Dự buổi lễ có các đồng chí: Phạm Thị Tố Hải-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Thiếu tướng Trần Minh Tâm-Chính ủy Binh chủng Thông tin Liên lạc; Thiếu tướng Khúc Đăng Tuấn-Tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc, cùng lãnh đạo các địa phương, đơn vị đứng chân trên địa bàn.
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đơn vị. Ảnh: VĨNH HOÀNG |
Diễn văn tại buổi lễ nêu rõ: Ngày 1 -5-1953, tại làng Đầm, xã Đồng Bẩm huyện Đồng Hỷ (nay là xã Phú Cường, huyện Đại Từ), tỉnh Thái Nguyên, Đại đội dây trần đầu tiên của Quân đội ta mang phiên hiệu Đại đội 105 được thành lập (tiền thân của Lữ đoàn 132 ngày nay), có nhiệm vụ xây dựng và khai thác hệ thống điện thoại dây trần đường dài quân sự. Đơn vị đã bắt tay ngay vào huấn luyện, chuyên môn trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng mạng thông tin dây trần trong khu căn cứ địa Việt Bắc, bảo đảm thông tin hữu tuyến điện từ chiến khu Việt Bắc sang Tây Bắc để Trung ương Đảng và Bác Hồ, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo, chỉ huy các chiến trường.
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cuối, Tiểu đoàn bắt tay vào xây dựng các trục thông tin dây trần, đường dây của Tiểu đoàn từ Bản Mù, Định Hóa, Thái Nguyên tỏa đi khắp nơi như: Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ đến Hòa Bình, Thanh Hóa, nối thông lên biên giới Việt-Trung và Khu kháng chiến của Chính phủ cách mạng Lào, phục vụ cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đường dây lại vượt sông Hồng về Thủ đô Hà Nội rồi vươn tới Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định. Đặc biệt, đơn vị đã xây dựng thành công tuyến trục “Thống Nhất” từ Xuân Mai vào Quân khu 4, tuyến dây chiến lược bảo đảm thông tin vững chắc từ Bộ Tổng tư lệnh đến các Quân khu, Quân chủng, các đơn vị phòng thủ vùng biên giới, hải đảo trên toàn miền Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đơn vị đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt cho lãnh đạo, chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng đến toàn quân, đánh thắng 2 lần chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Đồng thời đưa toàn bộ lực lượng của Trung đoàn cơ động, tiến sâu, ở lâu trong chiến trường; xây dựng đường dây xuyên Trường Sơn nối thông liên lạc từ Hà Nội vào chiến trường miền Nam. Đơn vị đã trực tiếp tham gia bảo đảm thông tin liên lạc cho các chiến dịch đánh to, thắng lớn trong cuộc tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Đường 9-Nam Lào, chiến dịch Trị Thiên-Huế 1972, chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Huế-Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tháng 2-2005, đơn vị hành quân di chuyển Sở chỉ huy từ Hà Nội vào Gia Lai. Từ năm 2008 đến nay, Lữ đoàn trở thành đơn vị bảo đảm thông tin hỗn hợp: cả thông tin hữu tuyến điện, vô tuyến điện, thông tin Visat, truyền hình, truyền số liệu, thông tin quân bưu và tổng trạm thông tin cơ động số 2. Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị toàn quân trên địa bàn 11 tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên và Quần đảo Trường Sa, Vùng 3, Vùng 4 Hải quân, Vùng 2 Cảnh sát biển, các sư đoàn Phòng không không quân, các đồn Đồn Biên phòng trên các huyện biên giới của các tỉnh Tây Nguyên.
Đơn vị nhận Cờ thi đua của Binh chủng Thông tin Liên lạc. Ảnh: VĨNH HOÀNG |
Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Lữ đoàn và các đơn vị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Lữ đoàn và 2 đơn vị được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 2 Huân chương Quân công hạng nhất; 2 Huân chương Quân công hạng 3; 5 Huân chương chiến công hạng 3; 1 huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3. Đơn vị có 106 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng hy sinh để đảm bảo mạch máu thông tin liên lạc. Nhân dịp này, Binh chủng Thông tin Liên lạc đã tặng cờ thi đua cho Lữ đoàn vì đã có thành tích xuất sắc trong thời gian qua.