Lớp học tình thương của anh bảo vệ dân phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với mong muốn giúp những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn có được cái chữ, phép tính để thay đổi cuộc đời, tránh bị kẻ xấu dụ dỗ vào con đường lầm lạc, bằng nguồn kinh phí ít ỏi từ phụ cấp làm bảo vệ dân phố và làm công nhân khu công nghiệp, anh Trần Lâm Thắng, ngụ khu phố Long Bửu, phường Long Bình, TP Thủ Đức đã mở lớp học tình thương.

Trải qua gần 13 năm hoạt động, đến nay, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên, những nhà hảo tâm và sinh viên tình nguyện, lớp học đã tiến thêm một bước mới là “phổ cập tình thương” liên kết với Trường Tiểu học Long Bình để hướng cho các cháu học lên cấp 2,3, thậm chí là đại học, cao đẳng…

Thầy Trần Lâm Thắng giảng dạy môn Toán cho học sinh
Thầy Trần Lâm Thắng giảng dạy môn Toán cho học sinh

“Duyên” đến tình cờ…

Tôi đến lớp học tình thương của anh Trần Lâm Thắng ở khu phố Long Bửu, phường Long Bình, TP Thủ Đức vào buổi chiều một ngày trung tuần tháng 5/2023. Những âm thanh ê, a đọc chữ, đọc số của học sinh tiểu học hòa quyện lời giảng ôn tồn chất chứa tình thương của các thầy cô giáo là những sinh viên tình nguyện như làn gió mát xua tan đi cái nóng bức ngột ngạt của tiết trời cuối mùa khô ở Nam Bộ. Kéo tôi ra chiếc ghế đá cũ kỹ kê ở góc sân, anh Thắng kể về quá trình hình thành, duy trì, ổn định lớp học tình thương do anh lập ra.

Năm 2007, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương tìm việc làm. Trong thời gian chờ việc, anh xin tham gia làm bảo vệ dân phố để góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực. Địa bàn là nơi có hơn chục lò gạch dã chiến lớn nhỏ thu hút hàng trăm lao động từ nơi khác về làm việc, nhưng họ không có thời gian chăm lo cho con cái, để chúng lết la, tụ tập thành nhóm nhỏ và thường xuyên gây hấn qua lại. Sau hàng chục lần giải quyết mâu thuẫn, giảng giải điều hay lẽ phải, thế nào là đúng sai để các cháu không tái phạm, một ngày đầu tháng 10/2010, Thắng phát hiện hai đứa trẻ khoảng 14-15 tuổi đánh nhau gây xây xát nên đã đưa cả hai về trụ sở khu phố với mong muốn thay mặt cha mẹ dạy bảo chúng bằng việc đưa giấy, bút bảo viết cam kết. Khoảng 30 phút sau, Thắng quay lại thì thấy cả hai rơm rớm nước mắt rồi cùng đồng thanh: “Chúng cháu không biết chữ”. Sau khi trực tiếp chở hai cháu về phòng trọ, Thắng tranh thủ tìm hiểu thêm và phát hiện không chỉ có hai cháu, mà hầu hết lũ trẻ là con cái của những cặp vợ chồng làm thuê ở khu lò gạch do hoàn cảnh rất khó khăn nên cha mẹ không có điều kiện cho ăn học và đến tuổi có thể lao động được thì đi khuân vác gạch, than, củi kiếm thêm tiền để phụ giúp cha mẹ lo cái ăn, cái mặc...

Các học sinh khoe làm được bài tập

Các học sinh khoe làm được bài tập

Không biết chữ, thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, hở ra là tụ tập gây hấn, đánh lộn và dễ lầm đường lạc bước theo đám bất hảo đi làm chuyện phi pháp… là thực trạng của lũ trẻ. Nghĩ đến đây, Thắng quyết định tìm hướng đi để giúp đỡ đám trẻ và kết luận chỉ có cái chữ, phép tính mới có thể giúp chúng hiểu điều hay lẽ phải và có thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo của cha mẹ để tự định đoạt cuộc sống sau này. Nghĩ là làm, sau mấy đêm thức trắng suy tính, Thắng tìm đến Đoàn phường đề nghị hỗ trợ thành lập lớp học tình thương. Nhận thấy phương án của Thắng rất nhân văn, Đoàn phường và chính quyền địa phương đồng ý ngay và còn cho mượn một phòng trong trụ sở khu phố Long Bửu làm lớp học.

