(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa. Đồng đội tôi, những người một thời cùng chung mái nhà tranh vùng căn cứ, cùng chung những vui buồn, sướng khổ với bao nước mắt, tiếng cười... giờ đây người còn, kẻ mất. Nhưng có một điều luôn còn mãi trong tôi, đó là những kỷ niệm, những ký ức ngày đánh Mỹ trên rừng Tây Nguyên gian khó và khắc nghiệt. Tây Nguyên, Gia Lai là tình yêu, là nỗi nhớ mà tôi sẽ mang theo suốt cả cuộc đời.
1. Tây Nguyên mỗi năm có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Vào mùa mưa, trời đại ngàn xám xịt. Những con sông, con suối no nước. Những con thác ầm ầm tung bọt trắng xóa. Mùa khô nắng như thiêu như đốt. Trời xanh bất tận. Rừng thưa và đồng cỏ héo khô. Sông suối đều cạn nước.
Ở căn cứ ít căng thẳng hơn ngoài mặt trận nhưng rất nhiều việc. Công việc cả năm hầu như dồn vào những tháng mùa khô. Mùa khô là mùa của nương rẫy, từ phát, đốt, trỉa lúa, bắp đến chăm sóc các loại cây trồng, thu hoạch đều gói gọn trong dịp này. Việc săn bắn, đánh bắt dự trữ thực phẩm cho cả năm cũng trông chờ vào mùa khô. Vì vậy số anh em ở hậu cứ rất thạo việc. Mỗi cơ quan, đơn vị đều có hẳn một nhóm “thợ” chuyên săn bắt. Cứ đến hẹn lại đi. Ở đơn vị tôi, trong số thợ ấy có Y Lun, người Jrai, là thợ săn vào loại giỏi nhất. Nghề chính của Y Lun là vẽ tranh cổ động. Anh được đào tạo họa sĩ chính quy từ hồi tập kết. Tranh anh ký họa những chiến sĩ chiến đấu ngoài mặt trận với những trận diệt cả đoàn xe quân sự Mỹ trên đường 19. Anh vẽ những thiếu nữ dân tộc Jrai, Bahnar, Kinh… đều rất đẹp và sống động.
Nhưng tài vẽ của anh không thấm vào đâu so với tài săn bắn. Những lúc không vẽ anh lại xách súng vào rừng săn bắn. Mỗi lần như vậy, chả về không bao giờ.
Chỗ chúng tôi còn thêm một nhóm “thợ” đánh cá. Chuyện này phải kể đến 2 anh là Hrin và Đinh Souch, người Bahnar. Hỏi chỗ nào nhiều cá, loại cá gì trên sông Ba thì các anh đều nói vanh vách. Không chỉ biết cắm cần câu ở vùng nước sâu và tĩnh dưới những cây sung, cây vả cổ thụ để bắt các loại cá chình, cá quả mà có con nặng hàng chục ký, Hrin và Đinh Souch còn biết làm sa, đặt sa bẫy cá. Sa của các anh rất giống cái đăng của người Kinh nằm ngang dưới đoạn sông hẹp. Dòng nước chảy mạnh khiến cá, tôm, cua, ốc đã lọt vào sa là không ngược lên nổi. Mỗi ngày, các anh đổ sa 2 lần vào sáng và tối, mỗi lần cũng được vài ký. Có lần được con chình dài đến hơn 1 mét, các anh liền để dành cho đồng đội bị đau ốm bởi thịt cá chình ngon và rất bổ.
|
Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đức Thụy |
2. Anh Tiếu quê Bình Định, đã có vợ và có con gái Cẩm Tú đẹp như thiên thần. Mỗi lần anh cho xem ảnh, mấy cậu lính Bắc lại gọi anh là ba Tiếu. Anh rất hay cười, khổ mấy, ác liệt mấy vẫn cười. Có lẽ vì hay cười từ bé xíu nên ba má mới đặt tên anh là Tiếu. Anh có tài trang trí nội thất và may vá. Bên cạnh bàn làm việc, anh còn đặt cả cái máy khâu. Anh may rất giỏi, chỉ cần nhìn người, không cần đo mà áo quần anh may vẫn vừa như in. Chiếc máy may này là do anh về tận quê mang lên trong lần đi công tác ở Bình Định. Thấy anh em trong đơn vị tối đến lại phải ngồi bên đống lửa cặm cụi khâu vá từ cái ba lô đứt quai, bị chuột khoét hay quần áo rách vì chui rừng, phát rẫy... anh rất thương. Từ ngày mang máy lên, anh bảo tất cả những việc ấy để anh lo và tối tối, bên chiếc đèn dầu cải tiến được ưu tiên, anh ngồi may vá cho mọi người đến gần sáng. Những cái dù hàng, dù pháo sáng của Mỹ qua tay anh trở thành những tấm đắp, những bọc võng hình múi bưởi rất đẹp.
