Trong những chuyến lặn lội vào rừng khai thác sản vật, anh Đặng Văn Hương (SN 1976) ở thôn Na Lang, xã Phong Minh, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã dành bao tâm sức đưa cây trà hoa vàng về trồng trên đất vườn đồi. Đến nay, loài thực vật hoang dã ví như báu vật rừng xanh này đã phát triển xanh tốt, cho những lứa hoa phủ sắc vàng rực rỡ ở vùng đất dưới chân núi Vạn Cung quê anh.
Đưa cây "báu vật" hoang dã từ rừng về vườn nhà
Ngôi nhà cấp bốn của gia đình anh Đặng Văn Hương lọt thỏm giữa đồi cây trái xanh tươi. Anh chủ nhà có dáng vóc chắc đậm khỏe mạnh tươi cười chào đón chúng tôi. Trong câu chuyện, người đàn ông dân tộc Dao hào hứng nói về cây trà hoa vàng và quá trình gian nan đưa loài cây rừng đó trồng tại đất vườn nhà.
Anh Đặng Văn Hương bên vườn trà hoa vàng trổ nụ.
"Năm ngoái gia đình thu được hơn 2 tạ hoa trà và đã bán hết cho thương lái ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Nhu cầu tiêu thụ loài hoa này rất lớn, cung không đủ cầu" - anh Hương chia sẻ rồi cho chúng tôi xem những bức ảnh chụp về hoa trà được đóng gói trước khi vận chuyển cho thương lái. Trong ảnh, những bông hoa màu vàng kim rực rỡ được xếp trong lọ và thùng xốp rất đẹp.
Trong khu vườn của gia đình anh Hương, xen dưới những tán lá vải thiều, hồng nhân hậu là những cây trà xanh tốt, trên cuống dài có những nụ hoa nửa tím nửa trắng, tỏa hương thơm dịu. Nâng niu nụ trà trên đôi tay chai sần, anh Hương chậm rãi nói: "Dịp này cây đang ra nụ và khoảng tháng 11 âm lịch, hoa sẽ nở rộ. Khi đó cả khu vườn sẽ vàng rực sắc hoa, hương thơm ngát".
Tuy nhiên, sau vài lần bán cây, anh Hương bắt đầu tìm hiểu và biết lá, hoa trà hoa vàng được chế biến thành một loại trà có nhiều tác dụng. Với suy nghĩ, nhu cầu về cây rất lớn trong khi cây lại khan hiếm, nếu cứ khai thác mãi thì sẽ nhanh chóng cạn kiệt nên anh nảy ý tưởng đưa loài cây này về trồng trong vườn nhà.
Từ năm 2010 đến năm 2013, anh Hương cùng vợ con không quản ngại trèo đèo lội suối vào mãi rừng sâu tìm kiếm, chuyển về gần 2 nghìn cây trà hoa vàng để trồng dưới tán cây ăn quả của gia đình.
Trà hoa vàng vốn là loài cây sống trong rừng già, có giá trị kinh tế cao khi chế biến làm dược liệu. Năm 2008, thương lái Trung Quốc phát hiện tại các khu rừng Phong Minh có loài cây này nên bắt đầu thu mua hoa và cây với giá rất cao. Người dân địa phương đổ xô đi hái hoa, đào cây bán. Gia đình anh Hương khi đó kinh tế còn khó khăn cũng theo chân mọi người lên rừng tìm cây hoa quý. |
Tuy nhiên, do sự khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu giữa vườn nhà và rừng nên khi đưa về trồng, nhiều cây đã chết. Dân làng bảo anh Hương là dại, là dở hơi, tìm được trà hoa vàng không mang bán ngay lấy tiền lại để cây quý làm... củi đốt. Một số người biết chút kỹ thuật thì khuyên anh nên dừng lại vì cây này rất khó trồng.
Thất bại không khiến anh Hương nản mà vẫn quyết tâm tìm hiểu về loài cây quý. Nhận thấy bên cạnh không hợp về thổ nhưỡng, khí hậu thì phương pháp chăm sóc trà hoa vàng cũng không giống nhiều loài thực vật khác.
Cây trà hoa vàng vốn là loài hoang dã không hợp với phân bón hóa học, chỉ ưa trồng trong rừng, giáp khe sâu... vậy phải làm như thế nào? Anh Hương trăn trở và quyết định tạo môi trường sống, cung cấp dinh dưỡng cho loài cây khó tính này gần như môi trường trong rừng già.
Để cây bén rễ đất đồi, anh Hương tìm hiểu qua sách và nhờ cán bộ khuyến lâm địa phương hướng dẫn rồi tự chế phân bón từ mùn cưa, lá cây, chất thải gia súc. Nhờ sự kiên trì, cần cù tìm tòi, học hỏi, những lần trồng tiếp theo, tỷ lệ cây sống tăng dần. Nhìn lứa hoa đầu tiên vàng rực dưới nắng, anh Hương vui mừng khôn tả.
Sản phẩm trà hoa vàng tươi màu như màu ánh kinh rực rỡ của gia đình anh Hương vụ năm 2017.
