Tín hiệu khởi sắc của du lịch Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngay từ kỳ nghỉ đầu tiên của 2023, nhiều địa phương trên cả nước tấp nập đón khách quốc tế, với hàng loạt sự kiện đánh dấu một năm khởi sắc khi du lịch toàn cầu đang hồi phục.

Khách quốc tế được chào đón tại Hội An, Quảng Nam trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023. Ảnh: Văn Trực
Khách quốc tế được chào đón tại Hội An, Quảng Nam trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023. Ảnh: Văn Trực
Tín hiệu khả quan
Những ngày cận Tết Nguyên đán, không khí chợ Bến Thành sôi động. Khách cả Tây lẫn Việt tham quan, mua sắm quần áo, giày dép, quà lưu niệm... Cao điểm trong kỳ nghỉ đầu năm, doanh thu của tiểu thương tăng khoảng 30% so với ngày thường.
Cô Trương Thị Tuyết Trinh, chủ tiệm Bé Chè - địa chỉ ăn vặt quen thuộc trong chợ Bến Thành với người dân Sài Gòn từ 1968 tới nay, cho rằng 2021 là một năm u ám, nhưng bước sang năm 2022 tình hình sáng hơn rất nhiều. “Khoảng tháng 6, tháng 7 tới nay, đặc biệt là bốn tháng trở lại, buôn bán khởi sắc hơn hẳn. Đặc biệt dịp Tết Dương lịch vừa qua, ngày 30 và 31 khách chen chân không lọt”, cô Tuyết Trinh cho hay.
Theo đại diện Ban quản lý chợ Bến Thành, ba ngày đầu năm 2023 chợ đón đông đảo cả người dân và khách quốc tế, sức mua tăng 15-20%. Từ khi TPHCM chính thức mở cửa du lịch vào tháng 4.2022, lượng khách tăng đáng kể từ trung bình 300-400 khách một ngày đến 4.000 lượt, cao điểm cuối tuần tới 5.000 lượt.
Đây là tín hiệu khả quan khi 2023 là năm đầu tiên Việt Nam đón khách quốc tế ngay trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch sau ba năm chịu ảnh hưởng của đại dịch. Một số địa phương ghi nhận lượng khách ấn tượng trong kỳ nghỉ đầu năm, có nơi khách quốc tế chiếm đến 60-70%.
Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, thị trường khách quốc tế có tín hiệu khả quan ngay từ dịp Tết dương lịch. TPHCM đón 35.000 lượt khách quốc tế; Hà Nội 38.000 lượt; Khánh Hoà 6.950 lượt; Bà Rịa - Vũng Tàu đón 5.815 lượt... Đáng chú ý, Quảng Nam phục vụ 89.000 lượt khách quốc tế trong kỳ nghỉ vừa qua, gấp gần ba lần khách nội địa (31.000 lượt).
Khách nước ngoài đến Việt Nam dịp nghỉ lễ đầu năm đa phần mang quốc tịch Hàn Quốc, Nga, Đức, Tây Ban Nha. Thống kê ghi nhận bắt đầu có khách từ thị trường Ấn Độ, Trung Đông, Nga, Kazakhstan, Uzbekistan... 
Anh Tú, Quản lý khách sạn The Light Hotel, ghi nhận lượng khách Ấn Độ tăng rõ rệt trong mùa du lịch cuối năm, đặc biệt vào tháng 11 và tháng 12. Khách sạn trên phố Hàng Bông, Hà Nội này mới mở cửa từ tháng 8.2022. Anh Tú cho rằng thị trường khách có sự dịch chuyển khi khách Ấn Độ chiếm tới 70% khách lưu trú tại khách sạn.
Điều này chứng tỏ hoạt động khai thác hàng không với thị trường Ấn Độ đang có hiệu quả. Năm qua các hãng hàng không Việt Nam khai trương nhiều đường bay thẳng mới kết nối các thành phố ở miền tây và trung - nam Ấn Độ như Ahmedabad, Hyderabad và Bangalore với Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Phú Quốc...
Hứa hẹn một năm khởi sắc
Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, một số địa phương trọng điểm đón đông khách nhất phải kể đến TPHCM với 1,6 triệu lượt và tổng thu từ khách du lịch ước đạt 5.943 tỉ đồng; Khánh Hòa phục vụ 355.200 lượt với tổng thu 358 tỉ đồng; Hà Nội đón 208.000 lượt khách với tổng thu đạt 779 tỉ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu đón 145.968 lượt với 107.295 tỉ đồng; Lào Cai đón 123.000 lượt khách với tổng thu 429 tỉ đồng; Lâm Đồng phục vụ 120.000 lượt với 220 tỉ đồng thu từ khách du lịch...
Mức độ phục hồi dịp Tết Dương lịch được đánh giá là khả quan, trong bối cảnh du lịch quốc tế đang trở lại, hoạt động hàng không từng bước được khôi phục.
“Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau hai năm dịch bệnh. Tín hiệu bắt đầu quay trở lại Việt Nam của khách quốc tế cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách và chủ động làm mới sản phẩm của mình”, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá.
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho rằng trong năm 2023, khi các điều kiện trao đổi khách thuận lợi hơn, không chỉ Hàn Quốc mà các thị trường trọng điểm khác của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại. 
Các thị trường tiếp theo sẽ tăng trưởng với tốc độ ổn định là Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia; Tây Âu; Australia; Mỹ... Bên cạnh đó, các thị trường mới có khả năng tăng trưởng trong thời gian tới là Ấn Độ và Trung Đông. 
“Để tăng cường thu hút các thị trường này, trong năm tiếp theo, du lịch Việt Nam sẽ đầu tư phát triển các phân khúc nghỉ dưỡng dài ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với thể thao, đặc biệt là du lịch golf”, ông Nguyễn Lê Phúc trả lời Lao Động.
Chung quan điểm, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xác định không chỉ Trung Quốc mà các thị trường đều sẽ phục hồi trong năm 2023. Ông đánh giá 2023 là năm bản lề để ngành du lịch quay trở lại, tạo tiền đề cho năm 2024.
“Riêng Đà Nẵng đã chuẩn bị xong hệ sinh thái sản phẩm, các sản phẩm đầy đủ cho các thị trường khách, hệ thống dịch vụ gần như khôi phục hoàn toàn, nguồn nhân lực quay lại gần như đáp ứng được hết các yêu cầu. Các sản phẩm mới rất nhiều. Các nguồn lực cho hoạt động quảng bá, xúc tiến đã có”, ông Cao Trí Dũng cho hay.
Ông cho biết thêm, để ngành du lịch Đà Nẵng phấn đấu hoàn thành mục tiêu, không chỉ cộng đồng doanh nghiệp cố gắng mà còn do sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của UBND thành phố, Sở Du lịch. Năm 2023 sẽ có hàng loạt chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, để thu hút và phục vụ khách quốc tế, ngành du lịch sẽ tiếp tục triển khai nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế về du lịch. Bên cạnh đó là đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ và quản lý điểm đến; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về du lịch.
Theo Thúy Huyền (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.