Xã Mô Rai là vùng đất kiên trung trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của huyện Sa Thầy (Kon Tum). Xã hai lần vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.
Phát huy tinh thần bất khuất, anh dũng trong kháng chiến, ngày nay, cùng với sự giúp đỡ của chính quyền, Mô Rai đang dần chuyển mình thành điểm sáng ở vùng biên huyện Sa Thầy.
|
Cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông được đầu tư đồng bộ, góp phần thúc đẩy xã vùng biên Mô Rai vươn mình hòa nhịp cùng với các địa phương khác trong tỉnh Kon Tum. |
Gỡ nút thắt cho “ốc đảo”
Xã Mô Rai có hơn 1.500 hộ, trong đó hộ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 74%. Xã có hơn 23 km đường biên giáp với Campuchia. Toàn xã có diện tích tự nhiên hơn 58.000 ha, chủ yếu là đất lâm nghiệp, nông nghiệp. Mô Rai có thế mạnh về phát triển nông nghiệp như cao su, điều, sắn (mỳ), chăn nuôi gia súc…
Trước đây, từ xã về trung tâm huyện Sa Thầy là 65 km nhưng để đi đến nơi phải mất một ngày với nhiều cung đường ám ảnh như dốc đỏ, dốc Sô Tây Tăng... Mô Rai như một “ốc đảo”, ẩn mình giữa đại ngàn. Để Mô Rai bắt nhịp với sự phát triển chung của toàn vùng, nút thắt từ giao thông cần phải được gỡ.
Cụ thể, tuyến tỉnh lộ 674 nối Sa Thầy với Mô Rai được triển khai, tạo sự kết nối cho vùng biên. Đặc biệt, Quốc lộ 14C, tuyến đường huyết mạch, huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ đã được thông suốt, góp phần thay đổi diện mạo Mô Rai theo hướng xanh, đẹp hơn. Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Kon Tum nói chung và xã Mô Rai nói riêng đã được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, với quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường bê tông nhựa và láng nhựa, công trình thoát nước (cầu và cống) vĩnh cửu.
Việc Quốc lộ 14C được thông suốt toàn tuyến năm 2019 đã tạo thuận lợi cho an ninh quốc phòng và sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng biên. Con đường tạo điều kiện cho người dân có thể giao thương với hai huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, biến “ốc đảo“ thành điểm sáng ở vùng biên ngày nay. Bên cạnh đó, các tuyến giao thông liên thôn, liên xã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân…
“Mô Rai có được như ngày nay là nhờ chính quyền tạo điều kiện để phát triển. Nhà nước đã đầu tư lớn vào giao thông, nhất là Quốc lộ 14C, qua đó góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Mô Rai với các vùng khác trong tỉnh. Khi giao thông thuận lợi, tạo đà cho Mô Rai thu hút đầu tư. Cùng với đó, nông sản, sản vật của Mô Rai tiếp cận với bên ngoài và ngược lại. Đây là niềm vui lớn của người dân Mô Rai. Giao thông thuận lợi tạo tiền đề vững chắc cho Mô Rai trên con đường phát triển”, Bí thư Đảng ủy xã Mô Rai Rơ Chăm Huệ khẳng định.
Vững bước vươn xa
Mô Rai hiện nay là một trong những trung tâm trong chính sách phát triển kinh tế của Sa Thầy. Nhiều kỳ vọng đặt vào nơi đây với hàng loạt dự án đang triển khai.
Để đón đầu dự án lớn, chính quyền và nhân dân Mô Rai đã chung tay, góp sức với huyện Sa Thầy, tạo quỹ đất sạch trong thời gian ngắn nhất có thể nhằm thu hút đầu tư. Cụ thể, Dự án Chăn nuôi bò sữa tập trung, quy mô công nghiệp công nghệ cao tại xã biên giới Mô Rai, khởi công tháng 9/2020 nhanh hơn dự tính gần 3 năm. Đây là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn nhất Tây Nguyên do Tập đoàn TH đầu tư. Dự kiến sẽ có khoảng 2.000-4.000 nông dân của Mô Rai và các vùng khác trong tỉnh có thể tham gia dự án. Người dân khi tham gia sẽ được hỗ trợ vay vốn ngân hàng mua bò sữa và xây dựng chuồng trại. Ngoài ra, người dân được hỗ trợ về thú y, cung cấp thức ăn, bao tiêu hoàn toàn sữa tươi nguyên liệu.
Nhìn nhận sự chuyển mình theo hướng tích cực của Mô Rai, anh A Thái, người Rơ Măm ở làng Le cho biết thêm, hiện người dân có nhiều sự lựa chọn để phát triển kinh tế. Lợi thế đất nông nghiệp được nhân dân tận dụng tối đa. Hiện nay, người dân không chỉ trồng cây sắn (mỳ) cao sản mà các loại cây công nghiệp dài ngày đã bén rễ, cắm sâu trong lòng đất Mô Rai. Cây cao su đã có chỗ đứng vững chắc nơi đây. Làng Le giờ đã trồng nhiều cây công nghiệp dài ngày và đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Các nhà máy chế biến xung quanh đã tạo niềm tin cho nhân dân trong phát triển kinh tế...
Ngoài dự án trang trại bò, nhà máy chế biến tại các địa bàn khác đã tạo thuận lợi cho người dân trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất cách mạng kiên cường này. Người dân đã chủ động hợp tác với doanh nghiệp để liên kết nuôi bò sữa, mở rộng diện tích cao su, cây ăn quả, sắn (mỳ) cao sản… Với các dự án đòi hỏi đầu tư lớn, chính quyền sẽ đồng hành, hỗ trợ cùng nhân dân để tham gia sản xuất. Doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị trong suốt quá trình triển khai. Ngoài ra, các mô hình sản xuất ăn theo dự án như trồng cỏ, ngô, cây nguyên liêu để nuôi bò, tất cả đều được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Chính quyền hỗ trợ giống cho người dân trồng cây lâu năm, cây ăn quả theo hướng sản xuất sạch, ông Nguyễn Hữu Dũ, Chủ tịch UBND xã Mô Rai khẳng định.
Để có được Mô Rai như hôm nay, huyện Sa Thầy đã tạo mọi điều kiện khơi thông các nguồn lực cho sự phát triển của nơi này. Huyện đang lựa chọn mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, nhà đầu tư chăn nuôi bò sữa để triển khai nhân rộng trên địa bàn; rà soát quỹ đất, giới thiệu doanh nghiệp thực hiện dự án chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung...
|
Người dân Mô Rai giúp nhau thu hoạch mỳ (sắn) cao sản, loại cây trồng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. |
Bà Y Sâm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sa Thầy khẳng định, huyện tập trung huy động, kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, nhất là các xã vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Mô Rai. Bên cạnh đó, huyện quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn để vùng biên Mô Rai vững bước vươn xa trong tương lai...
Tết Độc lập lại về trên vùng đất kiên trung Mô Rai, với bao niềm tin và hy vọng vào một tương lai tương sáng đang ở phía trước.
Bài và ảnh: Cao Nguyên (TTXVN)