"Lời ru buồn" nơi biên viễn, kỳ 1: Những người mẹ "trẻ con"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dù các ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng tảo hôn trên địa bàn các huyện biên giới vẫn diễn ra. Hậu quả là nhiều thiếu nữ bỏ học giữa chừng để làm mẹ khi còn rất trẻ, để lại nhiều hệ lụy trong đời sống xã hội.
Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, bất chấp sự cấm cản của cha mẹ và chính quyền địa phương, nhiều thiếu nữ người dân tộc thiểu số ở vùng biên giới đã vội vàng “bắt chồng”. 
Cấm cản không được
Qua con dốc là đến nhà của vợ chồng Ksor Hương (SN 2006) và Kpuil Hring (SN 2008). Ngôi nhà nhỏ nằm nép mình bên vườn điều ở làng Pó (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) mùa nắng nóng hầm hập, mùa mưa thì nước chảy tràn vào. Năm 2020, khi vừa học xong lớp 8, Hương bỏ học để “bắt chồng” nhỏ hơn 2 tuổi. Cách đây 7 tháng, Hương sinh con trai. Những ngày này, cậu con trai Kpuil Thin bị sốt nên người mẹ “trẻ con” mắc tạm cái võng bên gốc điều để ru con ngủ. Nhìn cảnh cô bé gầy gò, cao chừng 1,4 m chưa biết chăm con, đứa trẻ cứ khóc ré lên, chúng tôi không cầm được lòng, vội chạy đi mua cho cháu mấy hộp sữa. “Lúc đầu cứ ngây ngô tưởng rằng lấy chồng sẽ có người phụ giúp lao động. Thế nhưng nhà nghèo, đất sản xuất không có, chồng đi làm thuê, mình ở nhà chăm con nên cuộc sống rất khó khăn”-Hương cho biết. Nhìn con gái, bà Ksor H’Blen cũng không giấu được nỗi buồn: “Khi nó có ý định bắt chồng, mình và mọi người trong nhà đã khuyên can, nhưng nó có nghe đâu. Không cho cưới thì nó đòi tự tử nên gia đình đành chấp nhận”.
Rời xã Ia Chía, chúng tôi ngược đường lên làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ. Từ năm 2015 đến nay, ngôi làng này có đến 32 trường hợp tảo hôn. Siu H’Lang sinh năm 2001 nhưng con gái của cô giờ đã tròn 5 tuổi. Điều này có nghĩa, khi mới 14 tuổi, H’Lang đã “bắt chồng”. Cuộc sống của H’Lang và chồng là Rơ Châm Khánh cũng quanh quẩn bên nếp nhà cũ kỹ với đám rẫy. Không biết cách làm ăn nên cái nghèo cứ đeo đẳng. Vợ chồng ở chung với gia đình bố mẹ vợ theo tập quán của người Jrai. “Mình đang học lớp 6 thì bỏ học để bắt chồng. Chúng mình thấy ưng cái bụng nên về ở với nhau. Khi cưới chưa đủ tuổi nên không được đăng ký kết hôn. Làng mình cũng có người lấy chồng khi chưa đủ tuổi”-H’Lang kể.
Năm nay mới 20 tuổi nhưng Rơ Mah Chi (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) đã có con 4 tuổi. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Năm nay mới 20 tuổi nhưng Rơ Mah Chi (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) đã có con 4 tuổi. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Trời ngả sang chiều cũng là lúc Rơ Châm Khánh đi làm rẫy về. Chào chúng tôi mấy câu rồi anh vào bếp. Bữa ăn của cặp vợ chồng này khá đơn sơ. “Vợ chồng còn trẻ nên nhiều lúc thường xảy ra xích mích, may mà ở gần bố mẹ vợ nên được giúp đỡ nhiều thứ. Những ngày này, vợ chồng đi làm rẫy, con gái thì gửi nhờ ông bà nội chăm. Bây giờ thì mình đã hiểu hậu quả của việc lập gia đình sớm, nhưng tất cả đã muộn”-anh Khánh tâm sự.
Hoàng hôn buông dần, trong căn nhà của ông Rơ Lan Ngon (làng Ngol, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) vẳng tiếng dỗ con của người mẹ trẻ. Con gái ông là Rơ Mah Chi (SN 2001) lấy chồng năm 2016. Nhìn đứa con của Rơ Mah Chi năm nay tròn 4 tuổi ngồi chơi bên bậc thềm, quần áo lấm lem, ai cũng chạnh lòng. Ông Ngon cho biết, gia đình khó khăn, con gái lấy chồng sớm nên 8 người ở chung trong căn nhà chưa đầy 30 m2. Khi chúng tôi đến, chồng của Chi còn đi làm thuê chưa về, cô tranh thủ vào nấu cơm, đứa trẻ thấy người lạ thi thoảng khóc thét lên. “Mình bắt chồng khi mới 15 tuổi, có biết gì đâu, thích nhau là về ở cùng. Chính quyền địa phương không cho cưới, bố mẹ chỉ làm con gà và con heo nhỏ để cúng Yàng. Sinh con rồi, mình thường đau ốm, con cũng vậy nên cuộc sống khó khăn lắm”-Chi bùi ngùi.
Những con số... buồn
Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn 3 huyện biên giới (Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông) có 2.030 trường hợp tảo hôn, trong đó có 1.549 trường hợp vợ hoặc chồng tảo hôn, 481 trường hợp cả vợ và chồng cùng tảo hôn.
Tại huyện Đức Cơ, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, toàn huyện có 663 trường hợp tảo hôn. Ông Trương Văn Độ-Trưởng phòng Dân tộc huyện-chia sẻ: “Sở dĩ có tình trạng này là do cách nghĩ, thói quen và tập tục của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý vi phạm trong hôn nhân chưa được thực hiện nghiêm và triệt để, mức xử phạt hành chính còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe”.
cặp vợ chồng trẻ con Siu H’Lang và Rơ Châm Khánh
Hai vợ chồng Siu H’Lang và Rơ Châm Khánh. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn trên địa bàn các huyện biên giới diễn ra khá nhức nhối là do cách nghĩ của người địa phương phải lấy chồng để có người phụ giúp gia đình sản xuất. Cùng với đó, điều kiện học tập, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội của các em cũng hạn chế nên chỉ muốn nghỉ học, lấy chồng, làm rẫy kiếm sống. Ông Ksor Việt-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-nhận định: Trình độ dân trí thấp, người dân vẫn duy trì tập quán, lối sống cũ và chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc tảo hôn. Bên cạnh đó, hiệu quả công tác tuyên truyền còn chưa cao, sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thiếu kiên quyết là những nguyên nhân dẫn đến tảo hôn. Ông Việt viện dẫn, từ năm 2015 đến cuối năm 2020, trên địa bàn huyện có 5.162 cặp kết hôn, trong đó có 507 trường hợp tảo hôn vợ hoặc chồng, 169 trường hợp tảo hôn cả vợ và chồng.
Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14-8-2015 quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó. Về hình sự: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hiếp dâm trẻ em”, nếu nạn nhân là người dưới 13 tuổi hoặc tội “Giao cấu với trẻ em” nếu nạn nhân là trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
VĨNH HOÀNG
----------------------------
Kỳ cuối: Giải pháp nào để hạn chế tảo hôn?

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.