Lên núi xem người Cơ Tu kết nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những hận thù, hiềm khích và cả nợ máu được người dân tộc Cơ Tu (Quảng Nam) hóa giải bằng lễ kết nghĩa. Lễ kết nghĩa là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Cơ Tu sống giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ.
Lễ hội trở lại với vùng cao
Những ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi có dịp lên huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đúng đêm lễ hội ngày đoàn kết của người Cơ Tu lần đầu được tổ chức ở đây. Phải 20h lễ hội mới bắt đầu, thế nhưng từ chiều tối đồng bào sống ở các bản làng xa xôi của huyện Đông Giang đã rồng rắn kéo về thị trấn Prao.
Sân trung tâm văn hoá thể thao huyện Đông Giang trước giờ khai lễ đã không còn chỗ trống. Một màn hình led cỡ lớn được dựng ngay sân khấu của chương trình. Sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành “phố núi” Prao mới vui nhộn trở lại như vậy.
Ông AVô Tô Phương (Chủ tịch UBND huyện Nam Giang) cho biết: Từ xa xưa, người Cơ Tu luôn giữ mối quan hệ thân thiết giữa làng này với làng khác, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng giữa núi rừng. Trong đó, lễ kết nghĩa truyền thống để kết mối thân giao, giải quyết mâu thuẫn, tạo sự hài hòa trong cuộc sống và mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gắn kết cộng đồng, làng bản.
Ngày nay, lễ kết nghĩa thường được tổ chức không xuất phát từ sự mâu thuẫn, mà cao hơn là để giữ mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, đoàn kết bền chặt, cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị và giao lưu văn hóa...
Lễ kết nghĩa người Cơ Tu gọi là prơngooch có nghĩa là prơliêm (làm mối quan hệ tốt đẹp hơn), prơ âm (mời uống rượu với nhau để giữ mối quan hệ gắn chặt, đậm tình). Già làng Arâl Chớp (xã Tà Lu, huyện Đông Giang) cho biết: Lễ kết nghĩa tồn tại đến nay tạo ra tính nhân văn trong mối quan hệ giữa làng với làng, xã với xã trong cộng đồng người dân vùng cao.
Hoạt cảnh trên sân khấu tái hiện nghi lễ kết nghĩa. Để phục vụ người dân và du khách chính quyền huyện thuê hẳn đội ngũ media chuyên nghiệp quay và chiếu trên màn hình led.
“Hôm đi qua huyện Nam Giang xem lễ hội cồng chiêng, thấy bên đó trình chiếu lễ qua màn hình lớn, bà con rất thích thú. Thấy hay nên Đông Giang về học tập.
Nếu tái hiện nghi lễ trên sân khấu, ngồi xa bà con, du khách chỉ nghe âm thanh, không trực quan sinh động, đặc tả từng nghi lễ chi tiết thì sẽ không cuốn hút được. Ê kíp quay phim xịn xò từ phố lên, bà con theo dõi từ đầu đến cuối, không ai rời mắt khỏi màn hình. Đó là thành công của một lễ hội khi níu chân được người dân, du khách đến tận những phút cuối” ông Phương nói.
Độc đáo
Hoạt cảnh lễ kết nghĩa giữa thị trấn Prao và xã Tà Lu được tái hiện trên sân khấu với đầy đủ nghi lễ truyền thống hết sức độc đáo. Nhiều du khách nước ngoài có mặt phải tròn mắt dõi theo đầy thích thú.

Các già làng người Cơ Tu thực hiện nghi lễ cúng thần linh trong lễ kết nghĩa. Ảnh: Nguyễn Thành
Các già làng người Cơ Tu thực hiện nghi lễ cúng thần linh trong lễ kết nghĩa. Ảnh: Nguyễn Thành
Sân khấu tái hiện trong ngày tổ chức lễ kết nghĩa, trước khi xã Tà Lu có mặt, tại thị trấn Prao dân làng đã tổ chức lễ cúng để báo với Giàng, với thần linh, trời, đất đang bảo vệ, che chở cho người dân thị trấn về việc tổ chức lễ kết nghĩa với xã Tà Lu. Họ cầu cho Giàng, thần linh, trời, đất đừng trách móc mà hãy phù hộ cho hai xã tổ chức lễ suôn sẻ, không để xảy ra những điều không hay trong ngày hôm nay và sau này.
Khi người dân xã Tà Lu đến địa điểm tổ chức, người dân Prao mang theo cơm lam, bánh sừng trâu, xôi, gà, vịt, cá, ếch, rượu cần, rượu tà vạc, tấm tút…Khi đã tiếp nhận các lễ vật, mời rượu xong là phần nói lý, hát lý.
