Mùa cỏ hát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến Gia Lai vào bất cứ thời điểm nào, bạn cũng sẽ có cơ hội ngắm nhìn những mùa hoa rực rỡ. Tôi không dám đem ra so sánh với xứ ngàn hoa Đà Lạt nhưng những mùa hoa ở đây cứ làm tôi phải mê mẩn bởi vẻ đẹp hoang sơ và đầy tinh khôi. Từng vạt hoa cỏ bung nở giữa nắng gió mênh mang càng tô điểm cho bức tranh thiên nhiên thêm thu hút, gọi mời bao tâm hồn đam mê “xê dịch”.
Sau một tuần làm việc căng thẳng, tôi tự cân bằng cảm xúc bằng cách lang thang đâu đó. Tôi tự nhận mình có thể nhìn hoa mà đoán mùa. Mùa nào hoa ấy, ví như dã quỳ chơm chớm nụ là biết cuối thu, thấy bông cỏ đuôi chồn bồng bềnh trong gió là biết tiết trời vào đông và nhìn thấy cây cộng sản bung hoa là mùa xuân đã cận kề.
Ai cũng nghĩ rằng không có loài hoa nào có thể trỗi dậy để bung xòe trước mùa đông giá rét. Ấy vậy mà cỏ đuôi chồn luôn nở đúng vào những chiều trở lạnh để rồi khắp nẻo ráng chiều buông hờ trên những ngọn cỏ đuôi chồn. Dù ở bãi đất khô cằn cỗi hay tận cùng thung sâu, cỏ đuôi chồn vẫn vươn lên, mọc san sát nhau, trải dài theo nương rẫy. Những bông cỏ chuyển từ hồng tím sang ngả vàng tiếp tục theo làn gió bay khắp nơi sinh sôi, nảy nở.
Mùa cứ thế nối nhau. Loài thảo mộc này phát triển rất nhanh vì hạt phát tán theo gió bay đi khắp nơi không kén chọn thổ nhưỡng. Khi hương sắc phai tàn, mầm giống sẽ nằm đợi qua các đợt mưa, đủ độ ẩm đến ngày nắng ráo nảy nở bung ra khoe sắc chuyển sang màu vàng úa rồi khô dần vào khoảng cuối tháng 12. Âm thầm mà can đảm, dịu dàng mà gai góc, bền bỉ mà mãnh liệt, duyên dáng mà can trường.
Sẽ không đúng lắm nếu xếp cỏ đuôi chồn thuộc loài hoa dại vì vốn dĩ chúng gắn bó với vùng đất này như một đặc ân suốt ngàn năm mà thiên nhiên ban tặng; chúng gần gụi, quen thuộc, quấn quýt với đất trời nơi đây. Chúng quần tụ thành cụm, thành vạt, thành khóm, thành đám, thành lớp lớp mềm mượt đung đưa trong nắng gió. 
Ảnh minh họa: Bé Nguyên
Ảnh minh họa: Bé Nguyên
Khi ánh mặt trời đượm màu trên các nhánh cỏ đuôi chồn, ánh hoàng hôn trở nên lãng mạn và rung động tâm hồn lữ khách. Kịp lúc tia nắng cuối cùng hắt xuống thêm nhiều vẩn mây lang thang là thể nào không gian cũng sẽ chuyển đổi từ màu vàng nhạt sang màu cam sáng tạo ra một ráng trời tuyệt đẹp. Hoa cỏ đuôi chồn sao cứ khiến người ta thêm lãng mạn. 
Có lần, tôi ghé xuống phố ngang qua ngã ba Diệp Kính, nhìn thấy có gian hàng bán hoa khô chưng rất nhiều cỏ đuôi chồn. Chúng được nhuộm nhiều màu sắc rực rỡ, tươi mới không lẫn vào đâu giữa bạt ngàn hương sắc khác. Những bông cỏ đuôi chồn được trưng trong bình sứ trắng tinh sang trọng, khác với đời hoa dân dã ngoài kia. Tôi định mua một bình về đặt góc phòng nhưng rồi lại thôi vì chợt nghĩ, nếu thế chẳng còn là cỏ hoa hoang dã, chẳng còn vẻ đẹp mộc mạc giản dị vốn có.
Tôi đưa tay chạm vào hoa, nghe chảy tràn cả một niềm nhung nhớ. Bên những mùa cỏ hát, tôi ví mình như đang thương một người vậy, chẳng phải cảm giác yêu nồng nhiệt cháy bỏng nhưng cũng không quá nhạt nhòa.
Hiện nay, con người luôn khao khát tìm về với cuộc sống tự nhiên thì một con đường cây rợp bóng xanh, một mặt hồ tĩnh lặng hay một vạt cỏ đuôi chồn thôi cũng đủ làm tim ngân lên khúc tình ca trong một chiều nguyên sơ. Đứng giữa không gian mênh mông này, đưa mắt ngắm nhìn tấm thảm màu hồng tim tím ngát cứ trải dài, dập dờn rồi uốn lượn mới thấy chiếc máy ảnh kỹ thuật số bỗng thừa thãi trên tay tôi tự bao giờ. 
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…