Lục Ngạn không chỉ vải thiều!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngoài vải thiều, điều thú vị là cam Vinh, bưởi Diễn trên đất Lục Ngạn không chỉ ngon, đẹp mà còn mang những cái tên mới như "cam lòng vàng", "bưởi ngọt"... có đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý hẳn hoi
"Vương quốc vải thiều", "kinh đô vải thiều", "trung tâm vải thiều" là những danh xưng dành cho huyện Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang những năm gần đây. Với diện tích trồng vải toàn huyện trên 15.000 ha, tổng sản lượng hằng năm xấp xỉ 100.000 tấn, chiếm khoảng 1/4 sản lượng vải cả nước, góp phần đưa Việt Nam thành "quốc gia vải" đứng thứ ba trên thế giới, thì Lục Ngạn hoàn toàn xứng đáng với những danh xưng đó.
Trước "giờ G"
Năm nay, tôi lên Lục Ngạn vào cuối tháng 5. Theo nông lịch trên này thì đến giữa tháng 6 là rộ mùa thu hoạch vải. Nghĩa là còn mươi hôm nữa mới đến "giờ G".
Đường đi xuyên giữa những vườn vải trĩu quả ngả màu hồng tươi giữa trưa hè lặng gió. Hàng quán ven đường lác đác những mẹt vải chín sớm. Thảng hoặc lại có một chiếc xe máy chở ngất nghểu sọt vải đỏ rực chạy về hướng chợ trung tâm hoặc rẽ về bến xe thị trấn.
Niềm vui của mùa vải mới
Niềm vui của mùa vải mới
Quang cảnh yên ắng thế, nhưng trò chuyện với các chủ vườn và lãnh đạo địa phương, mới hay đấy là cái yên ắng dồn nén trước một trận đánh lớn. Kỹ sư Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên "trận đánh" này hết sức đặc biệt. Mọi công tác chuẩn bị phải hết sức chu đáo, tỉ mỉ.
Rồi Huy kể từ đầu tháng 4, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của tỉnh đã tích cực liên hệ với các tập đoàn phân phối, chợ đầu mối, doanh nghiệp và thương nhân nông sản trong nước và nước ngoài để tìm cách tiêu thụ vải thiều cho Bắc Giang nói chung và Lục Ngạn nói riêng. Đến nay, đã có 6 doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đăng ký thu mua gần 2.000 tấn vải thiều Lục Ngạn để xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước EU... Đặc biệt, đến ngày 20-5 đã có 250 thương nhân Trung Quốc đăng ký tới Lục Ngạn thu mua vải thiều. Các vị này đều cam kết khai báo y tế và chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết huyện đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ vải, trong đó xấu nhất là tình huống thị trường truyền thống bị ách tắc. Theo đó, sẽ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, song song với việc mở rộng thị trường sang các nước Âu - Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã khai thông từ vài năm nay.
Những năm vừa qua, vải thiều Lục Ngạn đã vào được thị trường phía Nam. Nhiều tập đoàn phân phối lớn tại Việt Nam như: Big C, Co.opmart… đều đã đến Lục Ngạn khảo sát, có kế hoạch cho vụ vải năm nay. Giữa tháng 5, Công ty Chánh Thu của tỉnh Bến Tre đã ký kết thu mua hơn 100 tấn vải thiều trên diện tích hơn 10 ha ở các xã Tân Sơn và Nam Dương của huyện. Ngày 6-6, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc xúc tiến tiêu thụ vải thiều, gồm 60 điểm cầu tại Sở Công Thương của các tỉnh và TP trong cả nước.
Trầy trật tháo gỡ
Lục Ngạn là huyện miền núi bán sơn địa phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang, với diện tích tự nhiên hơn 1.012 km2, rộng hơn cả một số tỉnh như Hà Nam, Bắc Ninh.

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, hàng chục vạn đồng bào các tỉnh miền xuôi rời quê hương lên đây xây dựng vùng kinh tế mới. Nhiều cây trái sản vật của các miền quê cũng theo lên vùng quê mới. Trong số đó, cây vải vùng Thanh Hà (Hải Dương) là thích hợp và hiệu quả hơn cả. Nhưng thời đó, trồng vải thiều ở Lục Ngạn chỉ là tự sản tự tiêu, canh tác tự phát, manh mún, lạc hậu nên sản lượng thấp, chất lượng thua kém vải thiều Thanh Hà của Hải Dương và của nhiều miền quê khác.

