy măng vui lắm chú ạ”. Vui gì mà mệt thế này, chắc chỉ vui lúc bán măng thôi chứ, tôi nghĩ. Hóa ra vui thật, vì vào rừng rồi mới gặp từng đoàn anh, chị em trong bản cũng đi lấy măng. Chào hỏi tíu tít trong rừng sâu. Chị Hoàng Thị Duyên phấn khởi khoe: “Hôm qua, chị đào trúng “ổ” măng. Có vài nhát cuốc thôi mà quanh một hố được tới 15 cái măng liền”.
2/Cứ đến đầu tháng Chạp âm lịch, khi cơn mưa phùn bắt đầu đổ xuống, người dân trên khắp các bản làng ở Bắc Kạn lại gọi nhau lên rừng đào măng non, ríu ran như đi hội. Măng hái đầu mùa bao giờ cũng ngon hơn cuối mùa, từ hương vị đến độ giòn. Vì thế, người ta thường vào rừng tìm măng khi mùa xuân vừa tới. Đầu xuân, măng nhiều, ăn không hết bà con mang ra chợ bán. Rừng Bắc Kạn có rất nhiều loại măng, như: măng tre, măng trúc, măng nứa, măng mai... Nhưng nếu nói là đặc sản phải kể đến thứ “măng vầu” hay còn gọi là “măng đắng”. Cây măng vầu có sức sinh sôi thật kỳ diệu, cứ đào hết đợt này măng lại lên đợt khác, rừng vầu cứ khai thác hết năm này đến năm khác. Theo kinh nghiệm của bà con, vào đầu vụ những mầm măng vầu mới nhú còn có vị ngọt xen lẫn vị nhặm nhặm đắng, thế nhưng hễ có tiếng sấm hay bắt đầu từ tháng 2 âm lịch là măng lại chuyển sang vị đắng.
Đã vào đến rừng của mình được giao, anh Huy xoa tay, mắt nhìn xuống đám lá mục dưới những gốc vầu tìm kiếm. Chỉ trong chốc lát anh đã tìm thấy mấy tai măng nhu nhú dưới lớp lá dầy cộm. Sau vài nhát cuốc, cộng thêm dùng thuổng bẩy, anh Huy đã bẩy lên ba chiếc măng to. Con dao sắc lẹm vạt qua vài nhát, anh nhanh chóng bóc lớp vỏ già bên ngoài măng. Năm cái măng nhanh chóng nằm gọn trong tải. Anh bảo: “Nhìn thì dễ thế thôi chứ chưa làm bao giờ hoặc ít kinh nghiệm, có khi đi cả buổi chả được mấy cái măng, có khi còn lỗ tiền xăng ấy”. 
Đến trưa, từng tốp người trĩu nặng trên vai những tay nải, gùi măng bắt đầu xuống điểm tập kết xe máy ở bìa rừng. Nhóm nào may mắn trúng nhiều, phải đi vài ba chuyến mới vận chuyển hết măng xuống. Tại đây, măng đóng vào bao tải, chở tới điểm thu mua tập trung ngay gần nhà. Chị Hoàng Thị Duyên vừa đóng măng vào bao vừa kể: “Trước đây, đi tìm măng chỉ là để ăn, người nào có xe máy thì chở ra chợ bán. Những năm gần đây, thương lái tận vùng xuôi đánh ô-tô lên đón sẵn dọc đường. Chị em chỉ cần thu hoạch về cân, bán là có tiền. Người nào chăm chỉ, may mắn có khi ngày kiếm cả triệu đồng”.

 
3/Vùng rừng An toàn khu ở Chợ Đồn được coi là thiên đường của cây vầu. Mùa măng, xe ô-tô chở măng nối nhau về xuôi, dù giá cả có lúc thấp, lúc cao nhưng người dân lúc nào cũng lãi vì cây vầu mọc tự nhiên, không cần chăm sóc cũng ra măng đều đặn. Vài năm trước, đánh giá tiềm năng kinh tế này, UBND huyện Chợ Đồn đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều tra, thống kê. Số liệu sơ bộ rất đáng ngạc nhiên khi trung bình mỗi vụ măng kéo dài khoảng ba tháng, người dân các xã Bình Trung, Lương Bằng, Nghĩa Tá... thu từ 20 đến 30 tỷ đồng tiền bán măng. Con số này những năm gần đây dự báo còn tăng hơn khi một số hộ dân đầu tư ống dẫn nước tưới đều cho cây vầu. Cây vầu đủ nước càng cho nhiều măng hơn. 
