Lớp học đàn miễn phí giữa rừng thông và người cha "đặc biệt" của 4 đứa con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiếng đàn của anh như hoang hoải nỗi niềm với núi rừng cao nguyên, như thanh âm trong trẻo mang đến cho đời những niềm tin của cuộc sống. Và ở đó, có cả những hun hút của lòng người...
Tiếng đàn giữa rừng thông
Y Ploi (làng Plei Pông Phrao, xã An Phú, TP. Pleiku, Gia Lai) còn khá trẻ, nhưng mái tóc trên đầu anh đã bạc trắng như người đi qua gần hết con dốc đời. Y Ploi kể nhờ năng khiếu thiên bẩm, anh tham gia biểu diễn nhiều nơi ở Gia Lai và các tỉnh khác. Sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, trong một lần tình cờ, anh gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường và được may mắn cùng ông đi biểu diễn trong cả nước. Sau một thời gian, với ước muốn trở thành một thầy giáo dạy nhạc nên khi tốt nghiệp cấp 3, anh thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.
Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Thanh nhạc - Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, anh mang trong mình những hoài bão. Nhưng cuộc đời không dễ dàng với những thành công. Anh về lại miền bazan nơi anh lớn lên, và bắt đầu mở các lớp dạy nhạc miễn phí cho trẻ em nghèo.
 
Anh bảo, trước đây các lớp dạy miễn phí chủ yếu ở ngôi làng nơi anh sinh ra. Sau đó lan sang các làng khác ở các xã khác như An Phú, Diên Phú, Biển Hồ… Căn phòng anh dạy miễn phí hiện nay cũng được một người hàng xóm tên Phom cho mượn. Người ấy vì quý cái tài của anh, quý cái tâm của anh nên đã trở thành một người bạn tâm giao.
Những lớp học miễn phí của anh dạy cho nhiều lứa tuổi, có đứa nhỏ 9 tuổi, có em cũng đã 15 tuổi. Anh bảo, giờ những đứa trẻ cứ mê game, mê điện thoại mà bỏ qua nhiều điều thú vị khác, nhất là với âm nhạc, với hồn cốt của mảnh đất cao nguyên này, anh thấy luyến tiếc lắm. Anh muốn khơi lại những niềm đam mê thời trẻ của mình với những đứa trẻ, và biết đâu đấy trong số chúng sau này sẽ trưởng thành, sẽ mang cái hồn cốt của người Jrai, mang văn hóa của người Jrai thông qua âm nhạc, thông qua tiếng hát như những cây đại thụ của Cao Nguyên như cố NSND Y Moan đi khắp nơi.
Vì nhiều lẽ khác nhau nên Ploi không còn dạy ở các trường học; tạm dừng việc làm dàn nhạc phục vụ đám cưới mà chỉ mở các lớp dạy đàn có thu phí và miễn phí. Anh bảo, thấy họ khó khăn khốn cùng thì giúp thôi, không nghĩ gì cả. Anh giúp họ, thì người khác lại giúp mình, cứ như thế cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Dù không khá giả gì, nhưng có lần, anh được thưởng 20 triệu đồng khi tham gia thi hát trong một chương trình ở TP Hồ Chí Minh, nhưng cũng làm từ thiện hết…

