Lễ vật dâng Vua Hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ xưa đến nay, lễ vật dâng cúng Vua Hùng luôn được cộng đồng chú trọng, thể hiện sự biết ơn sâu sắc và tấm lòng thành kính thiêng liêng. Đặc biệt, hàng năm, trong lễ rước kiệu của các xã, phường ven Đền Hùng để tri ân công đức tổ tiên thì lễ vật ấy lại càng được chuẩn bị chu đáo, kỳ công.
Tại Đền Thượng hiện còn lưu giữ tấm bia ghi “Điển lệ miếu thờ Hùng Vương” được lập năm 1923 có đoạn: “Phụng mệnh theo bộ Lễ chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng 3. Chiều ngày mồng 9 tháng 3 hàng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh cùng các quan viên trong các phủ huyện của tỉnh đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quan, sáng sớm hôm sau đến miếu kính tế. Lễ phẩm dùng cho ngày này gồm bò, dê, lợn, xôi. Trước kỳ này, vị hội trưởng thông báo cho các hội viên trong hội đồng bàn bạc trình tại phủ đường thẩm xét, trích số tiền lợi tự điền bao nhiêu cùng số tiền 100 đồng do Nhà nước cấp mỗi năm giao cho quan phủ Lâm Thao nhận lấy mua lễ phẩm và chi tiêu vào các khoản”.
Tương truyền vào thời nhà Nguyễn, lễ vật trong nghi thức tế lễ Hùng Vương không thể thiếu “tam sinh” gồm: lợn, bò, dê. Về sau, dù lễ vật ít nhiều thay đổi nhưng đến nay, việc dùng lợn (còn gọi là ông Cầu) trong lễ vật dâng cúng Vua Hùng vẫn được một số địa phương duy trì và đòi hỏi những yếu tố tỉ mỉ.
 Dâng lễ Vua Hùng. Ảnh:internet
Dâng lễ Vua Hùng. Ảnh:internet
Các vật phẩm dâng Vua Hùng ngoài bánh chưng và bánh giầy là thứ không thể thiếu thì từ xưa đến nay ở hầu hết các địa phương cũng gần như giống nhau, đều bao gồm: xôi, oản, hoa quả, rượu, vàng hương, gạo muối, gà luộc, thịt lợn. Riêng làng Vy, làng Trẹo (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao), xã Hùng Lô (TP. Việt Trì) khi cúng  lợn thường đặt cả con đã mổ sạch, kèm theo số tiết lợn cắt được. Ngoài ra, một số làng cúng cá chép như ở xã Đào Xá, huyện Cẩm Khê; một số làng ở huyện Đoan Hùng, Yên Lập quy định lễ vật phải có thịt trâu đen; huyện Thanh Sơn có xôi ngũ sắc. Đây đều là những sản vật do người dân làm ra dâng lên Vua Hùng để tỏ lòng thành kính. Đối với cộng đồng các làng xung quanh chân núi Nghĩa Lĩnh, Vua Hùng còn là thần tổ gắn với nghề nông, dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Vì thế, việc dâng cúng các sản vật nông nghiệp là một điều tất yếu để tỏ lòng tạ ơn sâu sắc về một năm mùa màng bội thu và cầu mọi điều tốt đẹp, thuận buồm xuôi gió cho năm tiếp theo.
Có rất nhiều lý do để giải thích vì sao lễ vật dâng Vua Hùng ở mỗi địa phương dù có nhiều điểm chung nhưng vẫn có những điểm khác biệt. Ông Nguyễn Quang Vinh (xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao) chia sẻ: “Tương truyền, vào thời Vua Hùng dựng nước, xã Tiên Kiên có nhiều tên gọi khác nhau như Tân Cương, Tiên Cương, là vùng đất có thao trường huấn luyện quân sự quốc gia, Vua và binh sĩ thường tập luyện, đi săn. Khi Vua nghỉ ngơi, dân làng mang lễ vật đến mời Vua, tất cả đều là những món ăn do người dân tự làm ra. Vua cho phép cả dân làng cùng ngồi ăn chung và nơi đây trở thành điểm nghỉ ngơi “truyền thống” trong suốt các đời Vua Hùng. Từ đó về sau, dân làng luôn lấy các sản vật của địa phương do tự tay mình làm ra đem dâng cúng Vua Hùng vào các dịp quan trọng để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn”.
Mặc dù những lễ vật ấy qua thời gian có nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ được những vật phẩm cơ bản không thể thiếu. Với tâm niệm lễ vật dâng cúng mang tính linh thiêng, vì vậy, tất cả những người được phân công chuẩn bị lễ vật đều lựa chọn cẩn thận gà, lợn, gạo. Ông Triệu Văn Hồng (82 tuổi, xã Hy Cương, TP. Việt Trì) chia sẻ: “Hàng năm, gia đình được chọn nuôi lợn, gà phải là gia đình có con trai, nhà không có tang ma và chấp hành tốt mọi quy định của địa phương, Nhà nước. Lợn bắt buộc phải là lợn đen tuyền, cho ăn thức ăn sạch như rau, cám gạo... nuôi đạt khoảng 30-50 kg là vừa; gà thì phải là gà trống thiến. Ngày xưa, mổ lợn tế lễ Vua Hùng trong làng phải là đàn ông trai tráng, phụ nữ chỉ phụ việc đun nước và những việc lặt vặt bên ngoài. Các cụ lão ông tuổi từ 60 đến 70 là những người tham gia chuẩn bị sắp lễ vật dâng cúng”. Theo ông Hồng, ngày xưa, dân làng thường dâng cúng cả con lợn nhưng nhiều năm trở về đây đã thay đổi, chỉ dâng thủ lợn và có đuôi, có chài phủ lên thủ lợn, chài không được nát, đứt. Như vậy coi như là tượng trưng cho một con lợn.
Tháng 3 Âm lịch là mùa trẩy hội. Nhân dân khắp cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, về với đất Tổ không chỉ được lắng nghe những câu hát xoan mượt mà, đượm nghĩa tình, được đẫm mình trong những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời nơi khởi nguồn của dân tộc Việt Nam mà còn là dịp để dâng lên Vua Hùng những vật phẩm ý nghĩa tỏ lòng thành kính tri ân công lao tổ tiên thuở hồng hoang dựng nước.
 THU HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.