Một ngày với Khăm Phết Lào-Hậu duệ chân truyền vua voi Amakong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Khăm Phết Lào (bên trái ảnh- PV) và ông Ama Kông lúc còn sống.
Tiếng tăm của Amakong không chỉ gắn liền với tài nghệ săn bắt voi rừng mà còn được biết đến với bài thuốc danh bất hư truyền. Trước lúc khuất núi, Amakong đã kịp truyền nghề săn voi và làm thuốc cho hai người con là cậu cả và người con thứ 11 - Khăm Phết Lào. Cuộc đời đổi thay, nghề săn voi dần vào quá khứ. Riêng Khăm Phết Lào đến nay còn giữ và phát huy giá trị của thang thuốc quý.
Câu chuyện vua voi Amakong tuổi 83 trúng tiếng sét ái tình rồi cưới cô vợ 25 tuổi đến nay còn nhiều người hoài nghi. Dĩ nhiên là thật 100% bởi qua lời kể của ông Khăm Phết Lào, dù qua tuổi xế chiều nhưng vua voi vẫn tuấn kiệt nhờ sử dụng vị thuốc có công dụng bổ thận tráng dương do mình bài chế. Amakong sắc thuốc uống đều đặn nên hằng ngày, bà Cả, bà Hai... cho đến bà Tư (25 tuổi) đều được “yêu”, được “thương”, không ai tị nạnh ai!
Huyền thoại của vua voi
Buôn Đôn - mảnh đất huyền thoại luôn tự hào là nơi sinh sống của 2 ông vua nổi tiếng bậc nhất Tây Nguyên. Đó là ông Y Thu Knul (thọ 110 tuổi) một đời gắn với chiến tích bắt và thuần dưỡng khoảng hơn 400 con voi. Bản thân ông Y Thu Knul từng được vua Thái Lan phong tặng danh hiệu Khun Ju Nốp - Vua Săn Voi.
Người ta đồn rằng Vua Săn Voi học được nhiều bài thuốc quý nhờ quãng thời gian tung hoành khắp các cánh rừng Đông Dương bạt ngàn. Vua Y Thu trước khi qua đời đã kịp truyền lại nghề săn voi và nghề làm thuốc cho con rể là Y Prung Eban - Ama Kông, người được phong danh hiệu vua voi thứ hai, cũng là vị vua cuối cùng ở mảnh đất Buôn Đôn. Vang danh không thua kém Vua Săn Voi, Ama Kông (thọ 103 tuổi) một đời săn được 298 con voi rừng.
Là một trong hai hậu duệ nổi tiếng của dòng dõi nhà vua nhưng Khăm Phết Lào không thích nghề săn voi, thậm chí còn sợ voi (!). Đổi lại, từ nhỏ Khăm Phết có tình yêu với cây thuốc nên được Amakong tin tưởng, truyền dạy cái tinh túy của bài thuốc gia truyền.
Dòng đời đôi khi có những điều thú vị khi hai vị vua voi là ông Y Thu và Ama Kông tiếng tăm lừng lẫy Buôn Đôn; hội tụ cái tài săn voi, làm thuốc nhưng các hậu duệ sau này mỗi người chỉ thừa kế một tài riêng.
 
Vua Săn Voi Y Thu và Amakong là dũng sĩ săn voi tài nghệ ở Tây Nguyên. Trong ảnh là cảnh quay lại một ngày săn voi của các dũng sĩ Tây Nguyên trước đây.
Đơn cử như Amakong có 4 bà vợ, 21 người con nhưng chỉ sinh hai cậu con trai. Đó là cậu cả Y Kông theo nghề săn voi và Khăm Phết lại chăm làm thuốc, nghiên cứu y học. Hay như chuyện Ama Kông phong lưu đa tình trong khi con trai Y Kông và Khăm Phết Lào chỉ chung thủy một vợ.
Mang chuyện trên hỏi Khăm Phết, ông xua tay rồi nói chắc nịch: “Một vợ, 3 con cuộc sống no đủ. Cuộc sống không nặng tiền bạc thì mình có thời gian quay lại giúp đời!”.
Gian nan chuyện bảo vệ thương hiệu
Nguyên tắc, trọng danh dự và lời hứa là những gì mọi người vẫn hay nhắc về con người Khăm Phết. Trước khi gặp tôi, ông thẳng thừng hủy cuộc hẹn với đoàn làm phim có tiếng ở TPHCM vì thất hẹn.
“Dù là ai, giàu hay nghèo tìm đến tôi đều tiếp đãi như người trong nhà. Riêng người thất hứa, lề mề là vứt! Khi mà con người ta biết tôn trọng bản thân thì lúc đó mới tôn trọng người khác. Chẳng phải nghề làm thuốc, bất cứ nghề gì trong cuộc sống này đều như thế” - Khăm Phết quan niệm.
 
