Lớp học kỹ năng của cô Loan

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Với nữ hiệu phó này, mỗi học sinh được trang bị thêm kỹ năng sống là cô có thêm thành công, niềm vui
Nhiều năm với nhiệm vụ là tổng phụ trách đội, cô Phạm Thị Thùy Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), đã khiến nhiều học trò nhớ mãi bởi tâm huyết và sự nhiệt thành.
Học sinh là bạn
Trang Facebook của cô giáo Phạm Thị Thùy Loan thường xuyên đăng thông báo về lớp học mà cô mở miễn phí ngày chủ nhật. Đó là lớp học về kỹ năng sống được cô mở hơn 1 năm nay, vào mỗi chủ nhật tại Trường THCS Nguyễn Huệ. Chủ đề các buổi học đều được thông báo trước trên Facebook và cô sẵn sàng nhận tất cả những học sinh muốn học.
Cô Loan trải lòng về những tháng ngày từ khi rời trường sư phạm để bước chân vào nghề giáo, bắt đầu từ một giáo viên dạy nhạc. Ngoài dạy học, cô còn là Tổng Phụ trách đội của Trường Tiểu học Phan Thanh (quận Hải Châu). Đến năm 2009, cô được chuyển công tác sang Trường THCS Nguyễn Huệ.
"Là tổng phụ trách đội, luôn gắn với các hoạt động ngoài giờ lên lớp nên tôi tiếp xúc với học sinh phần lớn là ngoài giờ học. Với tôi, học sinh luôn là những người bạn. Làm sao để các em dễ dàng chia sẻ những gì diễn ra trong cuộc sống của chính các em. Từ đó, tôi gần gũi với học sinh hơn và thấy lứa tuổi các em cần những người bạn lớn có khả năng thông cảm, chia sẻ và đưa ra lời khuyên khi các em cần" - cô Loan tâm sự và cho hay từ đó, học sinh đã tự tìm đến cô để tâm sự những điều đôi khi "thật khó nói" với cả cha mẹ, bạn bè. Cô trở thành một người bạn, một chuyên gia tư vấn tâm lý của nhiều học trò Trường THCS Nguyễn Huệ.
Khi chúng tôi hỏi về giáo trình, cô Loan cười và nói rằng tài liệu dạy về kỹ năng sống không hề thiếu, từ sách báo cho đến internet, chỉ là do chúng ta không chịu khó tìm tòi và nghiên cứu. Cô cho biết bản thân đã tự tích lũy kiến thức về giáo dục kỹ năng sống, tâm lý lứa tuổi học sinh… qua việc tham dự các khóa tập huấn kỹ năng cho giáo viên, các dự án mà trường được tham gia về bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh, hay tài liệu từ những cuốn sách, những bài báo hay và đặc biệt là từ chính việc thường xuyên tiếp xúc học sinh.
Theo cô giáo Loan, lớp học của cô chỉ là một mô hình nhỏ dành cho học sinh trong trường và trong địa bàn. Đặc biệt là hướng tới những học sinh có nhu cầu học kỹ năng sống nhưng không có tiền để theo học tại các trung tâm lớn. Kỹ năng cô dạy chỉ là những kiến thức cơ bản phục vụ cho cuộc sống, trong đó có cho học tập và bản thân. Từ 2 mục đích đó, cô chia ra thành nhóm những vấn đề cơ bản. Nhóm kỹ năng phục vụ học tập gồm: Làm việc nhóm, giao tiếp và thuyết trình trước đám đông, ghi chép hiệu quả. Nhóm kỹ năng phục vụ cho bản thân: Phòng chống xâm hại; phòng chống bạo lực, bắt cóc; về tình cảm bạn bè, gia đình...
"Đầu tiên, tôi sẽ giải thích vì sao các em cần phải trang bị những kỹ năng đó. Tùy vào thực tế, hôm nay cả nước xôn xao thông tin về bạo lực học đường thì buổi học sau đó sẽ học về kỹ năng phòng ngừa tình trạng này" - cô Loan nói.
 