Trong cuộc vật lộn tự cứu mình vào những năm 1980, lãnh đạo huyện Lục Ngạn lúc bấy giờ đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát các yếu tố tự nhiên và quyết định Lục Ngạn phải "đổi đời" bằng cây vải thiều. Câu nói "hãy dời kinh đô vải thiều về Lục Ngạn" của Bí thư Huyện ủy Đỗ Phụng ngày ấy, đến nay các thế hệ nhân dân ở Lục Ngạn vẫn nhắc. Chuyện kể rằng đích thân ông Phụng cùng một số lãnh đạo chủ chốt của huyện đã biện lễ về tận Thanh Hà, thắp hương tạ ân dưới gốc cụ Vải Tổ cầu khấn cụ phù hộ độ trì cho chút chít hậu duệ của cụ sinh sôi nảy nở tốt tươi trên miền quê mới, để đặc sản vải Thanh Hà không chỉ nức danh là "vải tiến vua" mà còn giúp muôn dân xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu từ cây vải.
Câu chuyện trên đây tuy hơi hướng tâm linh nhưng thể hiện một nguyện vọng và quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân Lục Ngạn lúc bấy giờ. Cùng với đó là biết bao công việc bài bản phải thực thi, từ việc khuyến khích hình thành những trang trại tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật trong làm đất, chọn giống, chăm sóc, áp dụng quy trình VietGAP và GlobalGAP… đến khâu bảo quản và tiêu thụ.
Khi cây vải đã tràn ngập toàn huyện với sản lượng mỗi vụ đến hàng trăm tấn; khi "Vải thiều Lục Ngạn" được đăng ký thương hiệu, có mã vạch truy xuất thì lại phải lo làm sao chấm dứt điệp khúc được mùa rớt giá, làm sao ổn định đầu ra và tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ.
Từng ấy công việc phải trầy trật tháo gỡ vụ này sang vụ khác, đến nay ngót nghét đã 30 năm có lẻ.
Ăn nên làm ra
Tôi có anh bạn đồng ngũ là nhà thơ Ngô Minh Bắc.
Năm 1983, từ chiến trường K trở về, anh theo học trường báo chí rồi về công tác ở Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Hà Bắc cũ. Anh phóng viên cựu chiến binh này sau đó được cử lên tăng cường cho Đài Truyền thanh huyện miền núi Lục Ngạn. Tưởng chỉ vài năm "tăng cường" biệt phái, nào ngờ bén rễ xanh cây ngót nghét đã hơn 30 năm.
Cách đây mấy năm, tình cờ nhận ra nhau trong một chuyến đi thực tế sáng tác do Hội Văn nghệ Bắc Giang tổ chức, Ngô Minh Bắc nhiệt tình mời tôi lên Lục Ngạn, hăng hái dẫn tôi đi tham quan những mô hình "Nông thôn mới vùng trồng cây ăn quả". Đây là một đề án lớn của huyện Lục Ngạn triển khai đầu năm 2015, với 3 đặc trưng cơ bản của "nông thôn mới vùng trồng cây ăn quả" là: Chuyên canh các loại cây ăn quả; kiến trúc nhà vườn thân thiện môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.
Hôm đó, tôi đã được thong dong tản bộ trong các ngõ xóm dẫn đến những ngôi nhà trang nhã nép mình dưới bóng những vườn cây ăn quả sum sê. Chốc chốc lại gặp hình ảnh một chiếc ô tô đậu trong khuôn viên gia đình, như "khoe khéo" về sự ăn nên làm ra của gia chủ. Tất cả đường liên thôn, liên xã đều đã được trải nhựa hoặc đá cấp phối. Hệ thống "điện, đường, trường, trạm" hoàn chỉnh hài hòa trong không gian xanh, sạch, đẹp của một miền quê trù phú. Tất cả đều là nhà nước và nhân dân cùng làm.
Một làng nghề truyền thống ở Lục Ngạn
Một làng nghề truyền thống ở Lục Ngạn
Cũng từ lần thâm nhập thực tế ấy, tôi mới biết Lục Ngạn hôm nay đã trở thành một vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất của miền Bắc, với tổng diện tích hơn 27.000 ha chuyên canh cây ăn trái, sản lượng hằng năm trên dưới 200.000 tấn các loại. Điều thú vị là cam Vinh, bưởi Diễn trên đất Lục Ngạn chẳng những ngon hơn, đẹp hơn sản phẩm "gốc", mà còn được mang những cái tên mới như "cam lòng vàng", "bưởi ngọt"... có đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý hẳn hoi. Và như vậy là không chỉ có vải thiều, cam, bưởi..., Lục Ngạn còn có nhiều sản phẩm truyền thống đang được phục hồi và nâng cao, như: rượu Kiên Thành, giấm trái cây, mì Chũ, mật ong, phấn hoa, thịt ngựa, thịt dê.
Biết tôi không thể ở lại đến "giờ G" của mùa vải năm nay, Ngô Minh Bắc cứ xuýt xoa tiếc rẻ. Anh nói, trưa 6-6, ngay sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến toàn quốc xúc tiến tiêu thụ vải thiều, UBND huyện sẽ tổ chức lễ xuất hành đoàn xe vải thiều đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tất cả trang trại, vườn đồi sẽ nhất loạt mở cửa đón khách hàng và du khách đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm và thương thảo làm ăn. Đó là nét văn hóa mới của "nông thôn mới vùng trồng cây ăn quả".
Du khách đến thăm nhà vườn ở Lục Ngạn
Du khách đến thăm nhà vườn ở Lục Ngạn
Cũng như mấy năm gần đây, "Hội chợ cam - bưởi Lục Ngạn" được tổ chức vào ngày 26-11 hằng năm đã trở thành một lễ hội thương mại được dư luận chú ý. Gọi là "Hội chợ cam - bưởi" nhưng có tất cả những sản phẩm truyền thống vừa kể trên. Đây là dịp vinh danh, quảng bá các sản phẩm trái cây chất lượng cao và các đặc sản khác của Lục Ngạn đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. 

Ngô Minh Bắc hào hứng bảo tôi dịp này bận thì cứ về đi, nhưng cuối năm nay, cố gắng lên dự “Hội chợ cam - bưởi Lục Ngạn”! Tôi nhận lời với sự sốt sắng chân thành, bởi đó sẽ được thêm một lần khám phá Lục Ngạn.

ĐỨC THỌ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.