Con người Khăm Phết nguyên tắc đấy, quy củ đấy nhưng một khi đã thành bạn, thành tri kỷ, ông lấy tấm chân thành, cái rộng lượng của người Tây Nguyên đối đãi hết lòng. Trong căn nhà sàn khang trang ở Buôn Ako Tam (TP. Buôn Ma Thuột) hiện treo kín bằng khen, ảnh chụp với các vị lãnh đạo khắp bộ, ngành, Trung ương..., tôi ấn tượng với một số bức ảnh ông chụp với bạn bè trong Nam ngoài Bắc.
Những bức hình treo vị trí trang trọng để ông nhớ một thời đã giúp nhiều người bạn và qua đó, ông cũng nhận được vô số niềm vui mà mọi người mang lại.
Khăm Phết hay kể, nghề thuốc giúp ông có cơ hội gặp nhiều người nhưng cũng từ đó, ông gặp không biết bao chuyện dở khóc dở cười. Số là thuốc Amakong được nhiều người đồn thổi là thần dược trong chuyện “chăn gối” vợ chồng.
Rồi một đồn mười, mười đồn trăm đến độ, thuốc Amakong giả được bày bán ngay trung tâm TP. Buôn Ma Thuột rầm rộ như nấm mọc sau mưa. 
Cả đời đi rừng làm thuốc nên được mọi người chỉ cách làm hồ sơ, bảo hộ thương hiệu thuốc Amakong, Khăm Phết toát hết mồ hôi giữa ma trận giấy tờ, dấu má. “Tôi mất ăn, mất ngủ mất tháng trời để làm nào hồ sơ gởi Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký bảo hộ thương hiệu thuốc Amakong...”  - Khăm Phết nhớ lại. 
Và ngay cả khi nắm trong tay tờ chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ và giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền Amakong do Sở Y tế Đắk Lắk cấp, thì cuộc chiến đòi lại tên cho thuốc Amakong lại sang giai đoạn mới. Đó là việc hàng loạt tên miền giả mạo thuốc Amakong thi nhau nhan nhãn trên Internet. Quá sốt ruột, Khăm Phết và gia đình đã đăng ký lấy tên miền http://www.amakong-khamphetlao.vn và 4 tên miền khác để tránh bị kẻ xấu ăn cắp một lần nữa...
Lòng tốt bị lợi dụng
Nhận thấy hiệu quả của thuốc Amakong đối với người dùng nên đầu những năm 2000, tỉnh Đắk Lắk đã đặt hàng Sở KHCN phối hợp trường ĐH Y Huế triển khai đề tài khoa học chuyên ngành y dược nghiên cứu về các loại cây thuốc bản địa. Ít năm sau, đề tài được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ xếp loại tốt.
Từ cơ sở ban đầu, Đại học Y khoa Huế tiếp tục thực hiện đề tài khoa học “Sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học một số cây thuốc của dân tộc bản địa tỉnh Đắk Lắk. Kết quả nghiên cứu cho thấy, 2 trong 5 vị thuốc có trong bài thuốc Amakong có các hoạt chất có tác dụng tốt trong điều trị một số bệnh. Điều này một lần nữa khẳng định thuốc Amakong có công dụng tốt cho sức khỏe chứ không chỉ là đồn thổi.
Cũng từ đây, nhiều người từ dưới xuôi tìm Khăm Phết đặt vấn đề mở đại lý bán thuốc Amakong. Ban đầu ông gạt phắt vì sợ gian thương làm ăn gian dối, cẩu thả.
Nói thế nhưng sau ông cũng xuôi lòng trước vài lời tỉ tê cam kết làm ăn tử tế của một số người. “Họ xin mở đại lý bán thuốc, xin làm rượu sản xuất hàng loạt... Họ cam kết, họ hứa hẹn nhưng thực chất là làm ăn bất lương, lợi dụng tên tuổi thuốc Amakong để trục lợi, độn tạp chất vào thuốc...” - Khăm Phết bức xúc. Sau vài lần bị gạt, Khăm Phết dẹp bỏ chuyện làm ăn kinh doanh với người ngoài để cùng vợ về làm vườn trồng thuốc và bày bán ở tại nhà riêng.   
Amakong có phải thần dược như lời đồn
Đến giờ nhiều người vẫn đinh ninh thuốc Amakong là thần dược giúp đàn ông tăng cường sinh lý -  bất cứ ai uống vào cũng trở nên cường tráng chuyện chăn gối.
Tôi đem chuyện này hỏi Khăm Phết thì nhận được cái lắc đầu dứt khoát. Ông nói nửa thật nửa đùa: “Thuốc thần chỉ dành cho tiên chứ đâu đến người thường”.
Qua lời Khăm Phết, tôi chợt hiểu bản thân ông Amakong hay ông Y Thu đúng là xưa kia từng sắc thuốc uống uống nhằm bổ thận tráng dương, tăng cường dẻo dai xương cốt. Ngoài việc sắc thuốc, Ama Kông và ông Y Thu hằng ngày đều vào rừng săn bắn voi.
Nhờ có lối sống lành mạnh kèm với công dụng của thuốc nên mới phát huy hiệu quả bản lĩnh đàn ông trong chuyện... yêu đương. Còn một người cơ thể vốn đã thiếu sinh khí, lười vận động thì quả thật không thứ thuốc thần nào cứu vớt.
 
