“Miền Tây mến thương” gồm chuỗi hoạt động đặc sắc giới thiệu về không gian văn hóa, du lịch miền Tây, cùng với các chương trình nghệ thuật, lễ hội truyền thống... diễn ra từ 1-31/10 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội).
Ảnh minh họa |
Các hoạt động trong “Miền Tây mến thương” góp phần tích cực giới thiệu những nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; quảng bá, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc và tăng cường giao lưu giữa các dân tộc tại “ngôi nhà chung”.
Theo đó, từ ngày 6, tại khu vực bãi cỏ phía trước bên phải Chùa Khmer, Ban Tổ chức tái hiện không gian “Miền Tây mến thương” dành cho du khách chụp ảnh, trải nghiệm với những hình ảnh đặc trưng như cây cầu khỉ, thuyền hoa, thuyền trái... Đây cũng là không gian sân khấu trình diễn các hoạt động dân ca dân vũ như: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, các điệu múa truyền thống, các ca khúc về vẻ đẹp miền Tây.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức giới thiệu bộ ảnh về miền Tây; quảng bá sản phẩm du lịch thông qua sách hướng dẫn du lịch, tờ gấp, tờ rơi, tranh ảnh, poster, báo, tạp chí, lịch, băng đĩa; giới thiệu, trình diễn, trải nghiệm ẩm thực miền Tây như lẩu mắm, lẩu cá kèo, bánh khọt, bánh xèo… các đặc sản miền Tây như bánh Pía, lạp xưởng…
Vào ngày 13 và 14, là lễ SenDolta của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng tại làng dân tộc Khmer, chùa Khmer. Đây là lễ hội bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian của đồng bào Khmer Nam Bộ, lễ cúng ông bà tổ tiên để ghi nhớ ơn sinh thành nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ.
Vào ngày 21, tại làng dân tộc Xơ Đăng, khu các làng dân tộc II, Ban Tổ chức tái hiện lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum. Đây là phần lễ có phần cúng bếp lửa để nhận ngôi nhà của đồng bào dân tộc mình khi về hoạt động hàng ngày; giao lưu và giới thiệu âm nhạc dân gian truyền thống dân tộc Xơ Đăng với đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại làng.
Ngày 28, tại quần thể tháp Chăm sẽ tái hiện lễ hội cầu mưa của dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận. Đây là lễ hội nhằm tôn vinh thần cai quản nông nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa; thường tổ chức ở các đền tháp Chăm và ở các cửa biển chung cho cộng đồng Chăm Ahier (Bà la môn) và Chăm Awal (Hồi giáo). Lễ hội cầu mưa của bà con dân tộc Chăm mang đậm đà bản sắc văn hóa như những cơn mưa mang đến cho đất đai, sự sung mãn cho con người và mùa màng tươi tốt, bội thu.
Trong khuôn khổ các hoạt động tháng 10 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn có nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đậm sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số như chương trình “Sắc hoa”, giao lưu “Chung dòng sữa mẹ”…
BT (chinhphu.vn)