Măng Đen chuyển mình nhờ du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm qua, từ một nơi hoang sơ, ít người biết đến, vùng đất Măng Đen đã trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn, đón hàng trăm ngàn lượt khách mỗi năm

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung để đưa vùng đất Măng Đen ở tỉnh Kon Tum trở thành một trong những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa của cả nước.

Đà Lạt của Bắc Tây Nguyên

Nói đến Măng Đen, nhiều người nghĩ ngay tới vùng đất hoang sơ với những cánh rừng xanh bạt ngàn, những nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa, đặc biệt là khí hậu quanh năm mát mẻ.

Từ TP Kon Tum, chúng tôi đi theo Quốc lộ 24 chừng 60 km là đến thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Mùa này, dọc hai bên đường là những vạt hoa dã quỳ vàng rực, dập dìu theo từng cơn gió. Đang buổi trưa, mới đến giữa đèo Măng Đen, còn cách trung tâm huyện chừng 10 km, chúng tôi đã nghe đôi tai ù dần do cái lạnh đột ngột bao trùm. Và, chúng tôi biết mình đã đặt chân đến vùng đất được mệnh danh là "Đà Lạt của vùng Bắc Tây Nguyên".

Những năm qua, du lịch tại Măng Đen đã có sự thay đổi rõ rệt, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách

Những năm qua, du lịch tại Măng Đen đã có sự thay đổi rõ rệt, mỗi năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách

Đúng 10 năm trước, chúng tôi đến Măng Đen lần đầu khi tỉnh Kon Tum công bố Quyết định 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen. Hồi đó, Quốc lộ 24 còn ngoằn ngoèo, rất khó đi chứ chưa láng mịn, mềm mại giống dải lụa vắt ngang các triền đồi như bây giờ. Những cánh rừng nguyên sinh toàn cổ thụ dày đặc, những vạt đồi thông xanh ngắt và khí lạnh, sương mù... thì vẫn như vậy, không có nhiều thay đổi.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện vùng đất có độ cao trên 1.200 m, khí hậu mát mẻ và nhiều cảnh đẹp này. Do đó, họ muốn biến nơi đây thành địa điểm nghỉ dưỡng và đã trồng vô vàn cây thông. Nhờ vậy, Măng Đen bây giờ không chỉ có rừng nguyên sinh bạt ngàn với vô vàn loài cây gỗ quý mà còn được bao bọc bởi những cánh rừng thông xanh mướt.

Nhiều người cho rằng Măng Đen được thiên nhiên ưu đãi khi khí hậu luôn mát mẻ nhưng với tôi, việc gần như quanh năm chỉ mưa và gió có phần nào khắc nghiệt. Dù vậy, với những người đã quá quen cái nóng bức, khói bụi, sự xô bồ của chốn thị thành thì Măng Đen đúng là được rất nhiều ưu đãi của thiên nhiên.

Ở Măng Đen, các dân tộc bản địa như Mơ Nâm, Xơ Đăng, Ca Dong… đã sống bao đời nay. Họ có những nét văn hóa, phong tục tập quán truyền thống, đặc trưng còn lưu giữ đến giờ.

Thay đổi rõ rệt

Những năm qua, chính quyền Kon Tum đã có nhiều quyết sách nhằm đưa vùng đất Măng Đen đang "ngái ngủ" trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và cả nước. Từ đó, Măng Đen đã có bước chuyển mình rõ rệt khi lượng khách du lịch ngày càng tăng. Tính đến hết tháng 11-2023, Măng Đen đã đón 930.000 lượt khách, tăng gần gấp đôi năm 2022.

Bà Y Lim - ngụ làng Kon Pring, thị trấn Măng Đen - cho biết trước đây, người dân vùng này quanh năm chỉ bám vào vài đám lúa nước, rẫy trồng mì để sinh sống. Không chỉ gia đình bà, nhiều dân làng Kon Pring cũng thường xuyên chịu cảnh thiếu ăn vào những mùa giáp hạt.

"Lúc ấy, mọi người làm nhiều lắm, hết trồng lúa rồi qua trồng mì, làm nhà chòi..., vậy mà vẫn không đủ ăn" - bà Y Lim nhớ lại.

Đến năm 2019, thấy Kon Pring vẫn còn rất hoang sơ dù gần trung tâm huyện và xung quanh có phong cảnh hữu tình nên Kon Plông đã chọn làng này để xây dựng thành làng du lịch. Ban đầu, huyện xây dựng 3 ngôi nhà dài để đón du khách tới lưu trú. Dần dần, tiếng lành đồn xa, khách du lịch tìm tới đông nên dân làng mở rộng thêm các phòng để du khách lưu trú.

Theo bà Y Lim, người dân nhiều địa phương đã đến làng Kon Pring du lịch nhưng đông nhất vẫn là khách tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Đến Kon Pring, du khách được trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của người dân địa phương; được thưởng thức nhiều món ăn nguyên bản của người dân tộc thiểu số làm từ đọt mây, rau rừng...; được sống gần gũi với thiên nhiên, xa hẳn không khí xô bồ nơi đô thị.

