Điểm đến mới hấp dẫn của Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngành du lịch Gia Lai có sự phục hồi đáng kể khi đón gần 1 triệu lượt khách trong năm 2022. Sự chủ động thích ứng và khôi phục hoạt động sau đại dịch Covid-19 đã thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động du lịch, “ghi điểm” với du khách, đồng thời được nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá là điểm đến mới hấp dẫn của Tây Nguyên.
Điểm đến hấp dẫn
Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung cho biết: Du lịch Gia Lai đã có những chủ động trong việc khôi phục hoạt động du lịch thông qua tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch với quy mô toàn quốc, cấp tỉnh và huyện. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Tuần lễ các sự kiện chào mừng 90 năm Ngày thành lập tỉnh (24/5/1932-24/5/2022) với nhiều hoạt động ý nghĩa như: lễ đón nhận và công bố bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá, Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng… Các hoạt động diễn ra ngay sau khi du lịch mở cửa đã tạo hiệu ứng tích cực với thị trường này. Không chỉ giải tỏa nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân mà khẳng định Gia Lai là điểm đến an toàn với du khách nội địa và quốc tế. Các danh hiệu trao cho di sản văn hóa, thiên nhiên cũng mang đến những cảm xúc mới mẻ trong trải nghiệm các loại hình du lịch.
“Cồng chiêng cuối tuần-thưởng thức và trải nghiệm” diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) vào các ngày lễ và sự kiện lớn của tỉnh trong năm 2022 cũng tạo dấu ấn riêng trong bức tranh du lịch. Không chỉ quảng bá, tôn vinh giá trị của di sản văn hóa thế giới, các nghệ nhân Jrai, Bahnar hướng dẫn cho du khách trải nghiệm sinh hoạt cồng chiêng ngay giữa lòng Phố núi đã mang đến những cảm xúc riêng trong hành trình khám phá cao nguyên. Hoạt động này đã đưa di sản đến gần hơn với công chúng và làm phong phú thêm sự trải nghiệm cho du khách. Bên cạnh đó, Tuần văn hóa-du lịch tỉnh hay Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ IX, Giải Marathon TP. Pleiku gây Quỹ “Áo ấm cho em” góp phần thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách đến với vùng đất cao nguyên.
Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2022 thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Võ Đình Khoa
Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2022 thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: Võ Đình Khoa
Theo ông Trần Ngọc Nhung, Tuần văn hóa-du lịch tỉnh là sự kiện cho thấy các sở, ngành, địa phương có sự chủ động “bắt tay” để quảng bá du lịch. Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố đã duy trì, nâng cao chất lượng và quảng bá các sự kiện văn hóa tạo sức hút đối với du khách như: lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh); lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (huyện Phú Thiện); hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (huyện Ia Grai); ngày hội du lịch huyện Kbang… thể hiện quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trụ cột. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch có những giải pháp khắc phục về lao động thiếu hụt thông qua việc đào tạo tại chỗ cho lao động mới; các khách sạn đầu tư, sửa chữa, nâng cấp trang-thiết bị. Cùng với đó, ngành du lịch tổ chức hội thi tay nghề nhằm khích lệ và tôn vinh lao động có chuyên môn, nghiệp vụ. Các hoạt động đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Công tác xúc tiến, quảng bá được ngành du lịch chủ động triển khai như: đón các đoàn famtrip (doanh nghiệp du lịch, báo chí) khảo sát các tuyến, điểm để xây dựng tour ngay khi mở cửa du lịch sau đại dịch; tham gia hội chợ du lịch quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng để giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Chất Sâm-Chủ farmstay Sâm Phát Ia Ly (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh), một trong những doanh nghiệp đồng hành với gian hàng của ngành du lịch Gia Lai-cho biết: “Đây là năm đầu tiên chúng tôi tham gia hội chợ du lịch quốc tế và đã nhìn thấy nhiều cơ hội. Hội chợ là dịp để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ, đồng thời gặp gỡ đối tác mới để trao đổi, thúc đẩy thị trường khách du lịch”.
Cuối năm 2022, ngành du lịch tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để quảng bá du lịch địa phương. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-thông tin: “Hội nghị thu hút đông đảo doanh nghiệp và cơ quan truyền thông tham dự. Có trên 30 bài viết quảng bá, giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Các doanh nghiệp cũng xác định Gia Lai là điểm đến mới hấp dẫn của Tây Nguyên và có nhiều tiềm năng khai thác các loại hình du lịch. Chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp lữ hành để khắc phục những hạn chế, đồng thời tham mưu giúp tỉnh ban hành các chính sách phù hợp, khai thác được tiềm năng, thế mạnh trong phát triển ngành công nghiệp xanh của tỉnh”.
Mục tiêu đón 1,1 triệu lượt khách
Ngành du lịch Gia Lai đặt mục tiêu đón 1,1 triệu lượt khách trong năm 2023. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, những điểm hạn chế sẽ được ngành du lịch chú trọng khắc phục ngay trong năm mới. “Ngành du lịch đặt nhiệm vụ tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá trong năm 2023; vận hành hiệu quả cổng thông tin điện tử và ứng dụng du lịch thông minh, kết nối cơ sở dữ liệu ngành du lịch để hỗ trợ hoạt động này; đồng thời, khai thác hiệu quả nền tảng số như mạng xã hội, báo điện tử... phục vụ cho công tác quảng bá. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển du lịch thông minh dựa trên chuyển đổi số. Tuy nhiên, tỉnh cần có cơ chế thành lập cơ quan chuyên môn về xúc tiến du lịch. Cần có những kịch bản phim để quảng bá du lịch thực sự ấn tượng, chuyên nghiệp, xâu chuỗi được các tuyến, điểm, sản phẩm, tạo dấu ấn đối với du khách và các doanh nghiệp lữ hành cả nước để kết nối đưa khách đến”-ông Hoàng đề xuất.
Du khách đến với vườn hoa cánh bướm dưới chân núi lửa Chư Đang Ya-một trong những diểm du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Châu
Du khách đến dạo chơi tại vườn hoa cánh bướm dưới chân núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: Minh Châu
Mặc dù Gia Lai được bình chọn là điểm đến mới hấp dẫn, nhưng đầu tư về du lịch chưa đồng bộ, cần có những cú hích để tiềm năng du lịch thực sự được khai phóng, biến thành sản phẩm, khai thác có hiệu quả. Do đó, nhiều nhiệm vụ cũng được ngành đặt ra trong năm 2023 như: đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong cả nước; tổ chức đoàn khảo sát các điểm du lịch xây dựng sản phẩm du lịch liên kết 13 tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam để tạo thêm những sản phẩm mới mẻ. “Ngành du lịch sẽ tham mưu tỉnh tổ chức “Ngày văn hóa Gia Lai” tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu bản sắc văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên các lĩnh vực. Ngoài ra, ngành sẽ tạo điều kiện hỗ trợ để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch quảng bá sản phẩm tại các thị trường lớn trong nước và giao lưu, gặp gỡ với các đối tác để tìm kiếm cơ hội kết nối, mở rộng thị trường”-ông Hoàng cho biết.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.