Mở đầu tuần này, giá cà phê tại thị trường Tây nguyên tăng 1.100 - 1.200 đồng; cao nhất vẫn là Đắk Nông 80.200 - 80.400 đồng/kg, Đắk Lắk dao động quanh mức 80.000 đồng/kg, các tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai từ 79.300 - 79.600 đồng/kg. Đây là mức giá cao chưa từng có khiến nhiều nhà vườn trồng cà phê đón một cái Tết Nguyên đán Giáp Thìn trong niềm vui lớn.
Nông dân trồng cà phê vui đón năm mới khi giá mặt hàng này liên tục tăng. Ảnh: Minh Đăng |
Giá cà phê Tây nguyên lập đỉnh nhờ giá cà phê robusta trên sàn London tuần qua tăng liên tục 4/5 phiên, đặc biệt phiên cuối tuần tăng rất mạnh. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 3 tăng tổng cộng 112 USD, tức tăng 3,47%, lên 3.349 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 5 tăng 101 USD, tương đương 3,24% lên 3.217 USD/tấn, các mức tăng khá. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao.
Không riêng cà phê robusta, cà phê arabica trên thị trường New York có 3 phiên giảm đan xen 2 phiên tăng giữa tuần. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3 tăng tất cả 4,35 cent, tương đương tăng 2,27%, lên 196,3 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 2,5 cent, lên 191,50 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch rất cao.
Trả lời Thanh Niên, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, nhận định: Từ nay cho đến tháng 5, cà phê Việt Nam vẫn một mình một chợ. Trong khi đó, nhu cầu thế giới đang cao và nguồn cung hạn chế nên xu hướng giá vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Hiện tại vấn đề căng thẳng ở Biển Đỏ ảnh hưởng đến cước phí và thời gian giao hàng tuy nhiên, Intimex và một số doanh nghiệp xuất khẩu theo hình thức FOB (giao hàng tại cảng đi) nên gần như không bị tác động gì. Những ngày Tết Giáp Thìn, các đơn hàng đã được chuẩn bị từ trước và hoạt động xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường.
Trong tháng 1.2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt tới 210.000 tấn, tăng 48% về lượng; kim ngạch đạt hơn 621 triệu USD tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024, xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 580.600 tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.