Anh Huy đãi tôi bữa trưa bằng ba món măng cơ bản mà theo anh là đặc sản của đồng bào Tày ở Chợ Đồn. Đó là măng luộc, măng xào tỏi và măng cuốn thịt, được cuốn bằng lá măng tươi với nhân là thịt xay trộn rau răm. Cẩn thận hơn, đề phòng tôi không ăn được măng đắng, anh còn làm thêm nửa nồi măng cuốn bằng măng tươi chưa nhú khỏi mặt đất. Tuy nhiên, anh chốt lại: “Phải có vị đắng mới ngon”. Quả thật vị đắng của măng rừng thật khó tả, nhặm nhặm đắng nhưng lại rất ngon. 
Đem câu chuyện về măng trao đổi với Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Chợ Đồn Trần Thị Miên, chị Miên cho biết: “Chưa có thống kê chính xác về sản lượng măng người dân thu được hằng năm, nhưng có thể khẳng định, mỗi vụ măng đem lại giá trị kinh tế rất lớn cho người dân trong thời gian ngắn. Những năm trước, lúc được mùa, có những hộ từng thu hàng trăm triệu đồng chỉ trong ba tháng. Măng Chợ Đồn chủ yếu tiêu thụ các tỉnh miền xuôi, thậm chí thương lái tận Hòa Bình cũng lên thu mua”. 
4/Ngoài măng vầu, ở Bắc Kạn còn nhiều loại măng của các giống thuộc họ tre, như: măng trúc, măng nứa, măng luồng, măng mai, măng nứa... Vùng nào ở Bắc Kạn cũng có măng và đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân trong thời gian ngắn. Nhiều loại măng của Bắc Kạn bắt đầu được chế biến thành sản phẩm OCOP và có mặt nhiều thị trường trong nước. Tại các xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (huyện Bạch Thông) đang sở hữu giống nứa tép mọc tự nhiên trên rừng. Thông thường cây nứa rất to, nhưng giống nứa tép này cây to nhất cũng chỉ tầm ngón chân cái, vì vậy măng nứa tép nhỏ, có vị rất đặc trưng. 
Nhận thấy tiềm năng phát triển mạnh về sản vật măng nứa rừng thành một trong những sản phẩm hàng hóa nổi tiếng, từ năm 2017, Hợp tác xã Đại Hà (Quang Thuận) đã tìm hiểu thị trường và đầu tư để chế biến măng nứa tép sấy khô. Hợp tác xã xây dựng xưởng sản xuất, lò sấy, được cấp chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm được hút chân không, đầy đủ tem nhãn trước khi xuất ra thị trường… Nhu cầu của thị trường măng an toàn được chú trọng nên sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Trung bình mỗi năm đưa ra thị trường khoảng gần 1 tấn măng sấy khô. Sản phẩm măng nứa tép sấy khô đã được bình chọn đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh, có mặt tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nam, Quảng Ninh, Phú Thọ và Thái Nguyên. Mở rộng chế biến, đến nay, Hợp tác xã có hai sản phẩm chính là măng nứa tép sấy khô và măng nứa thường sấy khô. Mỗi năm, Hợp tác xã thu mua khoảng hơn 10 tấn măng tươi cho bà con. Những ngày cao điểm, máy hoạt động tối đa công suất sấy khoảng 600 kg măng/ngày.
Hiện nay, tại Bắc Kạn đã có rất nhiều Hợp tác xã chuyên chế biến, kinh doanh măng khô hiệu quả. Tại Hợp tác xã măng khô Mai Lạp (Chợ Mới), chúng tôi được giới thiệu quy trình làm măng khô thủ công. Măng tươi được sơ chế với các công đoạn cắt, thái, luộc kỹ trong nhiều giờ, phơi nắng tự nhiên, giúp cho măng có mầu vàng sậm đẹp mắt, mùi thơm đặc trưng. Sản phẩm không sử dụng phẩm mầu hay chất bảo quản. Thông thường, cứ khoảng 18 - 20 kg măng tươi sẽ thu về 1 kg măng khô. 
Mùa lộc rừng chỉ còn gần tháng nữa sẽ kết thúc. Tuy nhiên, dù hiệu quả kinh tế rất cao thì người dân vẫn đang khai thác tự nhiên là chủ yếu. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa chia sẻ, đích hướng đến là hướng dẫn người dân chăm sóc bài bản rừng tự nhiên, trong đó biện pháp chủ chốt là có sự chăm sóc, tưới nước đều đặn để có thể thu hái măng trong thời vụ dài hơn. Từ đó, mới bảo vệ tốt rừng và có được lợi nhuận từ rừng bền vững. 
Sản phẩm của Hợp tác xã Mai Lạp hiện đã có bao bì, tem nhãn, mã vạch, đủ điều kiện để đưa vào các gian hàng nông sản sạch hay hệ thống siêu thị. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất được hơn 1 tấn măng khô, giá bán lẻ từ 320 - 350 nghìn đồng/kg
Theo Bài & ảnh: Tuấn Sơn (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...