Nụ cười chân thật của Khăm Phết Lào 
Dù bán thuốc ở nhà nhiều người từ khắp nơi cất công tìm đến tận nhà, sẵn sàng bỏ tiền triệu rồi khen  đáo khen để công dụng thần kỳ của thuốc Amakong, xin làm đại lý kinh doanh. Nghe xong, Khăm Phết đuổi thẳng! Thế mà lạ thay, không ít người hiếm muộn, tìm đến ông như một vị lương y, mặt ông liền dịu hẳn và giúp đỡ tận tình.   
Đem chuyện trên ra hỏi, Khăm Phết tâm sự: "Nhiều người nghĩ mang tiền nhiều đến để Khăm Phết bán thuốc. Không! Tôi bốc thuốc giúp đời. Ai đến bằng chân tình thì tôi mới mở lòng đón tiếp".
Thật ra, chuyện Khăm Phết nói không với sản xuất đại trà thuốc Amakong sâu xa là bởi sự thu hẹp của những cánh rừng già Tây Nguyên.
Khi mà con người ngày càng xâm hại đến rừng thì những vị thuốc quý cũng khó tìm kiếm, có khi băng rừng vượt núi ngày trời chưa thể tìm được một vị thuốc. Khăm Phết vài năm trở lại đây cũng đã nghĩ đến điều này nên ông tìm cho mình một khu vực bí mật - nơi trồng thành công các vị thuốc quý để bảo tồn, giữ gìn cây thuốc tránh tuyệt chủng.
Đến đây tôi mới hiểu sở dĩ nhiều người không thể liên lạc được với Khăm Phết thời gian dài là vì toàn thời gian rảnh rỗi, ông dành trọn ở khu vườn bí mật để chăm sóc vườn thuốc quý.
Tình cờ gặp ở Lễ hội cà phê vừa rồi, ông khoe vừa trao gần vài chục triệu đồng cho một gia đình khó khăn ở buôn làng nơi hoa hậu H’hen Niê sinh ra và lớn lên. Dù đã quen Khăm Phết một thời gian nhưng thú thật, ít có ai làm từ thiện lạ đời như ông.
Biết ở đâu có người khó khăn, ông lấy gạo trong nhà, thuốc làm ra giúp đỡ tất. Nhiều lúc túng thiếu, ông còn vay ngân hàng,  thậm chí vay “nóng” để giúp người nghèo xây sửa nhà. Nhiều người thấy lạ hỏi, ông bảo nghề của làm thuốc là giúp đời, mang lại cuộc sống tốt đẹp cho những người xung quanh. Hơn thế nữa, ông từng trải qua tuổi thơ nghèo khó nên khi cuộc sống dư giả, ông sẵn sàng quay lại giúp đỡ những người thiệt thòi.

Trong ngôi nhà sàn nơi Khăm Phết sinh sống ở buôn Ako Tam hiện còn trưng bày những kỷ vật gắn liền với cuộc đời săn bắt, thuần dưỡng voi rừng trước kia. Đó là sợi dây thòng lọng dài 120m, bện bằng bộ da của 7 con trâu đực; phơi trong 70 ngày nắng, 70 đêm sương, cất trên gác bếp đủ một mùa rẫy trước khi đem ra sử dụng để bắt voi rừng. Khăm Phết kể sợi dây hiện đang được ông bảo quản từng được Ama Kông sử dụng trong các chuyến săn voi...

Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.