Thế rồi một lần đi công tác, anh lọt vào ổ thám báo phục kích và hy sinh. Chúng đã đặt mìn chỗ anh nằm để khi đồng đội đến đưa anh về là bị dính mìn tiếp. Sau 3 ngày phát hiện “trò chơi” chết chóc này, đồng đội vẫn chưa có cách nào đưa anh ra được thì bỗng nghe tiếng mìn nổ rất to. Sau đó có chiếc trực thăng đến đỗ ngoài bãi trống kéo bọn thám báo lên. Quân giết người cùng với quả mìn đã biến anh Tiếu thành tro bụi. Cả đơn vị bàng hoàng khi nghe tin dữ.
3. Hết mùa khô là tới mùa mưa. Mỗi lần vượt sông Ba, chúng tôi phải chống chọi với nước lũ cuồn cuộn. Có những chỗ thác nước chồm lên như con ngựa bất kham, hất tung cái bờm bằng nước lên cao. Những cây gỗ to vài ba người ôm không hết bất thình lình lao xuống, không tránh kịp là bị nhấn chìm trong dòng nước. Chiếc cầu treo trên dòng sông Ba nối từ bờ Bắc sang bờ Nam làm toàn bằng dây rừng. Mùa khô, cầu cách mặt nước gần chục mét. Vậy mà đến mùa mưa, đi trên cầu có cảm giác chỉ thò chân xuống là chạm nước.
Vượt sông Ba đã khổ, nhưng so với vượt đường 19 thì không thấm vào đâu. Đoạn từ Pleiku đến An Khê, địch cày ủi trắng cả 2 bên đường, mỗi bên 500 m. Những làng gần đường, địch cày ủi, đánh phá dã man và khủng bố suốt ngày đêm, buộc dân phải vào ấp chiến lược để chúng kiểm soát và giành kiểm soát cả con đường. Cuộc đấu tranh giành dân giữ đất giữa ta và địch lúc nào cũng nóng bỏng. Có lần, chỉ với một đoạn vượt đường 19 hơn 1 km mà phải đi mất cả đêm. Có đêm trời mưa tối đen, cả đoàn đang đi theo hàng dọc, vừa qua được vùng đất trống khoảng 500 m chuẩn bị bước lên mặt đường nhựa thì nghe có tiếng nói: “Kia kìa, chúng nó đang chuẩn bị… 1 thằng, 2 thằng, 3 thằng… Thằng đi đầu mang AK…”. Chúng tôi bình tĩnh nằm xuống nghe ngóng nhưng không thấy động tĩnh gì. Nhìn kỹ thấy từ xa có cả đốm sáng lập lòe như có người hút thuốc. Thì ra bọn bảo an, dân vệ gác đường thỉnh thoảng nói vu vơ để đánh động. Ai không biết tưởng bị địch phát hiện mà bỏ chạy là lộ ngay.
Đường 19 trong chiến tranh từ hồi đánh Pháp đã được gọi là tử lộ. Không ngày nào không có xe địch cháy trên mặt đường. Có trận ta diệt cả đoàn xe 40-50 chiếc. Chúng hành quân có trực thăng và xe bọc thép hộ tống. Phía bộ đội ta cũng có trận bị tổn thất khi phi pháo địch ập tới nhanh mà chưa kịp rút về căn cứ. Có trận thương vong nhiều, công tác thương binh tử sĩ gặp khó khăn. Nhiều khi thương binh tử sĩ tự nhiên biến mất, lần theo dấu máu mới biết đã bị cọp tha. Chả biết từ hồi nào có câu “cá sông Ba ma đường 19”. Chết nhiều đã đành, mà nhiều cái chết còn rất thương tâm, chúng tôi không dám nhìn vì rùng rợn quá!
Có thời gian “hưu chiến” giữa ta và địch, cứ chiều chiều là lại gặp hình ảnh những sinh hoạt đời thường của bà con Jrai các buôn làng. Sau khi đi làm rẫy về, họ thường ra các bến nước tắm giặt. Mỗi làng thường có 1-2 bến nước dưới bóng các cây gạo (cây pơ lang) to hoặc bờ tre xanh tốt. Người già và trẻ nhỏ tắm xong thì đến lượt các thiếu nữ mới lớn, tuổi chừng 15-16. Lúc tắm họ lấy một nắm đất dẻo màu trắng ngà gần đấy to gần bằng nắm tay chà lên đầu, lên tóc, lên khắp cơ thể, kỳ cọ một lúc rồi xả nước. Tắm xong, họ lấy đầy nước vào các quả bầu đen bóng hoặc màu cánh gián xếp vào gùi, gùi về nhà. Những người tắm loại “xà phòng đất” này đều có mái tóc suôn mượt mà và nước da đẹp mịn màng.