Như bắt được vàng, Thắng lập tức đạp xe đến từng con hẻm, gõ cửa từng phòng trọ, chui vào từng lò gạch để vận động các bậc cha mẹ cho các em đến lớp buổi tối. Lúc đầu, tất cả cha mẹ chúng đều cự tuyệt, nhưng với sự kiên trì vận động của Thắng, dần dần có nhiều người đồng ý cho con đến lớp, nhưng chỉ một tiếng đồng hồ thôi, còn lại chúng phải ra bưng bê gạch, than giúp cha mẹ kiếm tiền. Có được học sinh, nhưng vấn đề sách, vở, bút, bảng, phấn cũng khiến Thắng đau đầu bởi cha mẹ cũng nghèo, không thể hỗ trợ. Không còn cách xoay trở, Thắng đánh liều lên phường xin tạm ứng hai tháng tiền phụ cấp làm bảo vệ dân phố lấy 1,2 triệu đồng làm kinh phí trang trải bước đầu. Khi lớp học đi vào nề nếp, các cháu cũng thích lui tới mỗi đêm để được học cái chữ, được cùng bạn bè vui đùa và nhất là được nghe thầy kể những câu chuyện hướng cho các em trở thành con ngoan, trò giỏi nên phát sinh thời gian kéo dài mỗi tối. Vậy là một lần nữa, Thắng lại phải xuống từng hộ gia đình vận động xin cho các em thêm nửa giờ mỗi tối để các em đến lớp.

Buổi sinh nhật đầy tình yêu thương của thầy giáo và học sinh.

Buổi sinh nhật đầy tình yêu thương của thầy giáo và học sinh.

Khắc khoải những ước mong

Lúc đầu Thắng nghĩ lớp học chỉ là xóa mù chữ cho con em những công nhân lò gạch nhằm khi lớn lên ra xã hội, chúng biết phân biệt được đâu là cái tốt, cái xấu để mà biết chọn cho mình một việc làm phù hợp, tốt hơn cha mẹ, nhưng lâu dần có nhiều người lao động nghèo nhập cư từ nơi khác đến xin cho con cái được học chữ. Từ chối thì không nỡ, mà tiếp nhận thì lấy đâu thầy cô đứng lớp giảng bài, lấy đâu kinh phí mua tập, vở, giấy, bút trong khi phụ cấp bảo vệ dân phố 600 ngàn đồng/tháng chỉ đủ hỗ trợ cho vài chục em.

Đang không biết tính toán sao thì một đoàn công tác gồm đại diện UBND phường, Trường Tiểu học Long Bình và Đoàn thanh niên đến thăm lớp. Thấy cách tổ chức khá chu đáo, các em học sinh lại chăm ngoan và xem thầy Thắng như cha, cái gì cũng hỏi nên đại diện Trường Tiểu học Long Bình đề nghị chuyển đổi cách tổ chức theo kiểu Liên kết phổ cập tình thương để cháu nào học tốt, đủ tiêu chuẩn và cha mẹ ủng hộ thì được chuyển sang học theo giáo trình của trường, sau đó có thể học, thi lên cấp 2,3, đại học tùy mong muốn…Cũng tại buổi thăm này, đại diện UBND phường đồng ý cho mượn thêm phòng học trong trường mầm non rồi cùng các ban ngành, đoàn thể đi gõ cửa các Mạnh Thường Quân xin ủng hộ kinh phí.

Các em sôi nổi xung phong lên bảng.

Các em sôi nổi xung phong lên bảng.

Có được sự ủng hộ qúy báu từ các cấp, các ban ngành, đoàn thể, nhưng một mình làm sao đứng được nhiều lớp cùng một thời điểm, làm sao có kỹ năng truyền đạt chữ nghĩa cho các em thiểu năng chậm phát triển? Suy đi tính lại, Thắng quyết định tìm gặp một sinh viên đại học năm nhất là người địa phương thử mời về giúp sức. Được sự ủng hộ của cha mẹ, sinh viên này đã nhận lời và sau thời gian dạy thử, sinh viên này đã xem lớp học như một phần ruột thịt của mình và còn giúp Thắng mời thêm nhiều sinh viên khác cùng tham gia giảng dạy.

Một phụ huynh tên Lan chia sẻ, năm 2010, do hoàn cảnh éo le, một mình chị ôm con vào khu phố Long Bửu xin làm khuân vác trong lò gạch kiếm ngày hai bữa cơm. Con bị tự kỷ, phát triển kém hơn những đứa trẻ bình thường, nhưng không còn cách nào khác, hàng ngày, cứ 6 giờ sáng, chị mua một chiếc bánh mì rồi cắn răng vứt con lăn lóc trong dãy trọ ổ chuột đi làm đến tối mịt mới về. Đến tuổi đi học, chị cũng không dám đưa con đến trường vì nghĩ con mình không thể tham gia được. Một buổi tối vừa đi làm về thì thầy Thắng đến gõ cửa khuyên chị cho cháu đến lớp học thử và nếu không theo được thì cũng giúp cháu có cơ hội hòa nhập với đám bạn cùng trang lứa.

Nấn ná một hồi, chị Lan quyết định cho con đến lớp thử xem sao và không ngờ là cháu tuy tiếp thu kém nhưng lại rất thích chơi đùa, trò chuyện với các bạn. “Kể từ hôm ấy, tối nào cháu cũng đòi mẹ đưa đến lớp học. Cho đến nay, tuy chưa qua được lớp 2, cháu có thể đọc được chữ, biết hát, biết phụ giúp mẹ một số việc nhà… Vui mừng lắm, nhưng biết nói gì, chỉ biết cảm ơn thầy Thắng…Cảm ơn thầy đã cứu con trai tôi”, chị Lan xúc động.

