Mang thai hộ - Phép màu tìm con: Cặp song sinh đầu tiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Con đó nó đẻ mướn đấy, mua đất cất nhà mà ở đi!', chị Ngô Thị Mỹ ở Khánh Hòa thường phải nghe dân làng nói ra nói vào như thế khi nhận lời mang thai hộ em họ.

Tháng 3.2016, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), hai em bé song sinh khác trứng chào đời khỏe mạnh nhờ người mang thai hộ (MTH). Hạnh phúc, nhưng cũng đầy nhọc nhằn với những người trong cuộc.

Bỗng nhiên bị gọi "bà đẻ mướn"

Chị Ngô Thị Mỹ (41 tuổi, ngụ xã Diên Lạc, H.Diên Khánh, Khánh Hòa) khá "nổi tiếng" ở làng vào năm 2015 vì nhiều người nói chị đi "đẻ mướn". Vốn là nông dân chỉ biết đi làm chăm chỉ, lại sống ở làng từ bé nên chị Mỹ khá sốc.

Hai người mẹ của Tin - Pin (từ trái qua: chị Hiền, Tin, Pin, chị Mỹ). Ảnh: L.V

Hai người mẹ của Tin - Pin (từ trái qua: chị Hiền, Tin, Pin, chị Mỹ). Ảnh: L.V

Giữa tháng 8.2023, tôi gặp chị Mỹ khi chị đang đến thăm hai bé sinh đôi khác trứng mà chị đã đẻ giùm cho em họ. Hai bé Tin - Pin vừa tròn 7 tuổi, quấn quýt bên chị Mỹ và mẹ ruột là chị Nguyễn Thị Thu Hiền (37 tuổi). Cặp song sinh này được cả hai bà mẹ chăm nom từ bé, những lúc một trong hai đứa bệnh, chị Mỹ sẵn lòng qua chăm sóc cùng Hiền vì nhà gần nhau. Cho tới vài năm gần đây, dù bé Tin đã chuyển về nhà mẹ ruột ở khác xã nhưng chị Mỹ và chồng con vẫn tranh thủ thi thoảng qua thăm. Chị Mỹ cười khề khà, có chút ngại ngùng bảo: "Ông xã còn tưởng con tui không đó, nhưng mình bén hơi tụi nhỏ từ khi còn bầu bì. Nghe nó lớn từng ngày mà. Với dù sao cũng là bà con… Hai đứa lanh lắm, lớn là theo phe mẹ hơn bà Út nha".

Thời gian này như bù lại nỗi đắng cay khi chị Mỹ đồng ý đẻ giùm em họ. Chị Hiền, mẹ ruột hai bé song sinh, chỉ có thể chia sẻ với người chị họ bằng cách chăm sóc kỹ bà bầu suốt thai kỳ.

"Tụi mình ở vùng quê ít có kiến thức về khoa học nên họ hay nặng nề trong lời nói. Khi chị Mỹ bị điều tiếng, mình cũng lo lắm, sợ bả nghĩ quẩn rồi bỏ thai. Có lần mình rón rén bảo: Hay chị qua nhà mẹ em bên xã khác ở cho đỡ bị người ta để ý? Nhưng chị Mỹ vẫn kiên trì và ít khi để lộ cảm xúc, dù mình biết chị ấy có buồn trong lòng. Thực ra thì vợ chồng Hiền có tiền đâu mà thuê người đẻ mướn? Tụi mình đều đi làm công ty, số tiền mấy trăm triệu chủ yếu để đi làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm - PV) cũng là tích cóp cực khổ. Chị Mỹ biết thế nên dù khi mang bầu bị "nghén hành", rồi tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao… nhưng vẫn ráng chịu hết để sinh hai bé khỏe mạnh như bây giờ", chị Hiền kể.

“Bà đỡ” Vũ Minh Ngọc, bác sĩ thực hiện ca mang thai hộ cặp song sinh đầu tiên ở phía nam. Ảnh: Ngọc Dương

“Bà đỡ” Vũ Minh Ngọc, bác sĩ thực hiện ca mang thai hộ cặp song sinh đầu tiên ở phía nam. Ảnh: Ngọc Dương

Khi mang bầu giùm cho em, chị Mỹ đang có một bé trai 11 tuổi. Nỗi lo lớn nhất của bà mẹ này là một lần sinh như một lần qua cửa tử, rồi con mình ai lo? Thêm nữa là lần đầu chị được biết về phương pháp khoa học làm IVF, bản thân phải chích nhiều loại thuốc nội tiết tố để làm dày niêm mạc tử cung, tăng khả năng đậu thai. Mà lại mang thai đôi, nguy cơ sinh non và nhiều rủi ro khác trong thai kỳ lẫn khi sinh khiến chị không khỏi phập phồng. Rồi bà con trong làng, vì chưa từng nghe về chương trình MTH nhân đạo mà chỉ nghĩ đơn giản là "đẻ mướn", nên có người còn hỏi thẳng thừng chị là đẻ vầy rồi được bao nhiêu? Mua được miếng đất chưa?