Y Ploi trong lớp dạy đàn miễn phí được người bạn cho mượn.
Y Ploi trong lớp dạy đàn miễn phí được người bạn cho mượn.
Trong căn phòng mượn tạm của người bạn tâm giao kia, anh cùng những đứa trẻ đang say sưa chơi đàn. Thỉnh thoảng, người đàn ông tóc bạc trắng lại đến bên từng đứa trẻ hướng dẫn cách bấm hợp âm, cách giữ nhịp, cách thể hiện hồn của từng bài hát. Anh miệt mài, nhẫn nại và đầy âu yếm như thế.
Niềm đam mê của anh, ước vọng của anh gửi vào từng tiếng đàn, tiếng trống cho những đứa trẻ qua những buổi dạy miễn phí đã nhiều năm như vậy. Anh mới 37 tuổi, lớp của anh dạy miễn phí cho những người trẻ muốn học đàn, và dù chưa có vợ, nhưng anh đã có 4 đứa con nuôi như ý Yang muốn.
"Người cha kỳ lạ" của 4 đứa con
Số phận dường như không ưu ái cho anh, khi ở cái tuổi ba mươi nhiều trai làng khác lẽ ra anh đã có vợ con đùm đề rồi, nhưng vì mắc một căn bệnh hiếm gặp, nên anh quyết định không lập gia đình. Anh bảo, không muốn người phụ nữ yêu thương mình phải khổ. Câu chuyện về khúc đời này của anh, anh không muốn nói nhiều, anh chỉ giãi bày qua từng câu hát, từng phím đàn nhẹ nhàng mà da diết, có lúc bâng khuâng và ồn ào mãnh liệt như gió đại ngàn.
Không có vợ, nhưng anh lại có tới 4 đứa con. Đó là 4 đứa con nuôi, những đứa con đến với anh theo những cách anh không ngờ nhất. Trong miên man nắng chiều cao nguyên, và trong mê mẩn tiếng đàn, câu chuyện về những đứa con nuôi của anh cứ lặng đi từng chút một.

Niềm đam mê, ước vọng của anh y ploi gửi vào từng tiếng đàn cho những đứa trẻ qua những buổi dạy miễn phí.
Niềm đam mê, ước vọng của anh y ploi gửi vào từng tiếng đàn cho những đứa trẻ qua những buổi dạy miễn phí.
Đứa con đầu tiên đến với anh năm 2002, trong một buổi sáng mùa mưa ướt lạnh, khi anh đi từ làng Bông Frăo ra quốc lộ 19 để đến chỗ làm thì nghe tiếng trẻ con khóc trong bụi cây ven đường. Vào trong bụi tìm thì thấy một bé gái đỏ hỏn được quấn trong chiếc khăn, kiến bắt đầu bu bám. Anh hoảng hốt bế đứa trẻ lên, hô hoán rồi cùng người dân đưa đến cơ quan chức năng trình báo. Vì chưa tìm được người thân và nghĩ mình có duyên với bé, anh nhận về nuôi.
Nhớ lại thời khắc ấy, anh cười như mếu: "Mình đàn ông con trai, bỗng dưng có đứa con nên cũng bỡ ngỡ lắm. Mà đứa nhỏ mới có mấy tháng tuổi còn nhỏ xíu. Phụ nữ nuôi con nhỏ đã khổ, mình là đàn ông có biết chi đâu. Cũng nghe mấy người hướng dẫn nên mới biết làm đó. Đêm thì thay tã, pha sữa, ru ngủ… mình làm hết. Mệt như vui lắm".
Cha mẹ anh thời gian đầu còn ái ngại, bởi là đàn ông mà như thế thì sợ anh cực khổ. Nhưng thấy anh yêu đứa bé quá, đặt tên nó là H'Thiên và chăm chút cho đứa trẻ ấy từng chút một thì ông bà cũng vui. Nhưng rồi, khi H'Thiên được 10 tuổi thì có người ở Quảng Ngãi tìm đến xin nhận lại.
Ngày chia tay, anh dù có cứng cỏi đến mấy cũng không can được nước mắt cứ rơi. Anh bảo, đứa trẻ đến với mình như ý của Yang, hai cha con sống với nhau từ lúc đỏ hỏn đến khi 10 tuổi, biết bao tình cảm như thế thì làm sao không thương nhớ cho được. Đứa trẻ ấy bây giờ vẫn thường liên lạc và lên thăm anh mỗi khi có dịp. Âu đó cũng là điều an ủi anh.

