Mùa gió thắm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku của tôi đang những ngày đẹp nhất trong năm. Mùa khô vừa chạm ngõ sau một đôi cơn mưa còn sót lại, đượm vào cây, thắm vào đất nét tươi mới, dịu dàng. 
Mới chớm mai, bầu trời đã bát ngát thẳm xanh, trong vắt; nắng phất màu hanh hao, ươm từng lọn tơ vàng óng. Và gió, gió xôn xao mái phố, gió nhẹ vờn tàng thông; rồi thoắt cái, gió đã khẽ khàng ẩn mình trong khăn áo của các mẹ, các chị. Chút se lạnh đầu ngày khiến phố xốn xang màu sắc, chủ đạo là bản hợp ca của sắc đỏ, mới nhìn thoáng qua đã cảm nhận được sự ấm áp, vui tươi.
Nhìn phố, tôi lại nhớ về ngày mới bén duyên với miền đất cao nguyên thân thương này. Cũng vào một ngày mùa khô của gần 20 năm trước. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi vượt hơn ngàn cây số, sau 1 ngày đêm ngồi trên chiếc xe khách cũ mèm đượm mùi nước mắm và thuốc lá, tôi chạm đất Pleiku ở bến xe nhỏ trong lòng thành phố. Đang là ban trưa, sự rực rỡ của nắng kéo theo chút nóng bức, tựa như sự oi ả của xứ Bắc quê tôi. Chỉ một sự đồng điệu nho nhỏ của thời tiết mà đã giúp tôi vơi bớt cái cảm giác lạ lẫm. 
Tôi ngước nhìn bầu trời. Ôi chao, trời vời vợi xanh trong, ngăn ngắt một màu xanh của tiết thu vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bất chợt, một cơn gió ở đâu ùa tới, cuốn theo vài đám bụi đỏ, quẩn vào chân tôi, quấn quýt không rời. Ngắm gió, tôi biết vẻ vô tình của thiên nhiên đã đánh thức được sự lãng-mạn-tự-thân trong tôi. Hít một hơi thở thật sâu, tôi kéo hành lý đi tìm nhà trọ cùng xiết bao quyết tâm gắn bó với đất này.
Mấy mươi mùa khô đi qua nỗi niềm của người con gái xa quê, có những khi nhớ người thân, bạn bè da diết, mau mải sắp xếp công việc để được trở về; nhưng đâu chừng dăm ngày, tôi đã bắt đầu nhớ Pleiku bé nhỏ, trước tiên là nhớ những cơn gió, khi ràn rạt khô người, khi dịu nhẹ tóc mây.
Ảnh minh họa: Thái Bình
Ảnh minh họa: Thái Bình
Khoảng 10 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô Tây Nguyên là tôi lại ôm điện thoại thủ thỉ với một người bạn thân, đại ý: Cao nguyên Pleiku yên bình, trong trẻo đến lạ kỳ, quanh năm rạng rỡ sắc hoa, rất hợp với những tâm hồn lãng mạn, duy mỹ, nhất là giới nữ, như bạn…
Bạn tôi thế nào cũng cười rồi bảo: “Thôi, không phải chèo kéo thiết tha như thế, để mình thu xếp công việc, năm nào mà chả một đôi tuần tận hưởng cảm giác 1 ngày đi qua 4 mùa ở Phố núi. Âu cũng là cách mình thêm một lần cảm nhận cuộc sống, trong một không gian mới, một góc nhìn mới, để lại thấy thêm yêu cuộc đời khi được miền đất giàu nắng vàng và gió thắm tiếp thêm cho nguồn năng lượng sống…”.
Vậy là, trong 10 năm qua, chúng tôi-hai người bạn thân, một là công dân Pleiku, một là du khách đến từ vùng quan họ Kinh Bắc-đã đi cùng những mùa khô Tây Nguyên với biết bao trải nghiệm đáng giá, mà lần nào cũng vô cùng mới mẻ, hấp dẫn. Sau này, Pleiku còn đón thêm nhiều bạn mới-những người thân của bạn tôi, đó là hiệu ứng từ những tấm ảnh của bạn chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Pleiku thân thương của tôi đang trong những ngày đẹp nhất của năm, từ không gian khoáng đạt, đất trời giao hòa đến rộn ràng lễ hội. Sớm mai, mở cửa nhìn ra khoảng đất trống trước nhà, thấy thấp thoáng dã quỳ nhẹ nương theo gió. Buổi trưa, đi làm về giữa nắng hanh vàng, chỉ cần bước chân vào nhà là đã cảm thấy được sự đổi thay đến diệu kỳ của thời tiết. Chiều muộn, trời chuyển mình se sắt, dịu nhẹ khói sương, ra phố là luôn nhớ cầm theo chiếc khăn để khuya về bớt lạnh.
Chỉ cần bấy nhiêu thôi đã đủ giữ chân tôi, nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cùng Phố núi. Và tôi biết, ở cùng phố, thiết tha yêu phố, không chỉ có một tôi… 
THÁI BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.