Những tưởng sắp đến ngày thu hoạch, nào ngờ hoa trà hoa vàng bỗng rụng hết mà không rõ nguyên nhân. Bao công sức một lần nữa đổ xuống sông xuống biển nhưng cũng như những lần trước, người nông dân giàu nghị lực không chịu đầu hàng. “Chỉ sợ cây không ra hoa, chứ đã trổ bông rồi thì sẽ có cách để giữ” - anh Hương bảo vợ như thế rồi lại mày mò tìm hiểu, so sánh môi trường sống.
Anh nhận thấy nguyên nhân chủ yếu là hoa trà ưa bóng râm, trong khi đợt nắng nóng vừa qua nhiệt độ quá cao khiến hoa rụng. Vậy là anh lại cặm cụi che chắn, tránh ánh nắng trực tiếp cho cây... Năm 2014, niềm vui vỡ òa khi trà đơm bông và cho thu hoạch vụ đầu tiên gồm 18 kg, giá bán 1,2 triệu đồng/kg.
Một bông hoa trà bằng 1 cân thóc
Những năm sau đó, sản lượng hoa tăng dần từ vài chục kg đến hàng tạ. Vụ hoa năm 2017, gia đình anh thu hoạch hơn hai tạ, lãi 200 triệu đồng. Dự kiến năm nay cho sản lượng khoảng 3 tạ. Dân làng không còn cười chê nữa mà nhiều người mừng cho vợ chồng anh, tấm tắc khen ngợi sự kiên trì, quyết tâm của người nông dân này và đến học hỏi, làm theo. Anh Hương được đánh giá là người đầu tiên thuần hóa thành công và bảo tồn nguồn giống cây quý cho địa phương.
Chè hoa vàng, trà hoa vàng hay còn gọi là kim hoa trà ngoài giá trị lấy gỗ, làm cảnh, hoa và lá còn được chế biến thành đồ uống cao cấp. Theo các nghiên cứu trên thế giới, các chất từ loại hoa trà có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,8%; giúp giảm đến 35% hàm lượng cholesterol trong máu.
Loại trà này còn có khả năng làm giảm triệu chứng xơ vữa động mạch do máu nhiễm mỡ, điều hòa huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường, u bướu… Ngoài hoa, lá cây cũng có tác dụng tốt trong điều chỉnh các chất béo trong cơ thể, lượng đường trong máu, giải độc gan và thận, chống viêm, chống dị ứng và duy trì trạng thái bình thường của tuyến giáp...
Tham quan hơn 3 ha vườn đồi trồng trà hoa vàng xen cây ăn quả đang lên xanh tốt, trổ bông, chúng tôi hiểu vợ chồng người nông dân Đặng Văn Hương đã phải dành bao công sức, tâm huyết để loài cây đặc biệt đó bén rễ trên vùng đất mới. Cũng từng có lần theo chân người dân bản xứ vào rừng tìm cây trà hoa vàng, chúng tôi được chứng kiến sự vất vả, khó khăn để có được sản phẩm này.
Khi rảnh rỗi, anh Đặng Văn Hương lại vào rừng tìm cây trà hoa vàng về trồng tại vườn nhà.
Vì vậy thật đáng mừng khi hiện nay, toàn xã Phong Minh đã trồng 14 ha cây trà hoa vàng xen lẫn cây ăn quả. Người dân nơi đây công nhận giá trị kinh tế của cây trồng này và so sánh "một bông hoa có giá trị tương đương một kg thóc".
Hơn nữa, thị trường tiêu thụ trà hoa vàng thuận lợi, cung cấp cho Công ty cổ phần Lâm sản Đạp Thanh ở Ba Chẽ (Quảng Ninh) và một số công ty ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhà thuốc ở Hà Nội và thương lái Trung Quốc.
Thành công bước đầu khiến anh Hương có thêm động lực tiếp tục nghiên cứu để việc trồng, chăm sóc cây trà hoa vàng thêm hiệu quả. Những ngày rảnh rỗi, anh Hương vẫn vào rừng tìm kiếm thêm cây để mở rộng diện tích và đang thử nghiệm nhân giống bằng phương pháp chiết cành.
Qua tìm hiểu việc chế biến trà hoa vàng ở một số nơi, tháng 4 vừa qua, anh Hương đứng ra thành lập Hợp tác xã Trà rừng hoa vàng xã Phong Minh gồm 20 xã viên để chung tay xây dựng thương hiệu sản phẩm. Anh còn bàn với các xã viên mua máy sấy đông lạnh (kinh phí khoảng 1 tỷ đồng).
Vì thời gian thu hoạch hoa trà hoa vàng trong khoảng 2 tháng (tháng 11,12 âm lịch) nên hiện tại các hộ ở địa phương chỉ bán hoa tươi, giá trị thấp hơn và hay bị thương lái ép giá. Nếu có máy sấy, bảo quản lâu hơn có thể bán quanh năm và có giá cao. Hơn nữa, loại máy sấy này bảo đảm chất lượng, giữ màu sắc hoa không bị biến đổi, đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính như Nhật Bản. "Khi có thương hiệu và việc sơ chế, bảo quản tốt, lợi nhuận có thể tăng gấp 5 lần so với bán hoa tươi", anh Hương tự tin khẳng định. |
Lệ Thanh-Hữu Trình (Dân Việt)