Mê mẩn Trà Sư mùa nước nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cách thành phố Long Xuyên gần 100km, rừng tràm Trà Sư rộng 845ha, thuộc địa phận xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang đang là một trong những điểm du lịch tiêu biểu nhất của đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi.

 

 




Đây cũng là cánh rừng tràm ngập nước có hệ động thực vật phong phú tại vùng miền Tây Nam Bộ với 70 loài chim, 11 loài thú, 25 loài bò sát và 23 loài cá. Ngoài ra rừng tràm còn là nơi tụ họp của 140 loài thực vật thuộc 52 họ và 102 chi, trong đó có 22 loài cây gỗ và nhiều loại cây khác.

Rừng tràm Trà Sư được đánh giá là điểm thăm quan thú vị và đặc sắc nhất của mảnh đất An Giang. Du khách sẽ có cảm giác thư thái, quên hết muộn phiền khi đi vỏ lãi và thuyền chèo tay giữa những hàng cây tràm xanh ngút ngát hoặc ngắm toàn cảnh rừng Trà Sư từ đài quan sát cao 25m.

Trà Sư mùa nước nổi (tháng 8-11 âm lịch) là thời điểm cảnh thiên nhiên đẹp nhất, lãng mạn nhất. Sen nở bạt ngàn xen giữa rừng tràm. Nhiều loài chim đang mùa sinh sản. Không khó để bắt gặp những cảnh gia đình các loài chim yêu đương, chăm sóc nhau giữa cánh rừng xanh.


 

 



Càng đi sâu vào giữa rừng tràm, càng thấy như tách biệt hoàn toàn với cuộc sống đời thường. Ở đây, không có tiếng động cơ rộn rã, không có nhà bê tông, không có internet. Chỉ có tiếng chim líu lo và hương hoa thơm ngát, tiếng mái chèo khua nhẹ và mùi hoa tràm ngai ngái.

Đoàn khách vào rừng cùng chúng tôi không ngừng giơ máy ảnh lên tự chụp và chụp cho nhau. Như thể, họ sợ những khoảnh khắc quý giá này sẽ biến mất. Tiếng cười nói dường như làm khu rừng thêm ấm áp giữa những sợi nắng mùa thu thả xuống từ trời cao, vàng như mật rót.

 

 
 



Đến Trà Sư mùa này, sẽ được thưởng thức những đặc sản chỉ mùa nước nổi mới có: chuột nướng, cá lóc nướng, lẩu cá linh bông điên điển, nộm rau rừng…

Khách du lịch cũng mách nhau, thời gian đẹp nhất đến rừng tràm là lúc 7- 9h sáng và 16- 18h để ngắm khu rừng xanh mát hoặc nhìn lũ chim đưa nhau về tổ.

Năm 2018, UBND tỉnh An Giang đã cho Công ty Cổ phần Du lịch An Giang (thành viên của Sao Mai Group) thuê 159 ha rừng Trà Sư trong 20 năm để làm du lịch. Tiếp nhận khu rừng đặc dụng, Sao Mai một mặt vẫn giữ nguyên sự độc đáo của mô hình xuồng chèo, tắc ráng đưa rước du khách len lỏi vào tâm rừng tham quan.



 

 



Mặt khác, tập đoàn Sao Mai khẩn trương qui hoạch tổng thể theo hướng tôn tạo và bảo vệ tính nguyên bản của rừng tràm Trà Sư. Ở khu vực vùng đệm ngoài, Sao Mai Group đẩy mạnh đầu tư chuỗi hạng mục liên hoàn để cung cấp dịch vụ tối ưu nhu cầu của du khách như: nhà hàng ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi- giải trí, lầu vọng cảnh…

Với tổng vốn đầu tư gần 33 triệu USD, Tập đoàn Sao Mai sẽ xây dựng Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư (Tịnh Biên) có quy mô và kiến trúc xây dựng đẳng cấp hàng đầu ĐBSCL. Dự án được chia thành hai khu chức năng: Khu I (hành chính, nghỉ dưỡng và tổ chức sự kiện), Khu II (tham quan, vui chơi giải trí và ẩm thực).


 

 



Theo lãnh đạo tập đoàn Sao Mai, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng rừng tràm Trà Sư là dự án quan trọng nhất trong năm 2018 vì nơi đây có vị trí đặc biệt thuận lợi trong kết nối các tuyến điểm du lịch khu vực và với các thị trường du lịch trọng điểm. Trà Sư cũng là “lá phổi xanh” của toàn khu vực ĐBSCL trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang chịu những tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu. Việc đầu tư nơi đây sẽ góp phần phát triển hạ tầng du lịch vùng, sớm đưa ngành “kinh tế xanh” trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X.

Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần quảng bá du lịch sinh thái địa phương với du khách trong và ngoài nước, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế trọng điểm vùng biên giới phía Tây Nam.

NGUYỄN ANH (VOH)
Ảnh: LINH TÂM

 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.