Anh Y Ploi tận tụy với từng đứa trẻ, như muốn thổi vào đó những ước mơ thời trẻ của mình.
Anh Y Ploi tận tụy với từng đứa trẻ, như muốn thổi vào đó những ước mơ thời trẻ của mình.
Không chỉ có đứa trẻ ấy, anh còn có thêm 3 đứa con nuôi sau đó nữa. Sau khi H'Thiên về lại với gia đình, thì anh cũng phát hiện một bé gái chừng 4-5 tuổi ngồi khóc trong bụi cây bên đường, anh lại nhận về nuôi. Một thời gian thì có 1 gia đình ở huyện Krông Pa (Gia Lai) lên nhận con ruột bị thất lạc. Đứa con thứ 3 mà anh nhận nuôi là ở huyện Chư Pưh (Gia Lai). Bố mẹ mất sớm vì bệnh tật, bé gái sống với ông bà ngoại hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trong một lần biểu diễn văn nghệ ở Chư Pưh, thấy gia cảnh cháu bé quá khó khăn, anh xin bé về nuôi và cho đi học, nhưng rồi ông bà ngoại vì thương nhớ nên lên xin về.
Đứa con thứ 4 là của một cô nữ sinh, cũng là học trò của anh, vì không kìm chế nên đã muốn phá bỏ bào thai này. Biết chuyện, anh đã tìm cách an ủi, khuyên cô nữ sinh này giữ lại và anh sẽ nuôi đứa trẻ ấy. Anh sau đó nhận nuôi, lại tiếp tục những công việc chăm trẻ như thay tã, pha sữa, ru ngủ… thực thụ như một người mẹ. Anh đặt tên con là Quyên, và yêu thương đứa trẻ ấy hết mực.
Nhưng rồi, đời không như mơ. Anh thả tiếng lòng mình bằng một đoản khúc đầy mê mải. Tôi hiểu nỗi lòng của anh. Khi đứa con thứ 4 này anh phải đưa vào một tu viện để nhờ chăm nuôi. Vì mấy năm vừa qua, tai ương phủ xuống gia đình anh khi mẹ anh phát hiện bị ung thư, trong khi người cha thì già yếu, dưới anh là 7 đứa em còn đang ăn học. Một tay anh phải lo tất cả cho gia đình, căn bệnh hiếm gặp của anh cũng cần phải đi khám và chữa thường xuyên. Có lẽ, tóc anh bạc trắng là vì vậy.
Sự khốn khó đổ dồn lên đôi vai anh, nhưng anh vẫn yêu thương mọi người, vẫn thường xuyên thăm và chăm sóc đứa con nuôi thứ 4 của mình bởi lời hứa với cô nữ sinh năm nào. Y Ploi kể rằng cứ mỗi lần các cháu trái gió trở trời, anh bỏ công việc hay tranh thủ ở nhà, bón từng thìa sữa, thìa cháo cho các cháu, dỗ các cháu uống thuốc... Anh làm cả công việc của cả bố lẫn mẹ. Vòng tay ấm của Y Ploi đã giúp những đứa con nuôi lớn dần lên theo những bài ru con dân ca Jrai cùng tiếng đàn buồn của anh mỗi đêm. Và cũng là niềm vui khi các cháu đã được người thân nhận về lại.

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai Hà Thị Giang Thảo trao bằng khen của tỉnh đoàn Gia Lai cho anh Y Ploi
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai Hà Thị Giang Thảo trao bằng khen của tỉnh đoàn Gia Lai cho anh Y Ploi
Nói với chúng tôi về người đàn ông kỳ lạ ấy, ông Y Nới - Trưởng thôn Bông Frăo ngậm ngùi: "Y Ploi là một chàng trai giàu tình yêu thương, đầy trách nhiệm không chỉ với gia đình mà còn với cả mọi người. Dù gia cảnh khó khăn nhưng Y Ploi đã làm được nhiều điều khiến người làng thương và phục".
Chàng trai Jrai ấy không giàu có về vật chất, nhưng với tấm lòng nhân hậu hiếm có, anh đã viết nên câu chuyện cổ tích của riêng mình. Năm 2020, anh được Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai trao bằng khen của về gương người tốt việc tốt.
Chiều đại ngàn mênh mông bên những hàng thông vi vút gió mùa đông, trong đôi mắt hay cười của Y Ploi còn ẩn chứa cả một trời khốn khó. Nhưng, anh truốt tay mình trên phím đàn, cười rất nhẹ: "Mình cứ sống tốt, thì cuộc đời sẽ tươi đẹp hơn thôi".
Tiêu Dao (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.