Màu ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi buổi sáng thức dậy, nhìn màn sương trắng đục phủ lên hàng cây xanh xa xa ở công viên phía trước nhà, tôi biết một ngày mới đã đến, thêm một ngày nữa đã lùi vào ký ức. Cứ như vậy, ký ức mỗi ngày một dày thêm, lưu lại những dấu ấn của thời gian với những màu sắc khác nhau. 
Ký ức có màu của mấy món đồ chơi hiếm hoi một thời thiếu thốn. Thương nhất là con búp bê nhựa có mái tóc xoăn bồng bềnh mà ta từng ôm giữ, nâng niu, tìm vải vụn may quần áo, làm võng để em nằm ngủ. Rồi con ngựa hồng có 4 bánh xe bé tẹo từng chở những hành khách nhí đi đến bao vùng đất tưởng tượng để thỏa mãn ước mơ khám phá của một thời bé dại.
Ký ức có màu của cánh diều giấy mong manh lượn lờ giữa một không gian rộng lớn. Màu của những mái tóc cháy nắng hoe vàng, những bàn chân trần đầy đất cát rượt đuổi nhau trên những đám ruộng mùa khô rực rỡ những loài hoa đồng nội mang mùi hương ngọt ngào lôi cuốn.
Ký ức có màu xanh của những vườn cây trái, của cánh đồng xanh mênh mông gợi lên bao cảm xúc của lần đầu được mẹ cầm tay dẫn đi theo ra đồng. Cái nắng chói chang, nóng rực giữa trưa và khuôn mặt mẹ đỏ bừng vì nắng sao mà thân thương quá đỗi. Chiếc áo mẹ đã phai màu vì dãi nắng dầm mưa, chiếc áo ba bạc phếch vì mồ hôi và sương gió. Hình ảnh mẹ trong đôi gánh kĩu kịt, bóng cha gầy yếu trên chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi vì đàn con. Nỗi niềm ký ức ấy sao mà đốt lòng ta đến vậy!
Ký ức có màu trắng tinh khôi của chiếc áo học trò. Những chiếc áo được giặt cất cẩn thận chỉ dành cho đến lớp. Để có chiếc áo ấy là bao công lao khó nhọc của mẹ cha. Màu áo trắng đã từng nhắc nhở ta trân trọng hơn hạnh phúc được cắp sách đến trường mà mình có được. Những chiếc áo trắng sáng lên dưới nắng vàng như đàn bướm tung tăng buổi tan trường sao mà thương mà nhớ.
Minh họa: Thủy Ngọc
Minh họa: Thủy Ngọc
Còn đây, ký ức của những trang vở học trò viết bằng mực tím. Từng trang vở được viết nắn nót, cẩn thận đầy trân trọng, giữ gìn. Màu mực đỏ của thầy cô nổi lên giữa những trang vở, có những điểm 9, điểm 10 đầy tự hào và cả những con điểm chưa như mong muốn để mình phải cố gắng nhiều hơn. Cũng có những quyển vở dành để bạn bè chuyền tay nhau chép thơ, chép nhạc. Những trang giấy hồng, giấy xanh đẹp mộng mơ, những bài thơ, bài hát chép bằng những màu mực khác nhau cùng với muôn màu những hoa, những lá.
Ký ức có màu đỏ rực của những tàng phượng vĩ ngày hè. Màu của những yêu thương, lưu luyến, gắn liền với bao kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò. Nhớ một thời nhặt từng cánh phượng rơi, làm bướm ép vào trang vở để mỗi lần nhìn những cánh bướm phượng héo khô lại nhớ một thời thơ dại biết mấy thân thương. Trang ký ức ấy lúc nào cũng sống động và đẹp làm sao, để rồi mấy mươi năm sau gặp lại nhau, những ông, những bà tóc đã phai màu lại cứ ngỡ mình là những đứa bé thơ với đôi mắt trong veo của tuổi học trò và bao trò đùa vui nghịch ngợm đầy hồn nhiên.
Và đây nữa, ký ức trong những ngày trời nhạt nhòa mưa giăng, người xót xa đổ lệ. Đất trời và lòng người cùng một màu u ám. Đó là những ngày đau buồn thương xót không nguôi mà ai trong đời từng trải qua đều thấu hiểu. Đau thương làm người ta hiểu hơn cái mong manh của sự sống, cái phù du của một kiếp người để rồi nâng niu hơn những gì ta đang có, sống vui hơn, tâm an hơn giữa bao sóng gió cuộc đời.
Ký ức có trang buồn trang vui vì cuộc đời vốn là như vậy. Ví như có đêm tối đen mà người ta mới trân trọng những giờ mặt trời chiếu sáng. Vì ngày hôm qua không bao giờ đến nên ai cũng cố sống theo cách để không bao giờ tiếc nuối. Quá khứ không mất đi, quá khứ nằm lại trong miền ký ức mỗi người. Miền ký ức ấy như để nhắc nhở, như để tự hào và nhờ đó ta hiểu hơn những ngày ta đã đi qua và thêm yêu thương mỗi ngày ta sẽ có.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.