"Mình ra đường nhiều người không biết, họ nói "Sao em không mua đất đi, cất cái nhà ở?". Ý là làm việc đấy có tiền ấy mà. Thực ra là mình giúp em nó. Người ta nói thì mình cũng bỏ ngoài tai. Nhưng cũng buồn lắm, lại đang bầu bì nên càng dễ tủi thân. Có đêm nằm khóc miết, nhưng sáng dậy gặp em lại bảo do mất ngủ nên mắt sưng thôi", chị Mỹ cười nhớ lại quãng thời gian khó khăn.

Mong các con yêu thương cuộc sống của mình hơn

"Công sinh như công dưỡng, tôi luôn tự nhủ như vậy", chị Hiền nói về người mẹ thứ hai của Tin và Pin.

Tin và Pin năm nay 7 tuổi. Ảnh: L.V

Tin và Pin năm nay 7 tuổi. Ảnh: L.V

Bẩm sinh, chị Hiền đã bị "tử cung nhi hóa", một hội chứng y học khiến tử cung người phụ nữ không thể phát triển và có con tự nhiên. Dù vậy, chị Hiền và chồng vẫn quyết định cưới nhau vì tình yêu quá lớn dành cho nhau từ thời còn đi học. Khi về nhà chồng, biết không giấu được lâu, hai vợ chồng đã xin phép bố mẹ để làm MTH ngay khi luật pháp cho phép.

Chị Hiền kể: "Khi luật pháp chưa cho phép, mình cũng đành xuôi theo số phận thôi. Mình nói với ba Tin - Pin nếu vì con cái thì cứ chia tay, mình chấp nhận để anh có được hạnh phúc trọn vẹn vì mình không thể sinh con. Nhưng anh ấy chọn giữ lại vợ và chờ đợi ngày y học tiến bộ hơn để có con. Nếu ai đó nghĩ rằng có người MTH là khỏe re thì sai lầm lắm. Chưa kể rủi ro phôi không đạt, thai khó đậu… Trăm thứ lo chứ không phải thấy có người "đẻ giùm" là xong. Mỗi lần chọc hút trứng mình lại cầu nguyện, vì bẩm sinh mình không có kinh nguyệt nên rất khó canh ngày rụng trứng, phải siêu âm mới biết. Đi siêu âm lần đầu được có 3 trứng thôi nên bác sĩ chưa hút vì ít quá, sợ không đủ tạo phôi. Tối đó về nằm lo, chỉ biết cầu nguyện, may quá sáng hôm sau đi siêu âm được 7 trứng, bác sĩ nói làm hồ sơ để hút liền. Hút xong thì nằm bất động một tuần luôn, không đi đâu được. Đau đớn như người đi đẻ vậy…".

Chị Mỹ bây giờ cũng đã có thêm một bé gái 2 tuổi. Niềm vui của bà mẹ này không chỉ là làm mẹ ở độ tuổi 40 thêm lần nữa. Chị vui vì cô em họ mình nay cũng đã có thể bước qua gian nan để được làm mẹ của những đứa trẻ lanh lợi.

Nếu không có chị Mỹ, có lẽ chị Hiền sẽ mãi mãi không bao giờ chạm tới ước mơ làm mẹ. Hai bà mẹ này thống nhất là sau này khi Tin - Pin lớn và hiểu chuyện, họ sẽ kể con nghe về câu chuyện con ra đời thế nào. Chị Hiền nói: "Mình thấm thía cảnh bị dị nghị này kia khi mang thai giùm em, nên mình nghĩ khi nói cho con biết, con sẽ hiểu cha mẹ vất vả ra sao mới có con, từ đó mới yêu thương cuộc sống của mình hơn, vui hơn vì có đến hai người mẹ".

Chị Hiền tâm sự về cuộc sống hiện tại: "Khi đã có con rồi, tưởng hạnh phúc tròn đầy thì chúng mình lại gặp trục trặc trong lối sống và chia tay. Giờ Tin ở với mình, Pin ở với ba. Có con là ước nguyện của bất kỳ cặp vợ chồng nào, nhưng có lẽ ở được với nhau hay không, đâu chỉ vì có hay không có con chung?". (còn tiếp)

Bác sĩ cũng áp lực

Bác sĩ Vũ Minh Ngọc, người thực hiện IVF cho cặp song sinh đầu tiên nhờ MTH, chia sẻ: "Đó là ca đầu tiên tôi làm IVF song sinh mà nhờ người MTH nên khi làm thì chúng tôi cũng khá áp lực. Nhất là Hiền có ít trứng nên số phôi tạo được cũng ít hơn người khác. Khi chuyển phôi cho người MTH, thông thường chúng tôi chỉ chọn phôi nuôi ngày 5 là tốt nhất và chuyển một phôi. Nhưng do Hiền ít phôi quá nên tôi phải đưa phôi nuôi ngày 3 vào, tuy không bằng phôi ngày 5 nhưng sẽ giảm rủi ro trong quá trình nuôi lên ngày 5. Vì vậy tôi đã xin phép hội đồng chuyên môn chuyển 3 phôi ngày 3 nhằm tăng khả năng có thai, cũng hy vọng là đậu một thai thôi. Nhưng may mắn là chị Mỹ đậu thai đôi và sinh hai em bé khỏe mạnh".

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.