4. Căn cứ chủ yếu và lâu dài của tỉnh Gia Lai nằm ở Khu 10, phía Tây huyện Kbang ngày nay, giáp tỉnh Bình Định. Những năm chiến tranh chống Mỹ, Khu 10 liên tiếp hứng chịu B52 và chất độc hóa học. Đời sống của đồng bào và chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Lúa, bắp bị chất độc hóa học chưa trổ bông đã héo khô, những rẫy mì sau một cơn gió là rụng không còn một chiếc lá. Khi bị chất độc hóa học, mì đổ ngập nước, ninh cả buổi mà lúc vớt ra vẫn như còn sống, ăn vừa sượng vừa hôi mùi hóa chất. Trên rẫy lúa bị chết, anh em có sáng kiến bỏ các hạt đậu xanh vào từng gốc lúa, khi mưa xuống đậu xanh lên rất tốt, chả mấy được thu hoạch. Đậu xanh ăn mấy bữa còn ngon, sau đó chỉ ngửi thấy mùi ai cũng sợ. Chị nuôi tìm đủ mọi cách, bữa nấu lẫn với bắp, bữa nấu với mật ong như chè, bữa thì rang… nhưng cũng không ăn thua. Số gạo, bắp trong kho cũng chỉ còn đủ dành cho những ai đau yếu nặng. Các cơ quan, đơn vị tăng cường săn bắn. Nhiều lần bắn được mang cũng chỉ luộc, nướng ăn trừ bữa hoặc xào với măng le ăn thay cơm…
Khi bị ngấm chất độc hóa học, nguồn “lương thực, thực phẩm” tự nhiên của núi rừng cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Các loại hoa quả như dâu đất trước đây khi chín ăn ngọt không kém vải thiều, bị ngấm chất độc trở nên đắng chát và hôi không tả được. Rau dớn, đọt đùng đình, măng le, măng tre luộc lên đổ hết nước nhiều lần mà khi xào ăn vẫn còn mùi hôi. Cũng may, đất rừng Tây Nguyên như một võ sĩ đấm bốc, dù bị đánh ngã trên võ đài nhưng rất nhanh chóng vùng dậy. Chỉ qua vài mùa mưa, cây cối đã xanh trở lại. Trên các sườn núi thấp và cả bên bờ sông Ba, nương rẫy lại phát triển tốt tươi.
5. Cứ sau mỗi chiến dịch lớn hay những trận bị đòn đau, địch lại rải thảm bom B52 và chất độc hóa học rồi đổ quân vào những vùng nghi có lực lượng ta để càn quét, “tìm diệt” đốt phá kho tàng…
Có lần địch đổ quân ngang trên đỉnh đồi gần rẫy của chúng tôi. Trước khi đổ quân, chúng dùng máy bay ném bom các loại biến đỉnh đồi thành trận địa, cứ điểm dã ngoại. Đầu tiên là máy bay ném bom phát quang, tiếp đến bom cháy, bom phá… chỉ trong mấy tiếng đồng hồ đã san phẳng quả đồi. Sau khi dùng máy bay vũ trang bắn phá các vùng xung quanh rộng hàng chục cây số vuông, địch chở đến xe ủi, các loại pháo hạng nặng, dây thép gai... sau cùng mới dùng trực thăng đổ quân. Chúng tôi không lạ gì chiến thuật này của Mỹ. Mỗi lần như vậy, ta chỉ để lại bộ phận nhỏ bám địch, còn đại bộ phận hành quân lên vùng núi cao Đak Glei gần Kon Tum. Sau những ngày địch đổ quân hòng “tìm diệt”, chúng đã thất bại. Ta chỉ với một lực lượng nhỏ được “đặc công hóa” đã biến kẻ đi tìm diệt trở thành kẻ bị tìm diệt. Khi địch rút ra khỏi trận địa, chúng vấp phải chông thò, mìn của ta bủa vây bốn phía. Địch co lại thì bị quân ta vào tận trong hàng rào kẽm gai tiêu diệt. Không giải quyết được mục tiêu đặt ra, cuối cùng chúng phải rút quân.
Lúc đến đã nhanh, lúc đi càng nhanh hơn. Mỹ là vậy. Trên trận địa, chúng bỏ lại ngổn ngang các vỏ thùng đạn, có thùng còn nguyên. Quần áo, mũ, giày, đồ hộp, thuốc lá, cuốc xẻng, dao, bật lửa… đủ thứ toàn đồ sản xuất tại Mỹ. Đợt địch càn ấy, hệ thống hầm hào và nhà cửa của chúng tôi còn nguyên. Anh em nói vui, đợt càn này cũng “hay”, Mỹ cung cấp cho ta khá nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có nhiều đồ hộp và cả thuốc lá để ăn Tết.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, vậy mà trong tôi những kỷ niệm ấy sao cứ còn mãi.
Bùi Quốc Trưởng
------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này