Già làng ALăng Cháy, Alăng Lâm được xã Tà Lu cắt cử để hát lý, nói lý. Bên kia, già làng Alăng Linh và Alăng Vôr cũng được thị trấn Prao cử ra đối đáp. Nghệ thuật nói lý, hát lý của người Cơ Tu mang tính ứng khẩu nhanh, thấu tình đạt lý, phức tạp sâu lắng về ý tứ, cô đọng về tính chất, thâm thúy về nội dung. Từ đó bắt đối phương phải suy nghĩ cân nhắc và chắt lọc am hiểu để hát trả đối phương của bên hát trước. Nói lý, hát lý có những cách thể hiện khác nhau.
Do vậy, không phải ai cũng có thể am hiểu hết được nghĩa của việc nói lý, hát lý. Theo các già làng, muốn nói lý, hát lý được hay, ứng khẩu giỏi cần phải nghe nhiều, am hiểu và sống trong cộng đồng thì mới học nói lý, hát lý được. Để muốn hát lý trước thì phải có nói lý.
Năm 2015, nói lý, hát lý được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Do đó tại mỗi lễ hội, ngày vui của gia đình, làng, xã nói lý hát lý là nghệ thuật diễn xướng dân gian của người Cơ Tu không bao giờ thiếu được.
Tại lễ kết nghĩa nói lý, hát lý đều mang ý nghĩa về kết nghĩa, tình đoàn kết giữa hai bên. Trước đây mối quan hệ đã hài hòa tốt đẹp và sau khi tổ chức lễ kết nghĩa thì càng tốt đẹp, gắn chặt hơn.

Người dân và du khách nước ngoài thích thú xem lễ kết nghĩa Ảnh: Nguyễn Thành
Người dân và du khách nước ngoài thích thú xem lễ kết nghĩa. Ảnh: Nguyễn Thành
Dân có nguồn thu từ bảo tồn văn hóa
Ông AVô Tô Phương, Chủ tịch UBND Đông Giang bộc bạch: “Người dân Cơ Tu có nhiều nét văn hoá đặc sắc hết sức hấp dẫn. Bên cạnh việc bảo tồn, huyện đang nỗ lực kết nối với các công ty lữ hành, tập đoàn lớn để đưa lễ hội mừng lúa mới, lễ khánh thành Gươl, nhà mới, lễ kết nghĩa…của bà con đến các địa điểm du lịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng để phục vụ du khách. Việc này vừa bảo tồn những nét văn hoá đặc sắc, vừa góp phần tạo thu nhập cho bà con, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh trên địa bàn”. Mới đây nhất, khu du lịch Cổng trời Đông Giang được đưa vào hoạt động, đội múa, đội cồng chiêng của bà con thị trấn Prao đã được lựa chọn để trình diễn lễ hội và múa truyền thống phục vụ du khách, giúp người dân có thêm nguồn thu từ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Sau khi đã nói lý, hát lý xong, hai bên cùng nhau tổ chức cúng báo với Giàng, thần linh, trời, đất hai bên tổ chức kết nghĩa. Các vị già làng uy tín của 2 địa phương cúng rằng: “Lạy Giàng, trời đất, tổ tiên! Hôm nay thị trấn Prao và xã Tà Lu tổ chức cầu cho mọi người luôn mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, kiếm được nhiều lúa thóc, hai bên không xảy ra tranh chấp mâu thuẫn.
Từ nay về sau thị trấn và Tà Lu xem như một nhà, luôn đoàn kết để phát triển kinh tế, gìn giữ quê hương Đông Giang giàu đẹp. Các thần linh, Giàng, núi rừng sông suối đừng thấy làm lạ vì hôm nay hai bên chúng tôi tổ chức lễ kết nghĩa.
Để hằng năm chúng tôi luôn được ngồi với nhau, không ai phải gặp điều không hay. Hai bên chúng tôi kính dâng rượu, trà tất cả các đồ ở đây đến các thần linh, tổ tiên, trời đất, sông suối chứng kiến cho lòng thành của chúng tôi để hai bên từ đây về sau mối quan hệ ngày càng tốt đẹp, tình nghĩa bạn bè, anh em bền lâu”.
Khi các già làng xong lễ cúng, cũng là lúc tiếng trống, tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã núi rừng. Trong trang phục truyền thống, người dân nhảy múa điệu Tân Tung, Dá Dá quanh cây nêu mừng lễ kết nghĩa đến tận khuya.
Theo Nguyễn Thành (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.