Mùa gió thắm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku của tôi đang những ngày đẹp nhất trong năm. Mùa khô vừa chạm ngõ sau một đôi cơn mưa còn sót lại, đượm vào cây, thắm vào đất nét tươi mới, dịu dàng. 
Mới chớm mai, bầu trời đã bát ngát thẳm xanh, trong vắt; nắng phất màu hanh hao, ươm từng lọn tơ vàng óng. Và gió, gió xôn xao mái phố, gió nhẹ vờn tàng thông; rồi thoắt cái, gió đã khẽ khàng ẩn mình trong khăn áo của các mẹ, các chị. Chút se lạnh đầu ngày khiến phố xốn xang màu sắc, chủ đạo là bản hợp ca của sắc đỏ, mới nhìn thoáng qua đã cảm nhận được sự ấm áp, vui tươi.
Nhìn phố, tôi lại nhớ về ngày mới bén duyên với miền đất cao nguyên thân thương này. Cũng vào một ngày mùa khô của gần 20 năm trước. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi vượt hơn ngàn cây số, sau 1 ngày đêm ngồi trên chiếc xe khách cũ mèm đượm mùi nước mắm và thuốc lá, tôi chạm đất Pleiku ở bến xe nhỏ trong lòng thành phố. Đang là ban trưa, sự rực rỡ của nắng kéo theo chút nóng bức, tựa như sự oi ả của xứ Bắc quê tôi. Chỉ một sự đồng điệu nho nhỏ của thời tiết mà đã giúp tôi vơi bớt cái cảm giác lạ lẫm. 
Tôi ngước nhìn bầu trời. Ôi chao, trời vời vợi xanh trong, ngăn ngắt một màu xanh của tiết thu vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bất chợt, một cơn gió ở đâu ùa tới, cuốn theo vài đám bụi đỏ, quẩn vào chân tôi, quấn quýt không rời. Ngắm gió, tôi biết vẻ vô tình của thiên nhiên đã đánh thức được sự lãng-mạn-tự-thân trong tôi. Hít một hơi thở thật sâu, tôi kéo hành lý đi tìm nhà trọ cùng xiết bao quyết tâm gắn bó với đất này.
Mấy mươi mùa khô đi qua nỗi niềm của người con gái xa quê, có những khi nhớ người thân, bạn bè da diết, mau mải sắp xếp công việc để được trở về; nhưng đâu chừng dăm ngày, tôi đã bắt đầu nhớ Pleiku bé nhỏ, trước tiên là nhớ những cơn gió, khi ràn rạt khô người, khi dịu nhẹ tóc mây.
Ảnh minh họa: Thái Bình
Ảnh minh họa: Thái Bình
Khoảng 10 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa khô Tây Nguyên là tôi lại ôm điện thoại thủ thỉ với một người bạn thân, đại ý: Cao nguyên Pleiku yên bình, trong trẻo đến lạ kỳ, quanh năm rạng rỡ sắc hoa, rất hợp với những tâm hồn lãng mạn, duy mỹ, nhất là giới nữ, như bạn…
Bạn tôi thế nào cũng cười rồi bảo: “Thôi, không phải chèo kéo thiết tha như thế, để mình thu xếp công việc, năm nào mà chả một đôi tuần tận hưởng cảm giác 1 ngày đi qua 4 mùa ở Phố núi. Âu cũng là cách mình thêm một lần cảm nhận cuộc sống, trong một không gian mới, một góc nhìn mới, để lại thấy thêm yêu cuộc đời khi được miền đất giàu nắng vàng và gió thắm tiếp thêm cho nguồn năng lượng sống…”.
Vậy là, trong 10 năm qua, chúng tôi-hai người bạn thân, một là công dân Pleiku, một là du khách đến từ vùng quan họ Kinh Bắc-đã đi cùng những mùa khô Tây Nguyên với biết bao trải nghiệm đáng giá, mà lần nào cũng vô cùng mới mẻ, hấp dẫn. Sau này, Pleiku còn đón thêm nhiều bạn mới-những người thân của bạn tôi, đó là hiệu ứng từ những tấm ảnh của bạn chia sẻ trên các trang mạng xã hội.
Pleiku thân thương của tôi đang trong những ngày đẹp nhất của năm, từ không gian khoáng đạt, đất trời giao hòa đến rộn ràng lễ hội. Sớm mai, mở cửa nhìn ra khoảng đất trống trước nhà, thấy thấp thoáng dã quỳ nhẹ nương theo gió. Buổi trưa, đi làm về giữa nắng hanh vàng, chỉ cần bước chân vào nhà là đã cảm thấy được sự đổi thay đến diệu kỳ của thời tiết. Chiều muộn, trời chuyển mình se sắt, dịu nhẹ khói sương, ra phố là luôn nhớ cầm theo chiếc khăn để khuya về bớt lạnh.
Chỉ cần bấy nhiêu thôi đã đủ giữ chân tôi, nuôi dưỡng tâm hồn tôi, cùng Phố núi. Và tôi biết, ở cùng phố, thiết tha yêu phố, không chỉ có một tôi… 
THÁI BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.