Biết chúng tôi đến lớp, phụ huynh tên Dung phóng xe gắn máy đến khoe: “Cũng vì hoàn cảnh, từ miền quê nghèo ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi phải ôm con trốn nhà lên làm công nhân trong khu lò gạch. Con đã học hết lớp 2 ở quê, nhưng không có hồ sơ nên không thể xin vào trường nào được. Không thể để cho con thất học, từ lời giới thiệu của một người bạn, tôi đã tìm đến thầy Thắng xin nhập lớp học tình thương. Mặc dù cháu phải học lại để có hồ sơ, học bạ theo quy trình, nhưng dưới sự dìu dắt, chỉ bảo của thầy Thắng mà nay con đang là học sinh giỏi lớp 9. Hôm rồi cháu mang tấm giấy khen về khoe mẹ rồi bảo sẽ cố gắng học hết phổ thông, thi vào đại học để sau này tìm một công việc ổn định nhằm phụng dưỡng mẹ và không phụ công sức của thầy Thắng…” - chị Dung hồ hởi.

Đêm đã khuya, đã đến lúc tôi phải chia tay Thắng để anh chuẩn bị nhận ca tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trong khu phố. Nắm chặt tay tôi, Thắng bảo: “Cho đến nay, mặc dù có nhiều học sinh sau khi qua lớp học phổ cập tình thương đã tìm được công việc làm phù hợp với thu nhập ổn định, nhưng trong em vẫn cảm thấy buồn. Do nhận thức của cha mẹ và hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên khi các cháu chỉ mới ở dạng xóa mù chữ, họ đã cho nghỉ để đi làm nên chưa đủ trình độ để đảm nhận những công việc ở bậc cao hơn. Nhưng gần 13 năm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn rồi nên em không nản. Em sẽ tiếp tục vận động, đả thông tư tưởng đối với các bậc cha mẹ để họ hiểu thông, nghĩ thoáng, cố gắng cho các cháu thông qua lớp học phổ cập tình thương này sẽ tiếp tục học cao hơn nữa để nâng cao trình độ, vươn tầm trở thành những kỹ sư, bác sỹ…Riêng bản thân em đã tích cóp được gần chục tháng phụ cấp bảo vệ dân phố, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho những cháu có ý định theo học lên cấp 2,3, đại học và sẽ quyết tâm duy trì lớp học cho đến khi nào không còn trẻ khó khăn phải theo học phổ cập tình thương…”, anh Trần Lâm Thắng chia sẻ.

Ông Nguyễn Đăng Nhân - Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết: Ngay khi nhận được đề xuất của anh Trần Lâm Thắng về việc thành lập lớp học tình thương, UBND xã đã xem xét và nhận thấy đây là việc làm mang tính nhân văn cao, giúp cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường được học chữ nên đã hết lòng ủng hộ. Lãnh đạo UBND phường đã bàn với Ban giám hiệu Trường Tiểu học Long Bình hướng dẫn anh Thắng đưa hoạt động của lớp theo mô hình: “Liên kết phổ cập tình thương”.

Ngoài hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền điện, phường cũng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua tập, vở, bút, áo đồng phục để các cháu yên tâm đến lớp. Bản thân anh Trần Lâm Thắng, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đã xung phong tham gia lực lượng dân phòng, sau đó là bảo vệ khu phố nhằm góp phần vào công tác đảm bảo an ninh trật tự, được bà con nhân dân thương yêu. Anh cũng rất tích cực tham gia phong trào đoàn và là đảng viên gương mẫu sinh hoạt trong chi bộ khu phố, luôn đi đầu trong các phong trào…

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Nữ anh hùng ở ngôi làng anh hùng

Ngôi làng ấy trải qua những năm tháng đau thương và hào hùng của chiến tranh, ngôi làng ấy cũng sinh ra người nữ anh hùng đặc biệt. Mấy mươi năm ngày đất nước thống nhất, làng anh hùng đã thay da đổi thịt, và người nữ anh hùng cũng đã bạc trắng mái đầu.

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

Đổi thay trên quê hương Anh hùng A Sanh

(GLO)- Phát huy truyền thống quê hương Anh hùng A Sanh, những năm qua, người dân làng Nú (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, trở thành điểm sáng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ký ức tháng ba

Ký ức tháng ba

(GLO)- Một ngày mùa khô cuối tháng 3-1975, ông Ksor Doen lần đầu tiên trở về làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) sau hơn 2 năm xa nhà. Quê nhà hiện ra sau cây hoa pơ lang còn sót lại vài bông cuối mùa khiến người lính đang ngây ngất trong niềm vui chiến thắng càng bồn chồn bước chân.