Nhờ khách du lịch, đời sống người dân Măng Đen đã thay đổi rõ rệt. Ngoài canh tác nông nghiệp, dân làng còn tham gia dịch vụ du lịch ngày càng bài bản, chuyên nghiệp.

Làng Kon Pring có 70 hộ dân, trong đó 12 hộ chuyên phục vụ khách du lịch bằng các dịch vụ như lưu trú, kinh doanh món ăn đặc sản và các sản phẩm thủ công như gùi, nỏ... Các hộ khác không trực tiếp làm dịch vụ thì hỗ trợ qua việc lên rừng hái đọt mây, ống lồ ô, rau rừng… để về phục vụ du khách.

Đến nay, nói đến đời sống kinh tế, dân làng Kon Pring thường khoe xem người nào khá hơn, chứ không còn ai than nghèo, thiếu ăn như trước nữa. "Nhờ làm dịch vụ phục vụ du khách, đời sống dân làng đã thay đổi không chỉ về kinh tế mà còn cả trong văn hóa, giao tiếp, ứng xử..., tất cả đã khác hẳn ngày trước" - bà Y Lim khẳng định.

Hơn chục năm trước, những người đến Măng Đen làm du lịch đa phần đã luống tuổi, mê đắm vẻ đẹp hoang sơ và khí hậu của vùng đất này. Một trong những người đầu tiên ấy là bà Nguyễn Thị Kim Dung. Bà đã bỏ cả việc kinh doanh với trên 100 nhân viên ở TP HCM để lên Măng Đen xây nhà hàng, khách sạn.

Ban đầu, khách ít, nhiều lần bà Dung muốn trở lại TP HCM nhưng với tình yêu mảnh đất này nên bà lưu luyến không thể rời đi. Đến nay, sau gần 20 năm xây dựng, cơ sở kinh doanh của bà đã trở thành nơi hút khách bậc nhất tại Măng Đen.

Măng Đen ngày nay đông nghịt quán xá, homestay, nhà hàng… Khác với trước đây, đa phần chủ kinh doanh bây giờ là những người trẻ, tìm tới vùng đất này để mong có cuộc sống khá giả hơn.

Hướng đến khu du lịch quốc gia

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho rằng quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Măng Đen đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ sẽ giúp vùng đất này có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn.

Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch gồm thị trấn Măng Đen và 5 xã: Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê, với tổng cộng trên 90.000 ha. Trong đó, 19.000 ha không có rừng tự nhiên, được sử dụng xây dựng các công trình nhà ở, đô thị...; khoảng 71.000 ha rừng tự nhiên được quy hoạch khai thác hoạt động du lịch. Trong tương lai, Măng Đen sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực; thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây Nguyên với cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng sinh học...

Trước đó, vào tháng 8-2023, sau khi tỉnh Kon Tum đề xuất, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung sân bay Măng Đen vào quy hoạch cảng hàng không. Chi phí đầu tư dự án này là 4.000 tỉ đồng, theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Sân bay Măng Đen dự kiến có diện tích khoảng 350 ha, công suất thiết kế từ 3 triệu đến 5 triệu hành khách/năm, đặt tại thị trấn Măng Đen, thực hiện từ năm 2023 đến 2027.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, với những tiềm năng mà Măng Đen sẵn có, huyện Kon Plông sẽ đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; du lịch mạo hiểm, thể thao và dã ngoại… Mục tiêu là đến năm 2025, Khu Du lịch Măng Đen cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch quốc gia, trở thành điểm đến hấp dẫn, có thương hiệu trong khu vực, trong nước và quốc tế.

"Chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương sẽ cùng chung tay trong việc phát triển du lịch mang tính bền vững, thân thiện. Sự đồng thuận này sẽ giúp du lịch Măng Đen phát triển lên một tầm cao mới trong thời gian tới" - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông bày tỏ.

Thu hút đầu tư dịch vụ du lịch

Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông, nhấn mạnh địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên khu, khu vực, mang tính xã hội hóa cao; đem lại hiệu quả đa dạng về kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác của huyện cùng phát triển.

Thời gian tới, Kon Plông sẽ triển khai nhiều quyết sách để phát triển mạnh hơn nữa ngành du lịch. Trong đó, huyện sẽ nghiên cứu, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch. Huyện sẽ tập trung hỗ trợ, khuyến khích các làng dân tộc thiểu số bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng; hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn để tạo ra sản phẩm phong phú, phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.

Bên cạnh đó, Kon Plông sẽ thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, công bằng để thu hút các nhà đầu tư dịch vụ du lịch.

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Mô hình “Cà phê cảnh quan” ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.T

“Cà phê cảnh quan”: Đa lợi ích

(GLO)- Cà phê cảnh quan là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp mang lại giá trị cao cho cây cà phê, có thể phát triển du lịch.

TP. Pleiku: Đào tạo nghiệp vụ du lịch cho 50 học viên

TP. Pleiku: Đào tạo nghiệp vụ du lịch cho 50 học viên

(GLO)- Ngày 30 và 31-12, tại xã Biển Hồ (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), UBND thành phố phối hợp với Trung tâm hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) tổ chức lớp đào tạo về du lịch trên địa bàn.