* Cây xăng, ngân hàng là công trình công cộng?
(GLO)- Liên quan đến việc kiện tụng đất đai trên địa bàn huyện Mang Yang, Báo Gia Lai cũng vừa nhận được đơn của ông Nguyễn Xuân Sơn, cư trú tại tổ 8, thị trấn Kon Dơng, trong đó có nêu: Từ năm 1987 gia đình ông đến Gia Lai sinh sống và được UBND xã Kon Dơng cấp 2.000 m2 đất, đến năm 2000 chia tách huyện thì phần đất trên được lấy lại với lý do quy hoạch phục vụ công cộng.
Đơn xin cứu giúp của hộ dân bị quy hoạch 13 năm. Ảnh: Nguyễn Giác |
Ông Sơn nêu: Không có chỗ nương tựa, buộc con cái phải chạy vạy khắp nơi để mượn tiền và mua được một lô đất nhỏ ở phía đối diện nơi bị thu hồi để sinh sống tạm bợ.
Sau 13 năm thu hồi đất, đến nay huyện vẫn chưa đả động gì đến, do vậy, vì mưu sinh con trai của ông có dựng tạm ngôi nhà bằng sắt để làm nghề, nhưng chính quyền không đồng thuận và buộc dỡ bỏ, dù mới đây con của ông Sơn đã viết đơn gửi đến UBND thị trấn Kon Dơng, Phòng Tài nguyên và Môi trường và xin tự nguyện tháo dỡ khi dự án được triển khai. Khi đang chờ đợi thì lại nhận được thông báo buộc tháo dỡ, nếu không sẽ cưỡng chế. Hiện gia đình đang rất khó khăn, con cháu khổ cực.
Tương tự, hộ ông Đinh Văn A., cư trú tại tổ 6, thị trấn Kon Dơng cũng bị thu hồi lô đất 6 mét x 36 mét để xây dựng công trình công cộng, nhưng đến nay sau 12 năm, lô đất này có tin đã cho Ngân hàng Công thương thuê với nhiều tỷ đồng để xây dựng trụ sở làm việc.
Ông A. cho rằng: Công trình công cộng là Ngân hàng hay sao, cây xăng cũng không phải nhưng vẫn được cấp xây dựng, trong đó có cả cán bộ huyện xây nhà trên diện tích đất bị thu hồi được cho là sẽ làm công trình công cộng.
“Tôi chấp hành đúng quy định, thu hồi đất phục vụ nhân dân tôi đồng ý, còn lấy làm nơi để kinh doanh, làm nhà ở, bán tiền tỷ cho ngân hàng thì phải bồi thường đúng giá trị lô đất cho dân chúng tôi”-ông A. bức xúc nói.
Nguyễn Giác