Mơ bóng làng xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày càng có nhiều du khách đến tham quan khu vực ngã ba biên giới (Việt Nam-Lào-Campuchia) và thường ghé thôn Đak Mế của người Brâu, một trong những dân tộc ít người nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam với chỉ khoảng 500 người.

Những cuộc thiên di

Đak Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) hiện là “thôn” chứ không phải “làng” như xưa. Bởi lẽ, sau trận cháy làng bên bờ Tây sông Bờ Y hồi tháng 4-1991, làng Đak Mế được chính quyền địa phương đưa về nơi ở mới theo chương trình định canh, định cư của Nhà nước, lập thành thôn nằm cạnh suối Đak Hniêng, gần ngã ba Đông Dương.

Ảnh: Tạ Văn Sỹ
Một góc thôn Đak Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum). Ảnh nguồn internet


Ở đây, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ một căn nhà trệt, vách ván, mái ngói, rộng chừng 40 m2 giữa khu vườn rộng, xếp hàng tăm tắp theo những trục đường quy hoạch kiểu ô bàn cờ, ven quốc lộ 40 đi Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

Đak Mế hiện nay không thuần riêng người Brâu như trước, mà đan xen vài tộc người khác (dâu, rể) như: Kdong, Hlăng, Mường, Thái, Tày, Kinh… Từ ngày được đưa về nơi ở mới, cộng đồng người Brâu đã tiến bộ nhiều mặt. Riêng về dân số, năm 1991 có khoảng 180 người thì nay đã là trên 400.

Thoáng vài nét về thôn Đak Mế ngày nay để nhớ lại chuyện làng Đak Mế trước đây, một kiểu làng truyền thống độc đáo của người Brâu mà từ thuở lưu lạc từ Lào, Campuchia sang đất Việt Nam họ luôn lưu giữ qua nhiều lần chuyển cư.

Theo một số tài liệu và lời người già trong làng kể lại thì lúc đầu người Brâu ở Việt Nam chỉ có vài chục người. Họ từ vùng Ô Tum bên lưu vực các sông Xê Ca Máng, Nậm Khoỏng (Mê Kông) vùng Nam Lào theo 2 anh em thủ lĩnh Thao A Yoong và Thao Tô ra đi. Trên đường dịch chuyển, khi ngang qua rẻo đất tận cùng Đông Bắc Campuchia, có vài người ở đấy nhập đoàn, sang đất Việt Nam. Nhóm người này qua sông Bờ Y về bờ Đông, dừng chân bên suối Đak H'niêng lập làng. Đây là chặng thiên di đầu tiên và là làng đầu tiên của họ. Từ gốc gác ấy nên hiện nay người Brâu ở Lào, Campuchia và Việt Nam quanh vùng ngã ba biên giới vẫn thường qua lại thăm thân.

Trở lại cuộc thiên di của người Brâu. Sau thời gian ở bên bờ suối Đak Hniêng, người Barâu vượt sông Bờ Y về lại phía Tây, đến sát điểm thắt nút biên giới 3 nước, gần một hồ nước lớn (hồ này nay thuộc đất Campuchia). Họ lập làng lần thứ 2, tiếp tục sinh tồn. Tại đây, thủ lĩnh Thao A Yoong qua đời. Họ chôn cất vị thủ lĩnh khả kính của mình bên cạnh hồ nước ấy và suy tôn ông là Tổ. Từ đó, hồ nước có tên là A Yoong. Từ hồ A Yoong, lại một lần nữa, người Brâu băng ngược về bờ Đông sông Bờ Y, đến cạnh suối Lơ Mar lập làng thứ 3.

Rồi lần thứ 4, từ suối Lơ Mar người Brâu lại vượt qua bờ Tây sông Bờ Y lập làng. Tháng 4-1991, làng bị cơn hỏa hoạn tàn phá. Thế là lần thứ 5 người Brâu lại chuyển cư. Lần này không phải do quá trình thiên di tự chọn mà là về thôn Đak Mế (tên làng cũ) ngày nay theo quốc sách định canh, định cư của Nhà nước. Họ sống cộng cư bên cạnh thôn làng các tộc người khác, chấm dứt cuộc sống biệt lập trước đấy. Một “trùng lặp hy hữu” là lần này họ lại về đúng khu vực nơi tổ tiên đã chọn để lập làng đầu tiên!

Mơ bóng làng xưa

Đến thôn Đak Mế, thỉnh thoảng khách được nghe những người già tâm sự: “Nhà nước cho mình ở đâu cũng được, chỉ mong cho người Brâu được lập lại kiểu làng và kiểu nhà rông truyền thống như xưa là ưng cái bụng thôi”. “Kiểu làng xưa” là kiểu làng như thế nào? Theo Th.S Bùi Ngọc Quang, làng của người Brâu có cấu trúc khá đặc biệt. Chính giữa làng là mái nhà rông cao vút, được các nghệ nhân tạo dựng và chế tác từ chính những vật liệu sẵn có của núi rừng, có giá trị riêng về mặt mỹ thuật và văn hóa. Vây quanh nhà rông thành vòng tròn là các nhà sàn dài của từng hộ gia đình. Cửa chính của nhà sàn các gia đình đều trổ cửa hướng về nhà rông. Như thế, hàng ngày, người Brâu mở cửa ra là thấy ngay nhà rông thân thuộc. Khoảng cách giữa nhà rông và các nhà sàn luôn giữ cự ly đều đặn, đủ rộng để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Vòng ngoài cùng bao quanh làng là hàng rào bằng tre nứa hoặc cây trồng, có chừa một cổng thẳng vào sân nhà rông. Nếu vẽ làng thành sơ đồ thì nó giống hình bánh xe, nhà rông là tâm trục, các nhà sàn dài vây quanh là những nan hoa và hàng rào là… săm lốp! Trong 4 lần di trú trước kia, người Brâu đều làm đúng 4 ngôi làng với cấu trúc như thế.

Từ ngày về thôn mới Đak Mế, không gian và cảnh quan truyền thống của làng không còn nữa. “Nhớ cảnh cũ quá!”-già làng Thao Pem, trên 100 tuổi (nay đã mất), cháu nội thủ lĩnh Thao A Yoong, ngậm ngùi nói.

Tây Nguyên ngày nay đã và đang dần mất đi những nét độc đáo xưa bởi những sự kiện lịch sử khách quan và sự tiếp biến trong xã hội đương đại, mà làng của người Brâu là một ví dụ. Thế cho nên, du khách đến với vùng Tam biên, vào với bà con Brâu ở thôn Đak Mế, chỉ còn nghe qua lời kể tả đầy hoài niệm và luyến tiếc của lớp người già về một ngôi làng xa xưa…

Tạ Văn Sỹ
 

Có thể bạn quan tâm

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

Kể chuyện buôn làng bằng thanh âm sáo trúc

(GLO)- Ở buôn E Kia (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa), ông Hiao Thuyên được biết đến là một nghệ nhân tài hoa khi giỏi cả sáo trúc, biểu diễn cồng chiêng, hát dân ca... Bằng những việc làm thiết thực, ông đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Jrai và xây dựng khối đại đoàn kết ở buôn làng.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

Biểu tượng vũ trụ trên cây nêu của người Bahnar

(GLO)- Người Bahnar quan niệm rằng mọi sự vật, hiện tượng đều có sự hiện diện của thần linh và con người phải tôn trọng, thờ cúng. Vì vậy, họ có nếp sống, sinh hoạt văn hóa với hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, gắn với vòng đời người và chu kỳ canh tác nông nghiệp.

null