Cô giáo Phạm Thị Thùy Loan trong một buổi thực hành kỹ năng sống với học sinh Ảnh: Phạm Nguyễn
Không có cá biệt, chỉ đặc biệt
Những buổi học của cô Loan không đơn thuần là thầy giảng, trò nghe mà là sự đối đáp qua lại và cùng thực hành. Đó là những buổi cho học sinh đến công viên để làm quen với những người tại đây nhằm tạo kỹ năng giao tiếp. Hay những buổi đến bảo tàng nghe thuyết trình rồi sau đó trình bày lại những điều được nghe bằng văn nói hoặc văn viết. Đó là những cách cô Loan khiến học trò hứng thú.
"Chỉ cần các em thay đổi một chút hoặc buổi dạy có tác động tích cực đến một em nào đó đã là sự thành công. Tôi chỉ có một ngày nghỉ là chủ nhật nhưng dành trọn buổi sáng cho các em. Đó là niềm vui, sự cân bằng cuộc sống của bản thân" - cô giáo Loan bộc bạch.
Cô Loan luôn quan niệm không có học sinh nào là cá biệt mà chỉ là đặc biệt. Dù đặc biệt theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực thì thầy cô luôn phải đóng vai trò định hướng cho các em thay đổi bản thân.
Cô không quên hình ảnh H., cậu học trò được mệnh danh "cá biệt" nhất trường khi cô còn công tác ở Trường Tiểu học Phan Thanh. H. khi đó học lớp 5 nhưng khét tiếng quậy phá. Khi cô chuyển công tác về Trường THCS Nguyễn Huệ, một lần lên phòng tổng phụ trách đội thì thấy H. đang ngồi đấy vì vừa đánh bạn và đang sắp bị kỷ luật. Lúc đó, cô ngồi xuống nói chuyện cùng H. và biết em sống trong gia đình có bố thường xuyên rượu chè, mỗi lần say lại đánh mẹ. Chính vì lớn lên trong cảnh bạo lực mà H. tập tành làm "đàn anh, đàn chị" từ khi còn nhỏ. Cô đã nhẹ nhàng khuyên nhủ cùng H.
"Lúc đó, H. tâm sự khi ba mất, đối với gia đình H. là một sự giải thoát" - cô Loan nhớ lại. Tuy nhiên, sau 1 tháng bị đuổi học, H. trở lại trường và quyết tâm thay đổi. Không ai ngờ sau đó H. vào đội tuyển học sinh giỏi sử của trường và đạt giải cấp thành phố. Lên lớp 9, H. là học sinh giỏi và khi hết THPT thì thi đậu vào khoa du lịch của một trường đại học và hiện tại đã thành một hướng dẫn viên du lịch chững chạc.
"Tôi sẽ không nghĩ gì cho đến một ngày tình cờ bình luận trên Facebook của H. và nhận được câu trả lời rằng có những người chỉ vài lời nói mà đã thay đổi được cả một con người. Lúc đó, tôi nhận ra chính sau cuộc nói chuyện năm đó ở phòng tổng phụ trách đội mà H. đã thay đổi" - cô Loan xúc động và cho biết bây giờ với cô thì H. vẫn là cậu học trò rất đặc biệt.
Dạy học trò như dạy con mình
Nhiều phụ huynh đã tự tìm đến lớp cô Loan để xin cho con được theo học dù không phải là học sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ. Lớp kỹ năng sống của cô có 30 học sinh đang học, là học sinh từ 10 trường THCS, THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng. Nhiều phụ huynh bày tỏ rằng con họ đã có chuyển biến tích cực hơn kể từ khi học lớp kỹ năng sống của cô Loan. Đặc biệt, cô Loan còn có tiết dạy "Nói lời yêu thương". Trong tiết dạy này, mỗi học sinh có thể viết hoặc tự nói giữa lớp những lời "gan ruột" dành cho bố mẹ hay người thân tùy vào cách lựa chọn của các em.
"Có những em đã khóc khi nói và cho hay chưa bao giờ tâm sự điều đó với cha mẹ. Tôi đã giúp truyền đạt những suy nghĩ của các em cho phụ huynh để họ hiểu con mình hơn" - cô Loan nói.
Lớp học kỹ năng sống của cô Loan mỗi tuần còn có một học trò rất đặc biệt chính là con trai cô. "Tôi dẫn con theo học vì nghĩ rằng chính con mình cũng cần được học những điều này dù ở nhà tôi đã dạy. Khi lên lớp, cu cậu có nhận thức rất khác về điều mẹ đã dạy. Tôi còn tâm niệm rằng dạy con người khác lúc nào cũng giống như dạy chính con của mình" - cô Loan trải lòng. 

Theo cô giáo Phạm Thị Thùy Loan, chính lòng tự trọng sẽ giúp các em có bản lĩnh. Chỉ cần vượt qua rào cản tâm lý, cần một lời động viên và sẻ chia thì các em sẽ tập sống có ích hơn.

Nhân rộng
Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu, cho biết nhiều trường học của quận này đã mở các câu lạc bộ dạy võ thuật hay kỹ năng sống. Tuy nhiên, chỉ cô Phạm Thị Thùy Loan tổ chức thành lớp học và duy trì đều đặn mỗi tuần. Lớp học của cô Loan là rất cần thiết, khi hầu hết học sinh tiếp xúc với mạng xã hội. Bà Hà cũng cho biết sẽ nhân rộng mô hình lớp học của cô Loan đến các trường khác trên địa bàn để các học sinh có người hướng dẫn về nhận thức và được trang bị kỹ năng sống.
Bích Vân (Người Lao động)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.